Cơ chế này sinh ra nói dối hằng ngày

20/05/2006 00:20 GMT+7

Thiệt hại do tham nhũng gây ra không thể chỉ tính bằng giá trị vật chất mà quan trọng hơn là tham nhũng đã làm băng hoại nền tảng đạo đức của toàn xã hội. Ông Trần Quốc Thuận (ảnh), Phó chủ nhiệm Văn phòng QH chia sẻ suy nghĩ đó với PV Thanh Niên:

- Cơ chế hiện nay đang tạo kẽ hở cho tham nhũng, vơ vét tiền của của Nhà nước. Không tham nhũng mới là lạ! Nhưng cái mà chúng ta mất lớn nhất lại không phải là mất tiền, mất của, dù số tiền đó là hàng chục tỉ, hàng trăm tỉ. Cái lớn nhất bị mất, đó là đạo đức. Chúng ta sống trong một xã hội mà chúng ta phải tự nói dối với nhau để sống. Mọi người nhận lương đó, nhưng mà có ai sống bằng lương đâu! Nói dối hằng ngày nên thành thói quen. Thói quen đó lặp lại nhiều lần thành "đạo đức", mà cái "đạo đức" đó là rất mất đạo đức. Đấy là một cái nguy, nhưng tôi thấy ít người quan tâm, chỉ chăm chăm vào vụ tham nhũng này, vụ tham nhũng kia.

* Việc thành lập Ban chống tham nhũng, cử một phó thủ tướng đặc trách chống tham nhũng sẽ hạn chế được tham nhũng?

- Thành lập Ban Phòng chống tham nhũng chỉ là việc làm mang tính chất thời sự, chứ chống tham nhũng cần phải làm toàn diện hơn. Chúng ta thay đổi cơ chế quản lý Nhà nước chậm nên đất nước trì trệ. Bộ máy hiện tại quá cồng kềnh, quá chồng chéo, không xác định chức năng cụ thể, không phân định quyền hạn cụ thể. Cần phải có một cuộc đại phẫu. Phải làm triệt để giống như chúng ta chuyển đổi từ cơ chế quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường.

* Cụ thể là phải chuyển đổi như thế nào?

- Phải làm cho cơ quan của QH thật sự là cơ quan QH. Cơ quan Chính phủ thực sự là cơ quan Chính phủ, tư pháp ra tư pháp, các đoàn thể phải trả họ về vị trí của họ. QH phải thực sự đại diện cho nhân dân, vì quyền lợi nhân dân. Bây giờ, người ta hay nói đến trách nhiệm của đại biểu tiếp xúc với cử tri. Thực tế là đại biểu QH đều biết rằng số phận của họ không gắn với sự tín nhiệm của cử tri, nó gắn với tín nhiệm của một nơi khác. Vậy thì làm sao họ làm theo ý kiến của cử tri được ? Cho nên phải trả người đại biểu về vị trí của họ. Phải mở rộng quyền tự do ứng cử, bầu cử, tranh cử. Phải để cho QH có thực quyền. Thực quyền mới quyết được các vấn đề. QH phải có cơ quan chuyên trách, tổ chức điều tra tới nơi tới chốn. QH đâu phải là diễn đàn để nói cho xả hơi. Anh ra đây báo cáo rồi xin lỗi là xong, đâu có được!

* Hiện có rất nhiều trường hợp vừa là đại diện cho cơ quan lập pháp, vừa là cơ quan hành pháp. Trên trung ương thì Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng là đại biểu QH, tỉnh thì Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch là đại biểu QH. Hậu quả tình trạng này là gì ?

- QH sau này nên cơ cấu lại. Khóa tới này, đại biểu chuyên trách chí ít là phải quá bán, số còn lại là những thành phần đại diện cho các tầng lớp xã hội. Cơ quan hành pháp không có đại biểu thì tốt. Ở các nước Bắc u, Thủ tướng và Bộ trưởng không có trong QH. Ở mình, những người đó (Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh đồng thời là đại biểu QH - TN) thì giám sát ai, chất vấn ai? Không khéo là vừa đá bóng vừa thổi còi. Không có một lương y nào tự lấy dao mổ thịt mình ra để mà giải phẫu. Ông vừa là Ủy viên Trung ương, vừa là Bí thư, Chủ tịch, đại biểu QH, đi họp liên tục nhưng không bao giờ dám nói cái gì ở trên này cả.

* Từ lâu ta vẫn quan niệm ở các cơ quan trung ương cứ vào được Ủy viên trung ương thì nghiễm nhiên sẽ được ngồi vào ghế bộ trưởng...

- Kỳ họp này nổi lên vấn đề chống tham nhũng. Đây là một không khí tốt. Chính phủ sắp thành lập phải có những gương mặt mới, những gương mặt nào "mang tai, mang tiếng" thì thôi. Không nên quan niệm cứ hễ là Ủy viên Bộ Chính trị, cứ hễ là Ủy viên Trung ương thì chức nào cũng làm được. Chức vụ phải phù hợp với năng lực chuyên môn. Một số chức vụ đòi hỏi nhất thiết người giữ phải là Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị thì lúc đó mới đặt ra. Còn những vị trí khác, ngay cả trung tâm của Chính phủ, nhưng đã mang tiếng thì cũng đề nghị các anh tránh ra chỗ khác. Với tư cách cá nhân, tư cách đảng viên, tôi nghĩ: ít ra nếu chưa thay đổi hoàn toàn Chính phủ thì cũng đã đến lúc thay đổi những vị trí không được đại hội (Đại hội Đảng lần thứ X - TN) tín nhiệm, hoặc những người mà dư luận báo chí đã phê phán, để người dân thấy bộ mặt Chính phủ đẹp hơn sau đại hội. Những trường hợp tự xin rút ứng cử Ban chấp hành Trung ương nhưng vẫn được người dân tín nhiệm thì nên để.

* Chủ trương trao quyền mạnh hơn cho người đứng đầu có phải là giải pháp chống tham nhũng ?

- Chống tham nhũng không phải chuyện đi xe trên đường đông người rồi lách qua lách lại, nay sửa điều này, nay sửa điều kia mà phải có giải pháp toàn diện. Trao quyền mạnh cho Bộ trưởng, nếu ông đó kéo bè phái làm việc cũng chết, vì không có bộ máy kiểm tra giám sát ông ấy, không có công khai minh bạch.

Xuân Toàn (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.