"Loạn" cầm đồ ở TP.HCM

05/06/2006 00:07 GMT+7

Nếu chỉ tính một tiệm cầm đồ thực hiện giao dịch 10 triệu đồng/ngày, số tiền lưu chuyển qua các tiệm cầm đồ ở TP.HCM lên đến hàng chục tỉ đồng/ngày. Thế nhưng, hoạt động của rất nhiều các tiệm cầm đồ hiện nay lại rất mù mờ, không chỉ gây thiệt hại cho khách hàng mà có thể còn tiếp tay cho những hoạt động phạm pháp...

Từ vụ thanh lý chiếc xe @ Trung Quốc...

Ngày 22/3, ông N.H.V đến tiệm cầm đồ Lê Trực, thuộc Công ty TNHH Lê Trực, trên đường Võ Văn Tần, Q.3 để cầm một xe @ Trung Quốc. Theo phiếu cầm đồ kiêm khế ước do Công ty Lê Trực cấp cho ông V., số tiền cầm xe là 6 triệu đồng, lãi suất 4%/tháng, thời gian cầm đến 21/4; sau 15 ngày khi hết hạn cầm cố mà ông V. không đến trả vốn, lãi và chuộc lại tài sản thì công ty có quyền tiến hành thanh lý tài sản để thu hồi vốn lãi. Ông V. không được khiếu nại hoặc yêu cầu bất cứ điều kiện gì. Ngoài ra, ông V. phải có trách nhiệm lo thủ tục cần thiết để sang tên tài sản thế chấp cho người mua tài sản thanh lý...

Theo đơn trình bày của ông V., vào ngày 8/5, đại diện Công ty Lê Trực có gọi điện thoại nhắc ông tới đóng lãi suất. Ông V. xin khất lại 2 ngày. Ngày 10/5, ông V. đến tiệm Lê Trực xin chuộc lại tài sản thì đại diện công ty này thông báo đã bán xe của ông V. với giá 6 triệu đồng. Ông V. đặt vấn đề: "Giữa tôi và tiệm Lê Trực chưa bao giờ thỏa thuận định giá chiếc xe, vậy căn cứ vào đâu mà họ bán 6 triệu đồng? Việc bán tài sản của tôi nhưng tôi chưa ký giấy sang tên liệu có hiệu lực và hợp pháp? Nếu người mua xe tôi chưa sang tên, sau này gây tai nạn hoặc sử dụng trái pháp luật thì ai phải chịu trách nhiệm?".

Trả lời những thắc mắc của ông V., ông Lê Trung Trực, đại diện Công ty Lê Trực cho rằng, vì khách hàng trễ hẹn quá 15 ngày nên theo khế ước cầm đồ, công ty có quyền đem bán. Ông Trực cũng cho xem giấy bán xe đề ngày 8/5, khách mua ở Cần Thơ, giá mua 6,5 triệu đồng. "Giá này công ty chúng tôi tự định. Lãi suất cầm đồ cũng vậy, chúng tôi định ra mức 4% là thấp nhất ở Sài Gòn rồi. Có nhiều tiệm cầm 6%, 8% là bình thường" - ông Trực nói. Về chi tiết người đứng tên chủ sở hữu xe chưa ký giấy bán xe, ông Trực thẳng thắn: "Chiếc xe này bán nhưng chưa làm thủ tục. Chúng tôi bán cho lái nên lái cũng không cần việc này!".

...đến những sai phạm tràn lan

Theo quy định hiện hành, lãi suất cầm đồ động sản không quá 3%/tháng, trường hợp cho vay dưới 10 ngày, lãi suất không quá 0,3%/ngày. Với những trường hợp hàng hóa, tài sản đem cầm có giá trị từ trên 500.000 đồng, khi thanh lý phải thực hiện bằng hình thức đấu giá công khai theo quy định của pháp luật... Đối chiếu với những quy định này, việc Công ty Lê Trực nhận cầm chiếc xe của ông V. với lãi suất 4% và tự định giá bán khi thanh lý là vi phạm luật. Chưa kể, phiếu cầm đồ kiêm khế ước của Lê Trực phát ra không có giá trị pháp lý khi không có người đại diện công ty ký tên, đóng dấu... Việc Lê Trực bán xe mà người đứng chủ sở hữu không ký giấy bán có chứng nhận của chính quyền địa phương, theo lý thuyết người mua cũng không thể sang tên sở hữu tài sản.

Không chỉ Công ty Lê Trực, mà hầu hết các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ đều vi phạm. Dạo một vòng các tiệm cầm đồ trên các tuyến đường

Ông Nguyễn Hoàng Huy, Giám đốc Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản TP.HCM cho biết, từ trước đến nay Trung tâm của ông chưa tổ chức đấu giá bất cứ tài sản gì của các doanh nghiệp cầm đồ.
Hai Bà Trưng, Nguyễn Thị Minh Khai, Phan Đình Phùng, Lê Văn Sỹ, Nguyễn Kiệm, Quang Trung... thấy hầu hết các tiệm cầm đồ đều tự định lãi suất cao hơn quy định hiện hành, hợp đồng cầm đồ có khi chỉ là một mảnh giấy bằng bàn tay "minh chứng" cho một tài sản trị giá hàng triệu đồng! Khi thanh lý mặt hàng xe gắn máy cho thương lái, hầu hết các chủ tiệm cầm đồ cũng chẳng cần đến chữ ký của chủ sở hữu có xác nhận của chính quyền địa phương.

