Hà Nội chìm trong nước

01/11/2008 00:13 GMT+7

* Trận mưa lớn nhất trong vòng 24 năm trở lại đây * 3 người chết, 2 người mất tích * Lũ làm 12 người chết và mất tích ở Nghệ An Ngập lụt ở Hà Nội Một trận mưa cực lớn kéo dài từ 1 giờ sáng đến chiều tối 31.10 khiến hầu hết các tuyến đường ở Hà Nội ngập sâu trong nước, nhiều khu vực bị cô lập vì tất cả các ngả đường đều tắc.

Ngay từ sáng sớm, nhiều tuyến đường như Trần Đăng Ninh, ngã tư Tô Hiệu - Nguyễn Phong Sắc, Trần Đăng Ninh - Nguyễn Văn Huyên, phố Chùa Hà... đã bị nước mưa cô lập. Phố Thái Hà vốn thênh thang nay biến thành một con sông lớn. Tại các tuyến đường Đê La Thành, Khâm Thiên, Nguyễn Lương Bằng, Tôn Đức Thắng, các phương tiện bị dồn ứ nhiều giờ, người và xe dầm mình trong mưa. Phố Nguyễn Khuyến, Thợ Nhuộm, Đinh Tiên Hoàng... một số đoạn ngập sâu gần 1m khiến các loại ô tô nhỏ như Matiz, Yaris… nổi như thuyền! 12 giờ trưa, chị Diệu Thúy ở số nhà 2A, ngõ 100 Tây Sơn, thuộc phường Quang Trung (Đống Đa, Hà Nội) phải đứng ăn bánh mì trong hiên một ngôi nhà trên đường Thanh Niên, vì: "Nhà tôi bị cô lập, muốn về chỉ có cách đi bằng thuyền".


Xe cứu thương cũng bị chết máy - Ảnh: Bạch Dương

5 giờ chiều, nước vừa bắt đầu rút trên ngã tư Chùa Hà - Nguyễn Văn Huyên, Tô Hiệu, Nguyễn Phong Sắc, nhưng một cơn mưa kế tiếp ập đến với cường độ lớn lại khiến tình hình giao thông hỗn loạn. Nước ngập, xe mô tô chết máy giữa đường nhiều vô kể, khiến các tiệm sửa chữa xe máy được ngày bận rộn. Một số tiệm lợi dụng đẩy giá phụ tùng và công sửa chữa lên cao. Một chiếc bugi Trung Quốc bình thường giá chỉ 35 nghìn đồng, nhưng hôm nay được đẩy lên tới 50 nghìn đồng, cá biệt ở một vài điểm sửa chữa xe máy trên đường Nguyễn Phong Sắc nối dài, người đi đường phải thay với giá 70 nghìn đồng…

Công ty TNHH một thành viên thoát nước Hà Nội cho biết, mưa lớn và kéo dài khiến mực nước tại các sông, mương hồ trên địa bàn đều dâng lên nhanh chóng, đến chiều 31.10 đã cao hơn mực nước trước khi có mưa từ 1,5 - 2m. Tại hồ điều hòa Yên Sở, mực nước dâng vượt cốt thiết kế 0,1m (4,6/4,5m). Ngập úng đã xảy ra ở hầu khắp các tuyến phố, mức ngập trung bình 0,3 - 0,5m. 

Ông Nguyễn Lương Ngọc, Trưởng phòng kỹ thuật Công ty TNHH một thành viên thoát nước Hà Nội nói rằng, năng lực thoát nước của hệ thống cống trên địa bàn Hà Nội (theo thiết kế của dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn I) chỉ đáp ứng được khi trời mưa không quá 170mm/2 ngày, tức 85mm/ngày. Như vậy, nếu so với lượng mưa trung bình toàn thành phố ngày 31.10 là 300 mm/ngày thì năng lực thoát nước chưa bằng 1/4 so với lượng nước mưa đổ xuống. Trong khi đó, trạm bơm Yên Sở, trạm bơm duy nhất của Hà Nội, chỉ có công suất 166.000m3/giờ. Ông Ngọc cũng cho biết, toàn bộ hơn 1.000 cán bộ, công nhân viên của Công ty thoát nước Hà Nội đã ra đường làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, công nhân thoát nước chỉ có thể khơi thông dòng chảy, vớt rác để khỏi nghẽn cống nhưng khi cống tràn, hồ chứa tràn thì cố gắng của công nhân thoát nước gần như vô vọng trong cuộc chiến chống ngập.  

Theo thống kê sơ bộ, tính đến chiều tối qua, trên địa bàn Hà Nội đã có 3 người chết, 2 người mất tích do mưa lớn. Sáng 31.10, anh Hoàng Lê Nguyên (SN 1974), là bác sĩ của Trung tâm đào tạo vận động viên cấp cao tại Mỹ Đình, Từ Liêm trên đường đến cơ quan đã bị ngã xuống mương nước gần sân vận động Mỹ Đình (Từ Liêm) bị nước cuốn đi đến chiều qua vẫn chưa tìm thấy.

