Cá lúi Tây Sơn

19/03/2008 14:47 GMT+7

Tương truyền rằng, chính loại cá này là một trong những loại "doping" giúp nghĩa quân Tây Sơn có những ngày đêm hành quân thần tốc để đánh đuổi quân xâm lược.

Loại cá này đặc biệt chỉ có ở sông Côn (Bình Định), sông Ba (Gia Lai) và thường xuất hiện nhiều vào những tháng mùa hè oi bức của miền Trung. Con lớn nhất cũng chỉ bằng hai ngón tay, nhưng vị ngon của nó đã từng làm nhiều thực khách chết mê chết mệt, bởi cái vị ngọt của thịt và chút chan chát của xương. Và lẽ dĩ nhiên, là một món đặc sản thì không dễ kiếm được khi loại cá này dần khan hiếm.

Cá lúi sau khi làm ruột, rửa sạch có thể chế biến thành nhiều món. Tuyệt đỉnh phải kể đến món cá lúi um nghệ. Cá được ướp nghệ, thêm chút đường, một ít nước mắm, gừng được thái nhỏ và bột nghệ... rồi bỏ vào nồi đất lúp xúp nước dưới đáy, đặt lên bếp lửa hồng thật lâu cho đến khi thịt cá mềm ra. Nồi cá bốc hương thơm lừng, thoảng mùi cháy của om đất, ngai ngái mùi nghệ, thêm miếng bánh tráng Tam Quan danh tiếng, đặt một con cá đang còn nóng hổi lên trên... rồi "gặm" luôn cả thịt lẫn xương, mới thấy được vị ngon đậm đà.

Vị ngọt chan chát của thịt cá và xương, thoang thoảng mùi hành, mùi cay nồng của gừng và vị thơm của nghệ sẽ làm cho người thưởng thức đê mê không thể có "ẩm thực từ" nào để tả được. Theo những người sành ăn, một chút men của rượu và thưởng thức vị ngon của cá lúi giữa khung cảnh mang hào khí của Tây Sơn Tam kiệt sẽ không có gì bằng. Cá lúi chiên giòn hoặc nấu cháo cũng là những món có vị ngon riêng...

Tương truyền, nhờ hương vị đậm đà của  cá lúi mà đoàn quân áo vải dũng mãnh hành quân như lướt sóng... Đó là chuyện xưa. Còn nay, nhiều quý bà ở miền đất võ tự hào về "bước chân dẻo dai" của đức lang quân nhà mình cũng chính là nhờ món cá lúi này đây. Cứ thử đi, sẽ biết.

Cao Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.