Giải quyết bụi Nix cho môi trường ở Khánh Hòa như thế nào ?

14/05/2006 23:47 GMT+7

Báo chí vừa qua phản ánh khá nhiều về tình trạng ô nhiễm môi trường do bụi Nix của Nhà máy tàu biển Hyundai Vinashin đóng trên địa bàn xã Ninh Phước, huyện Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa) gây ra. Bãi thải của nhà máy này đang tồn khoảng 500.000 tấn hạt Nix đã qua sử dụng có trộn lẫn với các hợp chất độc hại sau khi xử lý làm sạch vỏ tàu... Làm cách nào giải quyết bụi Nix cho môi trường? Giáo sư Trần Kim Thạch (Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM) cho biết:

- Bụi Nix là một thứ bụi mịn như cát và hơn cát, có màu đen, tỷ trọng nặng từ 6,5 - 7, nên dễ rơi xuống đất (trừ phần rất mịn bay trong gió, tạo nên một màu đen rất bẩn. Nếu ở trong tình trạng tự do) bụi Nix gây ô nhiễm môi trường là điều chắc chắn. Ô nhiễm ở đây có hai mặt: một là ô nhiễm môi trường vật lý, tạo một lớp bụi đen che phủ đất, nước và thảm thực vật; hai là môi trường hóa học, vì bụi Nix có chứa 0,19% chì, là chất độc hại cho sức khỏe con người, có thể gây tử vong nếu sử dụng nước ngầm bị nhiễm Nix cao.

* Vậy thì các nước trong khu vực giải quyết ô nhiễm môi trường do bụi Nix như thế nào?

- Ở Nhật Bản, người ta làm cho bột Nix trở nên "trơ" bằng cách nhốt nó. Nhờ một chất kết dính như xi măng, họ trộn với Nix thành bê tông. Chất kết dính này không phải bằng bê tông xi măng, mà bằng bê tông pôlime (vì bê tông pôlime có giá rẻ hơn, nhưng khả năng "nhốt" bụi Nix cũng tương đương bê tông xi măng). Đây là cách được nhiều nước trên thế giới sử dụng. Cũng còn nhiều cách nữa mà ở châu u, Mỹ vẫn làm như chôn vùi Nix dưới bể sâu, có gạch chống thấm nhiều lớp bao lại. Cách này cũng rất rẻ và có hiệu quả cao.

* Đối với nước ta thì giải quyết ra sao?

- Ở Khánh Hòa, bụi Nix nhiều đến mức gây bức xúc cho người dân và lãnh đạo tỉnh. Phải "nhốt" nó lại, không thể chậm trễ được ! Nhưng "nhốt" bằng cách nào? Dùng xi măng portland cũng được, nhưng giá thành rất cao; hay dùng bê tông pôlime (nếu được nhập từ nước ngoài vào) kinh phí cũng còn khá cao, đến 300.000 đồng/m3. Nếu dùng hóa chất và vật liệu chế trong nước, giá thành 1m3 chỉ bằng phân nửa nói trên. Vậy chúng ta nên "nhốt" Nix bằng công nghệ pôlime tại Việt Nam.

Mai Vọng (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.