Cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT môn Văn

15/05/2008 23:26 GMT+7

Hơn 1.000 ý kiến thắc mắc của học sinh lớp 12 về cách ôn tập môn Văn khi ngày thi tốt nghiệp THPT đang đến gần đã được ông Lê Xuân Giang - chuyên viên Sở GD-ĐT TP.HCM và PGS-TS Trần Hữu Tá - Phó hiệu trưởng trường THPT tư thục Trương Vĩnh Ký, TP.HCM giải đáp tại chương trình tư vấn trực tuyến của Báo Thanh Niên.

Chú ý phần nào?

Vấn đề được nhiều học sinh quan tâm là: "Cấu trúc đề thi môn Văn năm nay như thế nào, câu hỏi lý thuyết có phải chỉ  xoay quanh 5 tác giả lớn thôi hay còn liên quan đến những tác giả khác?". Ông Lê Xuân Giang giải đáp: "Đề thi môn Văn thường gồm từ 2 - 3 câu. Thông thường, câu 1 (2 điểm) là câu kiểm tra kiến thức văn học (tác giả, tác phẩm). Nếu là câu hỏi về thân thế và sự nghiệp, đặc điểm phong cách, quan điểm sáng tác thì chỉ tập trung ở 5 tác giả: Hồ Chí Minh, Xuân Diệu, Nam Cao, Tố Hữu, Nguyễn Tuân. Những câu hỏi về hoàn cảnh sáng tác, lý giải các hình tượng thì bao quát trong chương trình. Chẳng hạn đề có thể yêu cầu nêu hoàn cảnh sáng tác của Tuyên ngôn độc lập, Việt Bắc nhưng cũng có thể hỏi về hoàn cảnh sáng tác của Tiếng hát con tàu, Rừng xà nu...


Ông Lê Xuân Giang

Như thế học sinh cần phải nắm chắc kiến thức về tác giả, tác phẩm trong đó có hoàn cảnh ra đời, xuất xứ, những nội dung chính và những đặc sắc về nghệ thuật. Câu 2 (2-3 điểm) khá đa dạng về nội dung và hình thức. Đề có thể hỏi về chủ đề tác phẩm, về đặc điểm tiểu sử và con người, về quá trình sáng tác, đặc điểm phong cách của các tác giả... Ở các đề thi ĐH câu 2 có thể là một bài tự luận ngắn nêu cảm nhận về một đoạn thơ, một hình tượng (ví dụ: hình tượng mảnh trăng cuối rừng, hình tượng cây xà nu...). Câu 3 là đề nghị luận văn học (5-6 điểm) thường yêu cầu cảm nhận, phân tích một đoạn thơ, một hình tượng nhân vật hoặc một nhóm nhân vật trong các tác phẩm khác nhau để làm rõ nhận định về nội dung tác phẩm hoặc phong cách tác giả. Khi làm bài, học sinh phải lưu ý, thi tốt nghiệp THPT thường có 2 đề, thí sinh chọn 1 và đã chọn đề nào thì phải làm tất cả các câu hỏi trong đề ấy, không được chọn một câu ở đề này, các câu còn lại ở đề khác".

Tài liệu ôn thi nào đáng tin cậy?

Bạn Nguyễn Hoàng Thùy Linh (P.5, TP Cà Mau) băn khoăn: "Để làm bài tốt môn Văn em cần phải học như thế nào, chỉ cần đủ kiến thức như thầy cô dạy hay còn phải tham khảo thêm và em nên đọc sách của những nhà xuất bản nào đáng tin cậy?". Ông Lê Xuân Giang tư vấn: "Trước hết là ôn, nghĩa là học lại cho thuộc cho nhớ những kiến thức đã được thầy cô giảng dạy. Cách tốt nhất là vừa đọc vừa ghi. Nên chuyển các bài học thành các bài tóm tắt, các dàn bài.

Khi luyện thì làm ngược lại, nghĩa là chuyển các dàn bài thành các bài văn hoàn chỉnh. Viết nguyên một bài văn thì mất nhiều thời gian và đòi hỏi sự kiên nhẫn, điều này ít học sinh làm được. Vì thế các em có thể tập viết từng đoạn văn ngắn để giải thích các hình tượng, nêu cảm nhận về các câu thơ đặc sắc hoặc tập viết các phần mở bài... Về tài liệu ôn thi thường thấy ở học sinh có hai thái cực: một số em mua đủ loại "bài văn mẫu", "bài văn hay", "tài liệu hướng dẫn"... Một số em khác lại chỉ có cuốn vở và tất cả trông chờ ở lời thầy. Cả hai thái cực đều không nên. Cuốn sách đầu tiên mà các em cần là SGK. Cần nhắc lại điều này vì nhiều em học mà không dùng đến sách. Tất cả kiến thức về tác giả, tác phẩm cần và đủ đều nằm ở phần tiểu dẫn in trước mỗi bài học trong SGK. Về các tài liệu tham khảo nên chọn mua những cuốn sách do NXB Giáo dục và Bộ GD-ĐT phát hành vì chất lượng tốt hơn".

Bạn đọc Trần Hoàng n (Trà Vinh) lo lắng hỏi: "Ngày thi đang đến gần, chúng em cần làm gì với môn Văn, cách ôn tập như thế nào cho hiệu quả?". PGS-TS Trần Hữu Tá chia sẻ: "Em nên xây dựng một thời gian biểu chi tiết cho từng buổi. Nên bố trí xen kẽ một buổi ôn Toán, Văn, buổi khác ôn Tiếng Anh, Lịch sử... Như thế để khỏi lâm vào tình trạng bão hòa kiến thức. Riêng môn Văn, em nên đọc lại các tác phẩm trong SGK lớp 12 để nhớ những câu thơ hay, những chi tiết tiêu biểu trong các tác phẩm văn xuôi, những đánh giá chính về sự đóng góp tích cực cho nền văn học của các tác giả. Nên xem lại những bài giảng của thầy cô, kể cả phần các thầy cô ôn tập, và đọc lại những bài văn của mình đã làm để tự nhận xét cái hay cái dở, cái yếu, cái thiếu trong bài viết. Việc rút kinh nghiệm như thế chắc chắn có lợi cho việc làm bài".

Bích Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.