Ba Giai - Tú Xuất, 72 năm lưu lạc giữa đời cười

18/10/2006 22:13 GMT+7

Ba Giai - Tú Xuất là một hiện tượng độc đáo của văn học Việt Nam xuất hiện vào những năm đầu thế kỷ 20. Đó là những mẩu chuyện về hai nhân vật đầy cá tính, thích trào lộng và hay bày ra tình huống quái ác khiến đối tượng bị "chiếu tướng" phải dở khóc dở cười.

Vì cùng mô-típ với các chuyện khôi hài, chuyện lỡm dân gian như Trạng Quỳnh, Trạng Lợn, Xiển Bột... nên từ trước đến nay nhiều người vẫn nghĩ đó là chuyện dân gian của tác giả khuyết danh...

Nhưng theo nhiều người thì Ba Giai - Tú Xuất là 2 nhân vật có thật, họ đã từng gây ra không biết bao nhiêu chuyện quái gở, cười ra nước mắt khắp Hà Nội và vùng phụ cận trong nửa đầu thế kỷ trước. Ở miền Bắc, trước Cách mạng tháng Tám (1945) có rất nhiều người biết đến những câu chuyện nghịch ngợm của Ba Giai - Tú Xuất.

Nhà văn Nguyễn Nam Thông tên thật là Nguyễn Xuân Thông, sinh năm 1906 (có tài liệu ghi nhầm sinh năm 1893), người làng Động Dã, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây. Ông là tác giả: Ba Giai (1931), Tú Xuất (1930), Đàn bà dễ có mấy tay (1930), Thằng ăn mày giàu nhất tham nhất thế giới (1930), Trung - Nhật chiến tranh yếu nhân (1938), Nhật Nga chiến ký (1939), Vợ lẽ của tôi (dịch của Từ Trẩm Á - 1933)... Nhà văn Nguyễn Nam Thông từng làm chủ bút tờ Đông Tây tiểu thuyết (1937).

Truyện cười Ba Giai - Tú Xuất cũng đã từng được xuất bản ở miền Nam nhiều lần trước năm 1975 và rất được bạn đọc yêu thích. Ba Giai - Tú Xuất được tái bản nhiều lần bởi nhiều nhà xuất bản nhưng hầu như không ai biết đích xác người đã sưu tầm, biên soạn đầu tiên khiến tác phẩm này được dân gian hóa, người biên soạn trở thành khuyết danh. Chỉ duy nhất vào năm 1972, trong cuốn Lược truyện các tác giả Việt Nam (NXB Khoa học xã hội), hai tác giả Nguyễn Văn Phú và Tạ Phong Châu đã khẳng định nhà văn Nguyễn Nam Thông (1893-1945) chính là người đầu tiên biên soạn tác phẩm này.

Nhà báo Bích Ngọc phát biểu tại buổi tọa đàm

Mới đây, qua sự giao lưu của hai thư viện Việt - Pháp và sự giúp đỡ nhiệt tình của ông Vũ Văn Luân, NXB Hội Nhà văn đã có bản Truyện cười Ba Giai - Tú Xuất (do nhà văn Nguyễn Nam Thông biên soạn, Tân Dân Thư Quán xuất bản năm 1934) được lưu trữ tại thư viện Paris và NXB Hội Nhà văn đã tiến hành tái bản tác phẩm này kèm với việc trả lại tên cho người biên soạn đầu tiên. Trong buổi tọa đàm nhân ra mắt lần tái bản Truyện cười Ba Giai -Tú Xuất do tạp chí Kiến thức Gia đình và NXB Hội Nhà văn tổ chức tại TP.HCM, nhà văn Hoàng Đình Quang, người trực tiếp biên tập tác phẩm cho biết: "Trước đây, ông V.N có đưa bản thảo truyện cười Ba Giai - Tú Xuất cho chúng tôi xuất bản nhưng chúng tôi từ chối vì đó chỉ là những câu chuyện cóp nhặt tản mạn, văn phong lại khác xa với thời đại các nhân vật đang sống... Khi đọc bản của cụ Nguyễn Nam Thông, chúng tôi thấy rõ công sức của người biên soạn, cụ sắp xếp các truyện một cách có ý đồ và cụ như đắm mình vào thế giới của các nhân vật khi viết lại các câu chuyện bằng ngôn ngữ của chính họ. Chính vì thế khi tái bản tác phẩm này, NXB Hội Nhà văn đã giữ nguyên bản với lần in năm 1934 (nếu có từ nào ít dùng hoặc khó hiểu với bạn đọc thời nay thì sẽ dùng chú thích, chứ không thay thế bằng từ mới). Chúng tôi cũng bỏ bớt những truyện không có tính giáo dục, làm tổn thương đến người mù, người hủi...". Trong buổi tọa đàm còn có nhà báo Bích Ngọc (ái nữ của nhà văn Nguyễn Nam Thông). Chị cho biết: "Khi biết NXB Hội Nhà văn cho tái bản Ba Giai - Tú Xuất với tên của cha tôi, gia đình tôi rất xúc động... Có thể nói đó là nỗi vui mừng của những người được trao trả một kỷ vật vô giá sau bao năm lưu lạc...". Như vậy, sau 72 năm lưu lạc, Truyện cười Ba Giai-Tú Xuất đã tìm lại được tên người đầu tiên biên soạn (theo nhà báo Bích Ngọc thì trong đó có nhiều truyện do chính cụ Thông sáng tác qua thực tế cuộc sống). Buổi tọa đàm thống nhất ở các lần tái bản sau sẽ bỏ hai chữ "biên soạn" nếu chưa tìm ra bản in của tác giả khác trước năm khi cụ Thông viết thành sách. Xin chia vui với gia đình cố nhà văn chuyện "châu về hợp phố". 

Hà Đình Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.