Hoàng Sa và Trường Sa, mảnh đất thiêng của Việt Nam - Kỳ 2: Nhà Nguyễn thực thi chủ quyền

01/01/2008 22:50 GMT+7

Năm 1816, Vua Gia Long ban lệnh cho thủy quân với sự hướng dẫn của dân binh đội Hoàng Sa đi xem xét, đo đạc thủy trình ở quần đảo Hoàng Sa khi ấy bao gồm cả Trường Sa (Đại Nam Thực Lục Chính Biên, đệ nhị kỷ, quyển 52).

 

Chính hoạt động lần đầu tiên của thủy quân này đã đánh dấu mốc thời gian rất quan trọng về việc tái xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa, nên đã khiến cho những người phương Tây như Chaigneau hay sau này là Taberd khẳng định Vua Gia Long đã chính thức xác lập chủ quyền của mình như đã nói trên. Thực ra sự kiện năm 1816 chỉ đánh mốc là Hoàng đế Gia Long sử dụng thủy quân thay vì chỉ có đội Hoàng Sa xem xét, đo đạc thủy trình, khai thác hải vật như trước.

Thời nhà Nguyễn, nhất là từ thời Minh Mạng, thủy quân hằng năm liên tục đã thành lệ đều đặn ra Hoàng Sa, Trường Sa đi vãng thám, đo đạc thủy trình, cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền, và các hoạt động khác trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa...

 Lực lượng thủy quân làm nhiệm vụ xác lập và thực thi chủ quyền này là một "lực lượng đặc nhiệm" gồm kinh phái, tỉnh phái và dân binh địa phương trong có dân binh đội Hoàng Sa. Kinh phái đứng đầu là thủy quân cai đội  hay thủy quân chánh đội trưởng chỉ huy cùng với lực lượng thủy quân lấy trong vệ thủy quân đóng ở kinh thành hay ở cửa Thuận An. Ngoài thủy quân kinh phái còn các viên giám thành trong vệ giám thành, là những chuyên viên vẽ bản đồ như đã trình bày ở trên. Tỉnh phái là các viên chức ở tỉnh Quảng Ngãi có nhiệm vụ phối hợp với kinh phái trong công tác hướng dẫn, cung cấp dân công, lo xây dựng, đồng thời còn điều động binh dân ở tỉnh Quảng Ngãi. Có khi gồm cả dân binh tỉnh Bình Định như trong chuyến công tác năm 1835 và 1837.

Nhiệm vụ của "lực lượng đặc nhiệm" luôn được hoàng đế Việt Nam theo sát và ra chỉ dụ cụ thể nhất là dưới triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, cho ta thấy nhiệm vụ của lực lượng đặc nhiệm này  quan trọng đến chừng nào.

Cũng chính Vua Minh Mạng ra chỉ dụ nói rõ việc làm cụ thể của từng chuyến đi. Tỷ như năm Minh Mạng thứ 17 (1836), Bộ Công tâu trình lên vua về chuyến vãng thám  Hoàng Sa của thủy quân, chính đội trưởng Phạm Hữu Nhật, Vua Minh Mạng phê sửa (châu cải): "Báo gấp cho Quảng Ngãi thực thụ ngay, giao cho tên ấy (Phạm Hữu Nhật) nhận biên"  và rồi Vua Minh Mạng lại phê (châu phê): "Thuyền nào đi đến đâu, cắm mốc tới đó để lưu dấu". Cũng chính Vua Minh Mạng theo dõi các chuyến đi công tác Hoàng Sa bao gồm Trường Sa và đã nhiều lần ra chỉ dụ thưởng phạt. Thường dân binh đội Hoàng Sa Quảng Ngãi, Bình Định luôn được thưởng 1 hay 2 quan tiền và miễn thuế về sự cực khổ vất vả theo đoàn. Còn các viên chỉ huy như cai đội, chánh suất đội, các viên chức tỉnh phái mà chậm trễ đều bị tội.

Dưới triều Vua Minh Mạng, thủy quân mới được tổ chức thật quy củ có nhiệm vụ ngoài việc đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ còn có cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đại Nam Nhất Thống Chí, quyển 6  đã ghi chép rằng trước năm Minh Mạng thứ 16, nhà vua sai quân lính ra dựng bia đá làm dấu đã thấy  phía Tây Nam đảo có ngôi cổ miếu, không biết kiến thiết vào thời đại nào và có bia khắc bốn chữ "Vạn Lý Ba Bình". Như thế trước thời Minh Mạng đã có việc khắc bia, dựng miếu chùa rồi. 

