Phát hiện thức ăn gia súc nghi có mầm bệnh bò điên: Nhà sản xuất "treo đầu dê, bán thịt chó"

20/03/2007 23:46 GMT+7

Thông tin về những lô hàng bột thịt, bột xương, bột máu động vật chứa mầm bệnh than từ các nước có bệnh bò điên được một số công ty trong nước nhập về Việt Nam để sản xuất thức ăn bị các cơ quan chức năng phát hiện, ngăn chặn kịp thời thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Nếu ăn phải các sản phẩm này, trâu, bò... trong nước có bị lây bệnh bò điên? Đã có lô hàng nào lọt vào thị trường trong nước?

Chiều ngày 20.3, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Hoàng Văn Năm, Cục phó Cục Thú y cho biết: "Nhiều khả năng, lượng bột xương, bột thịt, bột máu này có các prion chứa mầm gây bệnh bò điên. Động vật nhai lại ăn phải sẽ mắc bệnh bò điên; nếu con người sử dụng các sản phẩm từ bò điên sẽ mắc phải bệnh viêm não thể xốp. Hiện tượng này đã xảy ra tại một số nước, trong đó có Anh quốc. Vì vậy, về nguyên tắc, chúng ta không cho nhập khẩu các sản phẩm kể trên từ các nước có bệnh bò điên".

Ông Hoàng Văn Năm khẳng định, đến thời điểm này, chưa có lô hàng tương tự lọt vào thị trường trong nước, bằng chứng thực tế là trên toàn quốc chưa ghi nhận một trường hợp nào có biểu hiện lâm sàng của bệnh bò điên và qua xét nghiệm một số mẫu não bò cũng chưa phát hiện dấu hiệu bất thường liên quan đến bệnh này. Theo ông Hoàng Văn Năm, 10 công ty nhập khẩu các lô hàng kể trên không có lỗi vì lỗi thuộc về nhà sản xuất, họ đã thông báo đó là bột gà, bột lợn để bán cho các công ty nhập khẩu theo kiểu làm ăn "treo đầu dê, bán thịt chó".

Trả lời câu hỏi: "Nếu phía Indonesia không thông báo cho Việt Nam biết thông tin về các lô hàng đó thì chúng ta có thể ngăn chặn kịp thời việc nhập chúng vào thị trường trong nước không?". Ông Hoàng Văn Năm  khẳng định: "Cục Thú y vẫn thường xuyên


Ông Hoàng Văn Năm

khai thác thông tin trên mạng và Tổ chức Thú y thế giới (OIE) cũng sẽ thông báo với chúng tôi. Nếu Indonesia không thông báo, chúng tôi vẫn biết chuyện này, có điều sẽ biết chậm hơn 1 - 2 ngày và trong khoảng thời gian đó, các cơ quan chức năng Việt Nam vẫn có thể kiểm soát được tình hình".

Trong thời gian tới, để ngăn chặn từ xa các lô hàng tương tự nhập vào Việt Nam, Cục Thú y sẽ tăng cường công tác kiểm soát bằng cách lấy mẫu xét nghiệm AND tất cả các lô hàng mà Cục nghi ngờ là có bột thịt, bột xương động vật nhai lại từ các nước có bệnh bò điên nhập vào nước ta. Việc giám định AND tốn ít nhất 1 tuần lễ và chi phí cho một mẫu giám định lên tới 3 triệu đồng, nhưng các doanh nghiệp đã đồng ý chi trả số tiền đó. Trên thực tế, các doanh nghiệp nhập khẩu trong nước cũng bất lực trong vấn đề này nên cũng muốn hợp tác với cơ quan chức năng. Ông Hoàng Văn Năm nhấn mạnh: "Mọi người có thể yên tâm. Chúng ta hoàn toàn có khả năng kiểm soát được vấn đề này".

Trong khi đó, trao đổi với các phóng viên, TS Đặng Tất Thế, chuyên gia Tổ Sinh học phân tử (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) nơi đã tiến hành giám định các mẫu do Cục Thú y gửi tới, cho biết: "Quy trình giám định được chúng tôi thực hiện một cách chặt chẽ, các mẫu dương tính được làm đi làm lại nhiều lần để đưa ra kết quả chính xác nhất".

TS Đặng


Ông Đặng Tất Thế

Tất Thế nhận định, các công ty nhập khẩu đã không cố ý nhập các lô hàng này bởi có thể do dây chuyền sản xuất, phương tiện vận chuyển không được vệ sinh tốt trong khi kỹ thuật PCR thì rất nhạy và chính xác, có thể dò tìm được tỷ lệ một phần vạn khiến họ không dám mạo hiểm nhập vào nước ta.

Tuy nhiên, TS Đặng Tất Thế cho rằng: "Chúng tôi là đơn vị duy nhất được thực hiện việc giám định này. Đây là lần đầu tiên chúng tôi tiến hành giám định bột xương, bột thịt động vật nhai lại có nguồn gốc từ các nước có bệnh bò điên nhập khẩu vào Việt Nam nên đương nhiên không loại trừ khả năng có những lô hàng đã lọt vào nước ta để chế biến thức ăn gia súc mà các cơ quan chức năng chưa có điều kiện phát hiện".

Ngày 26.12.2006, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn thông báo về việc kiểm soát bột sản phẩm động vật từ các nước có bò điên tới Đại sứ quán Tây Ban Nha, Ý, Đức, Pháp, Áo, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Canada, Cộng hòa Czech, Đan Mạch, Bỉ, Slovakia tại Việt Nam. Công văn nêu rõ: Để phòng chống bệnh bò điên xâm nhập vào Việt Nam, ngày 24.2.1998, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quyết định tạm đình chỉ nhập khẩu động vật sống thuộc loài nhai lại, tinh, phôi, noãn bào của động vật thuộc loài nhai lại, bột xương, bột thịt, bột máu, bột phủ tạng và các sản phẩm phụ của động vật thuộc loài nhai lại dùng làm thức ăn chăn nuôi từ các nước có bệnh bò điên vào Việt Nam.

Quang Duẩn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.