 Theo số liệu của Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) TP.HCM, hiện trên địa bàn có 2.900 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Nếu mỗi tuần một doanh nghiệp "thanh lý" 1 xe gắn máy thì con số lên đến hàng ngàn. Thế nhưng, trung tá Hoàng Đình Chất, Đội phó  Đội CSGT số 1 (phụ trách đăng ký xe) thuộc Phòng CSGT đường bộ, Công an TP.HCM, cho biết: "Quy định khi đăng ký xe đã qua sử dụng, ngoài các loại giấy tờ khác, bắt buộc người đăng ký xe phải có giấy mua bán xe có chứng nhận của UBND phường nơi người bán cư ngụ. Từ trước đến nay, Đội chưa phát hiện trường hợp nào đăng ký xe thuộc dạng cơ sở cầm đồ thanh lý mà không có giấy mua bán xác nhận của phường". Vậy hàng chục ngàn xe này đã được sử dụng như thế nào? Một chủ doanh nghiệp cầm đồ "bật mí": "Với những xe chủ sở hữu không đến ký xác nhận, khi bán chúng tôi làm một giấy cam kết là xe không tranh chấp và người mua cứ yên tâm sử dụng, không cần sang tên". Trường hợp người mua nhất thiết yêu cầu phải sang tên, một số "thương lái" không ngại thông qua "cò" giấy tờ xe làm giả giấy mua bán rồi đi xin xác nhận của phường xã...

Một bằng chứng khác là cuối năm 2005, TAND TP.HCM đã đưa ra xét xử vụ án Trần Văn Lợi (ngụ ở Q.8, TP.HCM) làm giả giấy mua bán xe gắn máy, rồi xin xác nhận ở một số phường thuộc Q.8, Q.12 để hợp thức hóa hàng loạt hồ sơ xe gắn máy chuyển quyền sử dụng. Để có được chữ ký, dấu xác nhận mà không cần chủ xe có mặt, tất nhiên Lợi phải "bôi trơn" cho cán bộ tư pháp các phường này...

Quản lý mù mờ...

Việc cấp phép đăng ký kinh doanh dịch vụ cầm đồ hiện nay do Sở KH-ĐT thực hiện, sau đó doanh nghiệp hoạt động như thế nào thì quận, huyện có chức năng quản lý trên địa bàn, phối hợp


Tang vật vụ án bị công an thu giữ tại các tiệm cầm đồ

với một loạt các cơ quan chức năng như quản lý thị trường, công an... kiểm tra, xử lý các vi phạm khi xảy ra. Cả một hệ thống tham gia "hậu kiểm", nhưng thực tế những sai phạm vẫn xảy ra. Một cán bộ Phòng kinh tế Q.5 cho biết trên địa bàn quận hiện có trên 50 doanh nghiệp có chức năng kinh doanh dịch vụ cầm đồ (số liệu của Sở KH-ĐT là 95), nhưng từ trước đến nay quận chưa bao giờ nhận được khiếu nại trong lĩnh vực này. Về quy định các tiệm cầm đồ phải đấu giá khi thanh lý những tài sản có giá trị trên 500.000 đồng, ông này thú thật "không rõ lắm về quy định này" (!). 

Tương tự, khi chúng tôi hỏi về việc giải quyết tranh chấp trong dịch vụ cầm đồ, một cán bộ Công an P.5, Q.3 đã "hồn nhiên" trả lời: "Cầm quá hạn không trả được vốn lẫn lời thì người ta (tiệm cầm đồ - TN) có quyền thanh lý để thu hồi vốn. Việc này khế ước cầm đồ ở đâu chả ghi rõ".

Quản lý mù mờ, pháp luật không nghiêm chính là nguyên nhân gây ra nhiều sai phạm trong lĩnh vực cầm đồ. Trên thực tế, không chỉ "ép" khách hàng, không ít tiệm cầm đồ còn sẵn sàng "chơi" luôn hàng gian, hàng... trộm cướp. Trong đợt cao điểm tấn công tội phạm mới đây, Công an TP.HCM cũng đã thu hồi hàng ngàn tài sản không rõ nguồn gốc từ các tiệm cầm đồ, cửa hàng kinh doanh điện thoại... Chẳng hạn như vào giữa năm 2005, Công an Q.Tân Bình phá một băng cướp giật do Nguyễn Hữu Tài (24 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận) cầm đầu, đã gây ra hàng chục vụ cướp giật trên đường phố. Qua lời khai của các đối tượng này, Công an Q.Tân Bình đã tiến hành thu hồi 12 sợi dây chuyền vàng tại một số tiệm cầm đồ...

Bài và ảnh: Nhóm PV Điều tra

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.