Đến năm Minh Mạng thứ 14  (1833), Vua Minh Mạng đã chỉ thị cho Bộ Công sang năm Minh Mạng thứ 15 (1834) phái người ra dựng bia chủ quyền. Đại Nam Thực Lục Chính Biên đệ nhị kỷ, quyển 165 cũng đã chép rất rõ từ năm Minh Mạng thứ 17 (1836), Bộ Công tâu vua cứ hằng năm cử người ra Hoàng Sa bao gồm Trường Sa ngoài việc đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ và còn cắm cột mốc, dựng bia. Tập tấu của Bộ Công ngày 12 tháng 2 năm Minh Mạng 17 (1836) với lời châu phê của Vua Minh Mạng cũng đã nêu rất rõ: "Mỗi thuyền vãng thám Hoàng Sa phải đem theo 10 tấm bài gỗ (cột mốc) dài 4, 5 thước, rộng 5 tấc". Đại Nam Thực Lục Chính Biên, đệ nhị kỷ, quyển 6 còn ghi rõ: "Vua Minh Mạng đã y theo lời tâu của Bộ Công sai suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật đưa binh thuyền đi, đem theo 10 cái  bài gỗ dựng làm dấu mốc. Mỗi bài gỗ dài 5 thước rộng 6 tấc và  dày 1 tấc,  mặt bài khắc những chữ: "Minh Mạng Thập Thất Niên Bính Thân thủy quân chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật phụng mệnh vãng Hoàng Sa tương đồ chí thử, hữu chí đẳng tư (tờ 25b)". (Năm Minh Mạng thứ 17, năm Bính Thân, thủy quân chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật, vâng mệnh ra Hoàng Sa xem xét đo đạc,  đến đây lưu dấu để ghi nhớ).

Mỗi năm, cột mốc đều khắc rõ niên hiệu, năm, chức vụ, họ tên viên chỉ huy "lực lượng thủy quân đặc nhiệm", được phụng mệnh ra Hoàng Sa và ghi dấu để nhớ. Nếu chỉ tính sử sách có ghi rõ tên những người chỉ huy đội thủy quân đặc nhiệm của các năm cụ thể thời Minh Mạng như cai đội thuyền Phạm Văn Nguyên năm Minh Mạng thứ 16 (1835), chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật năm Minh Mạng thứ 17 (1836), thủy sư suất đội Phạm Văn Biện  năm Minh Mạng thứ 18 (1837), thì số đảo được đánh mốc cũng rất đáng kể. Mỗi thuyền 10 bài gỗ. Mỗi năm 4-5 thuyền có thể cắm mốc tối đa 40 - 50 cột mốc tại các đảo, song rất khó tổng kết tổng cộng trên thực tế cắm cột mốc được bao nhiêu đảo.

Các vị vua chúa Việt Nam, nhất là thời vua Minh Mạng cũng rất quan tâm đến việc dựng chùa miếu và trồng cây tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Năm Minh Mạng thứ 16 (1835), vua đã chuẩn y lời tâu của Bộ Công cho tỉnh Quảng Ngãi cất miếu Hoàng Sa một gian theo thể chế nhà đá. Việc dựng miếu này theo Đại Nam Thực Lục Chính Biên đệ nhị kỷ, quyển 154, đã cho biết rõ năm Minh Mạng thứ 15 (1834) đã không thực hiện việc xây dựng miếu như dự kiến mà đến mãi đầu tháng 6 mùa hạ, năm Minh Mạng thứ 16 (1835), vua Minh Mạng  đã cử cai đội thủy quân là Phạm Văn Nguyên đem lính và giám thành cùng phu thuyền hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định chuyên chở vật liệu đến dựng miếu cách tòa miếu cổ 7 trượng. Bên trái miếu, phía trước miếu xây bình phong. Mười ngày làm xong việc chứ không như các đoàn khác có nhiệm vụ lâu dài hơn.

Thường ba mặt miếu Hoàng Sa bên trái, bên phải và đằng sau đều trồng các loại cây. Theo Việt Sử Cương Giám Khảo Lược của Nguyễn Thông, thì các quân nhân đến đảo thường đem những hạt quả thủy nam mà rải ở trong và ngoài miếu, mong cho mọc cây để tìm dấu mà nhận. Như thế cây trồng ở Hoàng Sa bao gồm Trường Sa chủ yếu trồng bằng cách gieo hạt, quả chứ không trồng theo kiểu trồng loại cây con. Đó cũng hợp lý vì mang cây con ra biển đi trên thuyền nhỏ như thế cũng khó khăn, khó bảo dưỡng được cây sống để mà trồng. Thời gian hoạt động hằng năm của thủy quân vào cuối mùa khô, kéo dài sang mùa mưa nhiều tháng trời, rất thuận lợi cho việc gieo hạt trồng cây.  Ý của vua Minh Mạng sai trồng cây cũng cho rằng gần đây thuyền buôn thường bị hại, nên trồng cây cũng cốt làm dấu dễ nhận ra đảo mà tránh thuyền bị tai nạn đâm vào đảo...

Hãn Nguyên Nguyễn Nhã, Tiến sĩ Sử học

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.