Ca khúc cũng có "bà con"?

13/08/2008 11:18 GMT+7

Sau một thời gian kể từ khi dư luận xôn xao với những vụ bị cho là đạo nhạc với Tình thôi xót xa, Tuổi 16..., làng nhạc Việt nay lại tiếp tục xuất hiện những "nghi án" tương tự.

Theo đó, Tạm biệt của Hồ Hoài Anh (trong album Cải bắp - Lưu Hương Giang) được cho là giông giống 4Ever của nhóm The Veronicas, Mưa của Minh Vương - Mạnh Ninh (đoạt giải Bài hát được yêu thích nhất của tháng 6.2008 trong chương trình Bài hát Việt) na ná Aitai do Se7en trình bày trong album tiếng Nhật của anh, hay mới đây nhất là Vầng trăng khóc của Nguyễn Văn Chung bị cho là trùng hợp nhiều yếu tố với những clip từ Lào, Thái Lan. Cho đến nay vẫn chưa thể khẳng định những trường hợp này có phải là đạo nhạc hay không, dù vấn đề đã được mổ xẻ, phân tích nhiều từ giới chuyên môn đến người yêu thích, am hiểu âm nhạc.

Tạm biệt và 4Ever đều là rock, nghe hơi giống về tiết tấu, cách ngắt câu và ở phần dạo đầu, nhưng giai điệu thì khác (Lưu Hương Giang) hát với tông cao hơn. Cuối cùng Tạm biệt được cho rằng chỉ là có âm hưởng gần giống chứ không phải đạo nhạc. Với Mưa và Aitai, tác giả công nhận Mưa có nhiều đoạn hòa âm giống Aitai, và Mưa được sáng tác dựa trên beat (nền hòa âm) của bài Aitai, nhưng đó là cách làm được cho rằng khá phổ biến ở VN. Kết luận: trường hợp này xem như chỉ vay mượn chất liệu âm nhạc, không phạm luật và cũng chẳng phải đạo nhạc. Còn Vầng trăng khóc (được sáng tác năm 2001) bị cho là lấy ý tưởng từ một câu huýt sáo của nhân vật chính trong game Nintendo (phát hành năm 1991). Không chỉ vậy, nó còn bị nghi ngờ đạo nhạc từ những clip Lào, Thái Lan! Tuy nhiên, nhạc sĩ lại khẳng định "một số clip xuất hiện trên YOUTUBE gần đây có phần giai điệu, hòa âm và ý tưởng quay video giống Vầng trăng khóc đến hơn 95%", và anh tuyên bố sẽ "kiện nhạc sĩ Lào và Thái Lan để đòi lại sự trong sạch cho mình" (như phát biểu trên một số báo). Riêng câu hát (Thì thôi em, đừng mong nhớ, đừng thương tiếc chi thêm đau lòng) giống với câu huýt sáo của nhân vật trong game, anh nói đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên!

Không phải đạo nhạc, vậy thì những sự giống nhau, lai lai, na ná, ảnh hưởng, có âm hưởng, trùng hợp, dựa trên... của các ca khúc này nên gọi là gì? Có bà con gần và họ hàng đâu đó với nhau chăng?

Nói như nhạc sĩ Võ Thiện Thanh, ca  khúc của mình phải hoàn toàn được sáng tạo 100%, không thể ủng hộ hay chấp nhận chuyện nương nhờ ý tưởng hay ảnh hưởng của người khác để tạo cảm xúc cho mình. Quả thật, nếu thực sự mong muốn ca khúc Việt phát triển hơn để không chỉ dừng ở giao lưu với các nền âm nhạc khác, thì mỗi người sáng tác phải ý thức việc sáng tạo độc lập, nếu không, khi đưa "ra biển lớn" ắt không tránh khỏi ê mặt vì  "đụng hàng".

Nguyên Vân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.