Như thế là sòng phẳng!

13/09/2006 00:10 GMT+7

Khi giá dầu thô trên thế giới lên cao, vượt 78 USD/ thùng, Nhà nước đã thực hiện việc chia sẻ. Ngân sách nhà nước đã giảm thu khi giảm thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu xuống còn 0% (thậm chí còn phải tăng chi để bù lỗ hàng mấy nghìn tỉ đồng) cho các doanh nghiệp nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu.

Các doanh nghiệp nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu cũng đã phải tiết giảm chi phí để giảm lỗ. Nhà nước cũng đã cho tăng giá bán xăng dầu trong nước để người sử dụng xăng dầu chia sẻ với Nhà nước, với các nhà nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu. Giá xăng dầu tăng lên không những tác động trực tiếp mà còn tác động dây chuyền đối với hầu hết giá cả các loại hàng hóa và dịch vụ, ảnh hưởng tới chi phí sản xuất, lưu thông, đến hiệu quả và sức cạnh tranh trong điều kiện phải cạnh tranh khốc liệt khi mở cửa ngày một sâu, rộng hơn và tác động không nhỏ đến thu nhập thực tế và đời sống của người lao động, người tiêu dùng. Giá một số hàng hóa, dịch vụ đã tăng lên, thậm chí không ít trường hợp đơn vị, cá nhân bán hàng hóa và dịch vụ  đã "té nước theo mưa".

Giá dầu thế giới giảm xuống dưới 70 USD/ thùng, thậm chí trong mấy ngày nay đã giảm xuống chỉ còn dưới 66 USD/ thùng, tức là giảm khoảng trên 15% so với giá lúc phải chia sẻ. Theo dự đoán của các chuyên gia, nếu tình hình Trung Đông tiếp tục giảm nóng, đặc biệt là tình hình hạt nhân ở Iran bớt căng thẳng... thì giá dầu thô trên thế giới sẽ tiếp tục giảm nữa. Các nước OPEC cũng cam kết tăng sản lượng khai thác để giảm giá xăng dầu.

Khi giá dầu trên thế giới giảm xuống, ngân sách Nhà nước đã tăng thuế suất thuế nhập khẩu từ 0% lên 5% để bù cho phần hụt thu và tăng chi trong thời gian giá dầu thế giới tăng cao. Như thế vẫn còn khoảng gần 10% (tương đương khoảng 1.000đ) để giảm giá bán xăng cho người sử dụng, bảo đảm sự sòng phẳng và phù hợp với cơ chế thị trường. Tuy nhiên, một bài học cần rút ra là việc tăng lên hay giảm xuống của giá cả của những mặt hàng phụ thuộc vào giá cả thế giới, trong điều kiện mở cửa hội nhập ngày một sâu rộng, thì cần phải xử lý kịp thời hơn nữa, gần như theo nguyên tắc "bình thông nhau".

Nói như vậy, bởi vì khi giá dầu thế giới giảm đã gần một tháng trời, dư luận đã đề cập tới khá nhiều và cũng đã lâu, nhưng các cơ quan chức năng phản ứng rất chậm. Vì sao khi cần "chia sẻ" thì khẩn cấp thế, còn khi cần "sòng phẳng" thì lại chậm vậy? Phải chăng khi Nhà nước còn can thiệp sâu vào nền kinh tế, vào thị trường, đặc biệt là cơ chế "bộ chủ quản" còn tồn tại sẽ dẫn đến những kiểu hành xử chậm chạp này? Nhưng dù sao, giá xăng đã giảm và đây là một tin vui. Vui không chỉ là giảm 1.000đ/lít mà quan trọng hơn là sự sòng phẳng - một biểu hiện của sự minh bạch, bình đẳng, một nguyên tắc có tầm quan trọng hàng đầu trong cơ chế thị trường.

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.