Jason Gibbs và âm nhạc Việt

15/01/2008 23:34 GMT+7

Vì tò mò, anh mua một vài đĩa nhạc Việt về nhà nghe, thấy dâng lên một niềm cảm xúc khó tả. Cái cảm xúc ban đầu ấy đã khiến anh chuyên tâm nghiên cứu âm nhạc Việt Nam và ngày càng khám phá ra nhiều điều lý thú.

Jason Gibbs đến tòa soạn Báo Thanh Niên tìm tôi. Sau những phút "tay bắt mặt mừng" (chúng tôi vốn đã gặp nhau cũng ở Báo Thanh Niên vào năm 2005), tôi đã phải lúng túng xin lỗi anh vì có việc phải về quê không thể dẫn anh đi gặp ngay những nhạc sĩ Văn Lương (tác giả Tía em, má em...), Thanh Sơn (Lưu bút ngày xanh, Nỗi buồn hoa phượng, Mùa hoa anh đào...), Tô Thanh Tùng (Giã từ, Sao anh nỡ đành quên...) và nhiều nhạc sĩ khác nữa như đã hứa với anh qua những e-mail. Tuy thế, Gibbs rất vui khi tôi đưa cho anh một bản danh sách có địa chỉ, số điện thoại của một số văn nghệ sĩ hiện đang sống ở TP.HCM và cả rà soát trong danh bạ điện thoại di động của tôi.


Gia đình Jason Gibbs đón Tết Việt Nam (ảnh do nhân vật cung cấp)

Đọc thấy những cái tên Bich Phuong, Duy Khanh anh thốt lên: "Bích Phượng là ca sĩ hát dân ca, còn Duy Khánh chết rồi mà!". Tôi bảo anh: "Họ chỉ là những người bạn bình thường của tôi thôi, không dính dáng gì đến văn nghệ sĩ". Chuyện nhỏ, nhưng chứng tỏ Jason Gibbs rất "sâu sát" với âm nhạc Việt ở mọi lĩnh vực. Anh dò hỏi tôi: nhạc sĩ Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Vũ Hoàng... có dễ gần không? Anh có thể gặp họ không? Tôi tặng anh một tờ Thanh Niên Daily (một ấn phẩm mới toanh của Báo Thanh Niên), Gibbs hết sức bất ngờ, lắc mạnh tay tôi: "Báo Thanh Niên ngày một chuyên nghiệp. Xin chúc mừng!".

Đang vui, tôi hỏi anh: "Jason năm nay bao nhiêu tuổi?". Anh cười: "Mình tuổi Tý, sang năm là năm tuổi đấy!". Quả thật, anh chàng người Mỹ này đã "nhuộm" đầy chất Á Đông! Jason Gibbs sinh năm 1960 tại bang Tennessee, lớn lên và đi học tại bang Virginia. Học nhạc từ lúc 8 tuổi, từng tốt nghiệp khoa sáng tác ở các trường đại học William & Mary và trường Pittsburgh với học vị tiến sĩ âm nhạc. Hiện anh là quản thủ thư viện tại San Francisco. Anh từng là nhà soạn nhạc (đã sáng tác khoảng hơn 50 tác phẩm thính phòng và giao hưởng), nghệ sĩ trình tấu (chơi nhạc điện tử trong ban nhạc rock Apes of God và tham gia một số ban nhạc rock, jazz và nhạc ngẫu tác (improvised). Ngoài ra, Jason Gibbs còn là tác giả của rất nhiều công trình nghiên cứu về âm nhạc đã đăng tải trên các phương tiện truyền thông.

Buổi "gặp gỡ" đầu tiên của Gibbs và nhạc Việt khá là ngộ ngĩnh. Đó là năm 1985, khi anh đang ăn món canh chua và gà kho sả ớt trong một nhà hàng Việt Nam tại thành phố Pittburgh (nơi anh đang theo học) thì được nghe những bài hát mà những người Việt ở hải ngoại rất thích. Tò mò, anh mua một vài đĩa nhạc về nhà nghe, thấy dâng lên một niềm cảm xúc khó tả. Sau này, khi anh nhờ một người phụ nữ Việt Nam dạy tiếng Việt cho mình và trau dồi thêm vốn liếng tiếng Việt trong cộng đồng người Việt ở Mỹ, anh mới biết cái cảm xúc đầu tiên ấy chính do loại âm nhạc này chịu ảnh hưởng của tiếng Việt, một ngôn ngữ giàu âm tiết, nhạc điệu. Cái cảm xúc ban đầu ấy đã khiến anh chuyên tâm nghiên cứu âm nhạc Việt Nam và ngày càng khám phá ra nhiều điều lý thú.

Năm 1993 Jason Gibbs quyết định sang Việt Nam để tìm hiểu tận "ngọn nguồn". Lang thang trên đường phố Hà Nội, do nói chưa rành tiếng Việt nên Jason phải cầm một cuốn sổ và cây bút để "hỏi thăm" tất tần tật mọi việc. Một cô gái quê Vĩnh Phúc đã tích cực trả lời theo kiểu "bút đàm" cho anh. Sau đó, anh về nước nhưng cuộc "bút đàm" giữa họ vẫn kéo dài cho tới khi... họ làm lễ cưới. Trở thành chú rể Việt, Gibbs càng tích cực "về quê vợ" (năm 1995, anh đã có 6 tháng để đi khắp Việt Nam) nghiên cứu từ nhạc tiền chiến, nhạc trong chiến tranh ở cả 2 miền Bắc-Nam, nhạc Boléro, nhạc hậu chiến, cho tới dân ca, hát ả đào, chèo, nhã nhạc cung đình Huế, cải lương Nam Bộ... Anh có thể dẫn chứng nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên là nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên công bố tác phẩm của mình trước công chúng vào năm 1938 (bản tân nhạc đầu tiên), anh từng thuyết trình về các nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, Dương Thiệu Tước...

Gibbs yêu Boléro Việt bởi vì trong ca từ có những đồng lúa xôn xao, có cây đa bến nước, có bờ đê lũy tre, có cây mít cây ổi, đứa bé chăn trâu, bà già nhai trầu... Đó chính là đất nước Việt Nam, là "quê vợ của mình". Thế nên khi nhạc sĩ Lã Văn Cường hỏi anh có ấn tượng gì về ca khúc Việt Nam, anh trả lời ngay: "Ấn tượng nhất chính là nhạc Boléro, nó mang tâm cảnh rất riêng của người Việt".

Theo Tạp chí Văn (số 69 tháng 9.2002), Jason Gibbs là người có những khảo cứu và tư liệu đầy đủ nhất về nhạc Việt Nam từ thời tiền chiến đến nay. Đặc biệt anh rất ưa thích các ca khúc thể loại Boléro. Ở Hội nghị quốc tế nghiên cứu về nhạc phổ thông (International association for the study of popular music, 2005), Gibbs đã trình bày chuyên đề Vai trò đặc biệt của nhịp điệu Boléro trong âm nhạc Việt Nam. 

Chia tay Jason Gibbs, anh hứa tặng tôi một cuốn sách tập hợp những nghiên cứu của anh về âm nhạc Việt Nam đang được in ấn ở Hà Nội. Cám ơn anh, tiến sĩ âm nhạc người Mỹ nhưng rất nặng lòng với Việt Nam.

Huyền Nga 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.