Amy Trần: Niềm tự hào của làng khúc côn cầu Mỹ

25/03/2007 00:08 GMT+7

Đây là câu chuyện về Amy Trần, một cô gái Mỹ gốc Việt đã, đang và tiếp tục được kỳ vọng là lá chắn vững chắc trong khung thành của đội tuyển hockey quốc gia ở xứ cờ hoa.

Tại World Cup tổ chức tại Tây Ban Nha năm ngoái, Amy Trần đạt danh hiệu Thủ môn xuất sắc của giải. Hiện cô cùng tuyển Mỹ đang tích cực chuẩn bị cho giải đấu ước mơ -  Olympic 2008 tại Bắc Kinh...  

Vầng trán cao, nụ cười rộng mở và làn da rám nắng, Amy Trần có ngoại hình rắn chắc của một vận động viên thể thao. Nhìn nữ thủ môn mang số áo 25 thi đấu nhiệt tình trên sân với những cú vung gậy cản phá đối phương đầy tập trung và quyết liệt, nhiều khán giả, đặc biệt là các fan nữ, đã cổ vũ cô hết mình. Họ reo hò tên Amy từ trên khán đài, biểu lộ lòng tự hào và niềm tin tuyệt đối nơi người tuyển thủ này.   

Trưởng thành từ mái trường đại học  


Amy Trần

Amy Trần sinh ngày 2.10.1980 tại thủ phủ Harrisburg, thuộc tiểu bang Pennsylvania, Hoa Kỳ. Năm 2002, cô tốt nghiệp cử nhân ngành truyền thông tại Đại học North Carolina và hiện cư ngụ tại thành phố Grantville.

Ngay từ khi còn học dưới ngôi trường trung học có tên Northern Lebanon, Amy Trần đã sớm bị môn hockey chinh phục. Trên thực tế, bang Pennsylvania với địa danh Hershey nổi tiếng là quê nhà của một trong những đội hockey đầu tiên có mặt tại Liên đoàn khúc côn cầu Mỹ AHL. Thi đấu nổi trội trong vai trò thủ môn, Amy được gọi vào đội tuyển U.20 quốc gia kể từ năm 1999. Không lâu sau, cô được triệu tập vào đội U.21, rồi U.23. Tính từ năm 2001 đến nay, Amy là trụ cột không thể thiếu trong đội tuyển quốc gia Mỹ.

Có thể nói  những thành tích mà Amy Trần đạt được hôm nay là nhờ nền tảng rèn luyện chuyên nghiệp trong đội tuyển trường Đại học North Carolina.  Có 2 điều đặc biệt cần phải nói thêm về môn hockey ở Bắc Mỹ. Thứ nhất, phần lớn các tài năng được phát hiện và tuyển chọn từ hệ thống trường học. Thứ hai, hockey từ lâu đã được xem là môn thể thao phổ biến của nữ giới, chứ không riêng gì nam giới. Amy Trần không gặp khó khăn gì từ phía gia đình khi cô quyết định trở thành vận động viên hockey chuyên nghiệp.

Ông bà Pháp và Susan Trần luôn khuyến khích cô con gái cống hiến hết mình cho hockey. Ngay cả cô em gái Katy cũng noi gương chị và cũng từng có chân trong đội tuyển Đại học North Carolina. Việc có đến 2 vận động viên khúc côn cầu chuyên nghiệp trong một gia đình Việt Nam như gia đình của Amy cũng khiến cộng đồng người Việt ở Pennsylvania nở mày nở mặt. 

World Cup 2006 và những kỷ niệm khó quên 

Người hâm mộ khúc côn cầu tại Hoa Kỳ vẫn chưa quên đóng góp lớn của Amy Trần trong việc giúp tuyển Mỹ giành vị trí thứ 6 trong bảng xếp hạng của World Cup tổ chức tại thủ đô Madrid, Tây Ban Nha vào tháng 10 năm ngoái. Đây là lần thứ 3 đội Mỹ lọt vào tốp 6 đội hàng đầu thế giới kể từ khi tham gia giải từ năm 1983.  Thành tích đứng thứ 6 cũng là vị trí cao nhất mà tuyển Mỹ đạt được trong 12 năm qua. 