Khoảng 10 giờ sáng 31.10, Hoàng Thế Tài (SN 1984) cùng bố là ông Hoàng Thế Tùng (SN 1963) trú tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh (Hà Nội) ra đồng tát nước bất ngờ bị sét đánh trúng, Tài chết tại chỗ, ông Tùng bị thương được cấp cứu ở bệnh viện. Cũng tại Mê Linh, hai em Phạm Văn Hai và Nguyễn Kim Mạnh, là học sinh trường THCS Mê Linh, cùng trú tại xã Mê Linh trên đường đi học về đã bị nước cuốn trôi và chết đuối. Cũng thời gian đó, anh Nguyễn Văn Tuyên (SN 1986 đang là sinh viên, ở Tiên Tiến, xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ) trên đường về nhà, đến khu núi Thoong, gần suối Phai Vàng, xã Tân Tiến, đã bị nước cuốn trôi đến 17 giờ vẫn chưa tìm thấy.

Thanh Phong

Thời tiết xấu ở nhiều nơi

Từ đêm 30.10, ở Bắc Bộ và Thanh Hóa đã xuất hiện một đợt mưa lớn trên diện rộng. Theo ghi nhận của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, đợt mưa này có tới 3 tâm mưa lớn, trong đó lớn nhất xảy ra ở khu vực Hà Nội. Trung tâm mưa lớn thứ hai xảy ra ở các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nam, Hòa Bình. Chiều 31.10, lũ tại Bến Đế (Ninh Bình) đã lên mức 3,6m, và nhiều khả năng sẽ lên mức 4,2m (trên báo động III khoảng 0,2m).

Các tỉnh vùng núi như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Việt Bắc nằm trong tâm mưa lớn thứ ba. Trong khi đó, vùng lòng hồ Sông Đà cũng có mưa lớn. Vì vậy, lưu lượng nước về hồ Hòa Bình đã lên nhanh và đạt xấp xỉ 4.000m3/giây, mực nước hồ dâng nhanh và vượt mức quy định 117m. Trưa qua, Nhà máy thủy điện Hòa Bình đã mở cửa xả đáy số 1 và dự kiến hôm nay sẽ mở thêm một cửa xả đáy nữa.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, tính đến chiều qua 31.10, tổng lượng mưa đo được tại Láng đạt 306,6mm, Hà Đông 514mm; nội thành Hà Nội 347mm; Long Biên 77,2mm; Đồng Bông 510mm. Số liệu quan trắc tại trạm Láng cho thấy, tại khu vực nội thành Hà Nội đây là trận mưa lớn thứ 2 kể từ năm 1973, chỉ sau trận mưa ngày 10.11.1984. Tại khu vực Hà Đông, đến chiều qua, lượng mưa đo được lớn nhất từ năm 1960 đến nay. Trung tâm cũng dự báo trên địa bàn Hà Nội sẽ tiếp tục có mưa lớn trong 1-2 ngày tới.

Trung tâm nhận định, tình hình mưa lũ ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ còn diễn biến phức tạp. Đới gió đông tiếp tục hoạt động mạnh trong đêm 31 và ngày 1.11. Trong khi đó, ngày 2.11, một bộ phận không khí lạnh sẽ tràn xuống miền Bắc. Do vậy ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trong 2 - 3 ngày tới vẫn tiếp tục có mưa vừa, mưa to nhiều nơi, một số nơi mưa rất to.

Ngoài lũ lớn trên sông Hoàng Long, lũ các sông khác cũng sẽ lên nhanh, một số sông suối nhỏ có thể xuất hiện lũ lớn. Lũ các sông ở Bắc Trung Bộ tuy đã đạt đỉnh nhưng còn ở mức cao và có khả năng lên lại.

Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan - Phó phòng Dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ ngày 31.10 cho biết đang theo dõi một vùng áp thấp nhỏ đang hoạt động ở phía nam biển Đông. Do vậy, thời tiết vào những ngày cuối tuần này không thuận lợi cho những chuyến tàu ra khơi ở vùng biển phía nam.

Tính đến chiều tối qua, tại Nghệ An đã có 11 người chết và 1 người mất tích vì mưa lũ, trong đó có 3 trẻ em. Các trường hợp chết vì mưa lũ hầu hết do chủ quan và bị nước cuốn trôi. Mưa lũ đã làm hàng ngàn nhà dân bị ngập sâu trong nước. QL 7A, 48, 51 và nhiều tỉnh lộ bị ngập nước, gây ách tắc giao thông...

Q.Duẩn - M.Vọng - K.Hoan

Quang Duẩn - Thanh Phong -  Phan Hậu

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.