Không dễ “tiếp thị văn” trên mạng

25/06/2008 15:05 GMT+7

Sách điện tử có thay thế được sách in? Vẫn chưa có câu trả lời chính xác bởi các nhà văn thành danh trên internet vẫn được các NXB mời in tác phẩm ra sách giấy. Còn nhà văn cũng dùng chính internet để tiếp thị văn chương. Nhà văn trẻ Trần Thu Trang là một điển hình.

* Không chủ tâm trở thành nhà văn nhưng giờ đã thành nhà văn, có phải chính internet đã mang lại cho chị cơ hội đó?

- Trần Thu Trang: Tôi chỉ là một người rỗi việc ham viết. Nhưng đúng là internet mang lại cho tôi một cơ hội lớn: khám phá khả năng bản thân và tận hưởng cuộc sống. Nếu không có internet, có lẽ tôi chỉ an phận bên bàn giấy với cuộc sống quay cuồng nhưng tẻ nhạt của một nhân viên văn phòng làng nhàng, không được trải nghiệm những điều thú vị trong một nhịp độ nhàn tản đầy tính chủ động mà văn học cùng vô số thứ quanh nó đem lại.

 * Vừa thực hiện sách vừa tự quảng bá tác phẩm của mình, có phải câu "hữu xạ tự nhiên hương" giờ đây không còn đúng nữa?


"Internet là một thành tựu của cuộc cách mạng tin học; văn chương viết phổ biến qua con đường internet là một hiện hữu, một tất yếu ngày càng mạnh lên trong đời sống con người. Thay vì dè bỉu, nghi ngại, kêu la trước hiện tượng đó, giới văn học và xuất bản nên chuẩn bị một cách tích cực để chấp nhận và sử dụng điều đó" - dịch giả, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên (ảnh).

- Tôi nghĩ câu đó lỗi thời rồi. Nó chỉ còn ý nghĩa hỗ trợ tinh thần với những người vì lý do nào đó không thể tự rảy nước hoa đẫm lên đầu rồi thò đầu ra trước quạt thôi.

* Khi các "sản phẩm" của chị được đa số độc giả đọc hết trên mạng (qua blog và web riêng), in thành sách, chị tin độc giả trên internet vẫn sẽ mua?

- Cách đây 3 tháng, tôi hoàn toàn tin tưởng. Các tác phẩm đã xuất bản của tôi như Phải lấy người như anh hay Cocktail cho tình yêu có lượng tiêu thụ không tồi, thậm chí còn bị in lậu nhiều lần. Nhưng đến giờ thì tôi không dám chắc, vì 99 tuần buôn chuyện, tác phẩm mới nhất của tôi, cuốn sách tập hợp những bài viết mà tôi đã đưa lên web và độc giả trên mạng đánh giá cao, đang... ế!

 * Độc giả mạng và độc giả sách in phản ứng với các tác phẩm của chị ra sao? Có khác nhau nhiều không?

- Kinh nghiệm cho tôi thấy, độc giả sách in có phần khắt khe hơn. Có lẽ độc giả trên mạng đọc miễn phí, ngắt quãng và ít nhiều quen biết tác giả nên “nương tay” đôi chút. Nhưng dù đọc trên mạng hay đọc sách in thì phản hồi mà độc giả gửi đến cho tôi cũng qua internet.

* Sách mạng có thể nào đến ngày sẽ "triệt tiêu" mất sách in không?

- Lý trí tôi bảo có. Một ngày nào đó, khi khoa học kỹ thuật phát triển hơn, sách điện tử sẽ thay thế sách in, như sách giấy đã thay thế sách trên tre trúc, trên da thú. Nhưng trái tim tôi bảo không. Sách giấy để lại quá nhiều cảm xúc mà sách điện tử không thể mô phỏng nổi. Thói quen đọc sách của người giống như một quãng đường không bằng phẳng mà đoạn trũng nhất là thời mở cửa. Trong quãng giao thời, người ta đột nhiên được tiếp cận với bao nhiêu loại hình giải trí khác hấp dẫn hơn nên tạm thời nhãng đi, không đọc sách. Hiện tại, cùng với sự năng động của các đơn vị làm sách và sự hấp dẫn của các tác phẩm mới, đặc biệt là tác phẩm dịch, thói quen đọc đang dần trở lại.

* Chị sẽ còn đi tiếp con đường này để trở thành một nhà văn chính danh hay chỉ chọn văn chương như một thú vui?

- Tôi nghĩ, khi nói những câu như "văn chương như một thú vui", "văn chương như một cuộc chơi", người ta, và ngay cả tôi nữa, muốn ra vẻ khiêm tốn hoặc xã giao nhiều hơn. Vì chả có thú vui hay cuộc chơi nào hao tâm tổn sức và kéo dài thế này cả. Giờ, tôi vẫn cho rằng mình còn xăng để đi tiếp con đường này, nhưng với tình hình giá dầu cứ tăng như hiện nay thì...

Cát Khuê (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.