Hồi tưởng lại những khoảnh khắc vàng tại World Cup 2006, Amy Trần không thể quên cảm xúc ngây ngất khi cô thi đấu xuất thần trong trận đấu cân não trước tuyển Đức, đội từng đoạt huy chương vàng Olympic 2004. Tuyển Mỹ đã chiến thắng tuyển Đức với tỷ số sít sao 1-0.  Trong trận đấu này, Amy đã cản phá thành công hàng loạt pha dứt điểm của đối phương, trong đó quan trọng nhất là pha cứu bóng điệu nghệ vào phút thứ 11. Ngoài ra, cô còn cản phá thành công 2 quả phạt đền liên tiếp do danh thủ Fanny Rinne thực hiện ở  phút thứ 51 và 52 của trận đấu. Amy cũng được xem là vị cứu tinh của tuyển Mỹ trong 2 trận trước đó.

Sự gan dạ của cô là tấm khiên vững chắc bảo vệ mành lưới của đội nhà, giúp Mỹ vượt qua  rào cản Hàn Quốc với tỷ số 1-0 và đánh bại Nam Phi với tỷ số 3-1.  Với phong độ xuất sắc của mình, Amy Trần nghiễm nhiên ẵm giải Danh hiệu Thủ môn xuất sắc nhất tại World Cup 2006. Trước đó, cô cũng được bình chọn là thủ môn xuất sắc nhất của vòng loại Samsung World Cup 2006  ở  Ý và Giải Rabobank Champions Challenge ở Virginia Beach tại Mỹ.

Sau giải Cúp thế giới thành công tại Tây Ban Nha, tờ USA Today tặng cô danh hiệu Olympic Athlete of the Week. Khi được hỏi về bí quyết thành công của mình, Amy đáp: "Trước tiên phải học cách chơi đồng đội".    

Đường đến Bắc Kinh  

Đôi điều về Amy Trần

Tuy là cô gái Mỹ nhưng Amy vẫn không quên đạo lý hiếu nghĩa của người Việt Nam. Cô tâm sự rằng người cô kính phục nhất là cha mẹ. Trước đây, cô đã từng về quê hương cùng với gia đình thăm ông nội. 

Sở thích: Thích cùng ăn sáng với gia đình. Món ăn cô thích nhất là món cơm cà ri gà do ba cô chế biến. Thích xem phim Thành Long. Thích loài bướm vì cô nghĩ nó đem lại cho cô điều may mắn.

Nếu được là người khác, sẽ ước mơ mình là ngôi sao bóng rổ Michael Jordan bởi cô muốn được trải nghiệm cảm giác sống như một huyền thoại thể thao.  

Mặc áo số 25 vì đó là số áo của cựu cầu thủ Jana Withrow,  huấn luyện viên thủ môn cho đội tuyển Mỹ.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, Amy Trần tiếp tục là niềm hy vọng lớn trong khung thành tuyển Mỹ. Các tờ báo và diễn đàn trên internet về khúc côn cầu chia sẻ quan điểm rằng một trong những thế mạnh khó lay chuyển của tuyển Mỹ đang nằm ở vị trí thủ môn.

Sự xuất sắc trong thi đấu của Amy Trần và đồng đội và tài năng của huấn luyện viên Lee Bodimeade đã lần đầu tiên đưa tuyển hockey nữ Mỹ trở lại với đấu trường Olympic kể từ năm 1996. Qua 2 kỳ thế vận hội mùa hè gần đây nhất, tuyển Mỹ đều không vượt qua vòng loại khi họ chỉ về vị trí thứ 6, trong khi theo quy định chỉ có 5 đội xếp đầu 2 bảng đấu được chọn để đi sâu vào giải. May mắn thay, Ủy ban Olympic quốc tế IOC đã quyết định tăng số lượng tham dự giải lên từ 10 đến 12 đội. Vậy là có hy vọng để gặp lại tên tuổi của Amy Trần trên các cột báo bình luận khi Thế vận hội mùa hè lần thứ 29 chính thức bắt đầu vào tháng 8 năm sau. 

Nói về Amy, huấn luyện viên trưởng Lee Bodimeade khen ngợi hết lời: "Cô ấy đã có những cú cứu bóng tuyệt vời qua hàng loạt trận đấu và điều đó thực sự khích lệ tinh thần của toàn đội. Amy là thủ môn giỏi nhất và cô ấy còn có thể tiến bộ nhiều hơn nữa".

Quỳnh Như

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.