Ông Việt kiều “3D”

17/02/2006 22:40 GMT+7

Anthony Châu Nguyễn - tức Nguyễn Xuân Châu - sinh ra và lớn lên tại Chợ Lớn, Sài Gòn. Tết này, anh vừa tròn 50 tuổi và đã có hơn 10 năm gắn bó với quê mẹ thông qua những dự án lớn tại Việt Nam. Tối 13.2 vừa qua, anh đã bay về Úc sau chuyến công tác xã hội đầy ý nghĩa cùng với Báo Thanh Niên tại Phổ Cường, vùng quê mà chị Đặng Thùy Trâm từng dâng hiến trọn tuổi thanh xuân.

1. "Nếu có gì, anh cứ gọi tôi!" Anthony Châu Nguyễn viết cho tôi như thế. Từ lần anh nhờ người quen mang đến văn phòng Báo Thanh Niên tại Đà Nẵng món tiền đầu tiên giúp T., em gái bị bệnh hiểm nghèo, hai bên bắt đầu liên lạc với nhau. Sau đó T. qua đời nhưng em đã kịp có tiền ăn được tô bún ốc từng mơ và tổ chức sinh nhật cuối cùng khi tròn 15 tuổi... Thật buồn, nhưng cái chết của em đã nối kết chúng tôi. Đã có khoảng mấy trăm e-mail qua lại và hàng chục cuộc điện thoại anh gọi cho tôi từ Melbourne (Úc). Anh liên tục ủng hộ cả trăm triệu đồng cho nhiều trường hợp thương tâm trong các bài viết khác. Từ những trường hợp cấp thời, anh mở ra diện giúp đỡ lâu dài. Gần đây nhất, anh nhận tài trợ thường niên 20 triệu đồng học bổng Nguyễn Thái Bình cho các em học sinh nghèo vượt khó ở quê hương Phổ Cường và Đức Phổ, Quảng Ngãi. Anh viết: "Tôi đọc Báo Thanhnien Online thường xuyên và rất bức xúc trước những cảnh đời nghèo khó. Sống ở Úc đã 35 năm, hiếm khi tôi nghe thấy những chuyện tương tự. Trẻ em, sinh viên bên này cũng đi bán báo, làm thêm nhưng để mua sắm theo sở thích chứ không để kiếm sống cho gia đình hoặc nuôi cha mẹ già. Tôi chỉ cố gắng giúp được bao nhiêu hay bấy nhiêu trong tinh thần một bạn đọc từ xa".

2. "Ngay từ khi còn trẻ, tôi đã rất thích ngành xây dựng và cơ khí. Theo học trung học ở Trường kỹ thuật Cao Thắng, đậu tú tài 2 năm 1974. tháng 2.1975, tôi du học Úc và tốt nghiệp kỹ sư cơ khí năm 1979. Trong 3 năm đầu, tôi làm việc tại Công ty hầm mỏ King Island Scheelite, chuyên khai thác tungsten làm dây bóng đèn điện. Sau đó, tôi chuyển sang làm việc tại công ty thiết kế hầm mỏ lớn nhất của Mỹ tại Úc là Raymond Engineers (tên cũ là Kaiser Engineers) trong vai trò kỹ sư cơ khí, thành viên của nhóm 280 kỹ sư thiết kế và họa viên có kinh nghiệm từ 15 năm trở lên. Chúng tôi tham gia mở rộng lần thứ 4 nhà máy Alumina Plant ở Queensland. Tiếp đó, bắt tay làm nhà máy Aluminium Smelter Limited ALCAN ở Kuri. Một dự án nữa là Glendale Coal, sản xuất than đá cho nhà máy điện và than đá luyện sắt. Tôi cũng làm cho Công ty World Services P/L, chuyên ngành bảo trì định kỳ nhà máy lọc dầu. Cuối cùng, tôi mở Công ty TT. Drafting chuyên vẽ thiết kế chi tiết và sản xuất kết cấu thép đến hôm nay".


Anh Châu Nguyễn chúc mừng các học sinh THPT Đức Phổ II vừa được nhận học bổng Nguyễn Thái Bình.
Năm 1994, anh Nguyễn Xuân Châu về nước, làm việc tại liên doanh Keppel Bason, mở rộng dịch vụ sửa chữa tàu biển với tư cách marketing manager - quản lý tiếp thị. Trong quá trình ấy, anh luôn suy nghĩ về những ứng dụng đạt hiệu quả kinh tế cho đất nước và nâng cao mức sống của người dân bình thường. Ví dụ, khi ở mỏ tungsten, anh liên tưởng Việt Nam đang chuẩn bị khai thác mỏ tương tự tại Thái Nguyên với Công ty Tiberon. Làm than cho Úc, Mỹ lại nghĩ đến mỏ Quảng Ninh, nơi có cả tỉ tấn than Anthracite tốt nhất thế giới. Làm bảo trì nhà máy lọc dầu tại Úc, anh hướng về Nhà máy lọc dầu Dung Quất trong tương lai... Anh có khá nhiều thông tin chuyên ngành đáng để tham khảo nhưng rất tiếc tôi không thể chuyển tải hết lên mặt báo.

Thuộc tuýp người đã nói là làm và ngày càng gắn kết với quê hương, trong chuyến công tác xã hội với Báo Thanh Niên tại Phổ Cường đầu năm mới, anh bày tỏ: "Hiện thời tôi có chi nhánh công ty tại quận 5, TP.HCM, dạy nghề cho 26 nhân viên thiết kế chi tiết về kết cấu thép cho thị trường Melbourne, sử dụng công nghệ 3D tiên tiến của thế giới. Sau chuyến đi này, tôi sẽ làm thủ tục mở thêm chi nhánh ngay tại vùng quê từng in dấu chân chị Đặng Thùy Trâm. Nếu chị ngưỡng mộ người dân Đức Phổ, Quảng Ngãi một thì tôi ngưỡng mộ gấp trăm lần. Họ đã che chở, cưu mang chị. Ngược lại, những trang nhật ký của chị đã giúp toàn thế giới biết đến cuộc chiến đấu, hy sinh của người dân nơi đây. Tương lai gần, tôi dự định đầu tư tại miền Trung một nhà máy kết cấu thép (Structural Steel Fabrication) khoảng 10.000m2 - 20.000m2 để phục vụ xây dựng các nhà máy bằng công nghệ mới. Tại TP.HCM, tôi dự định mở thêm văn phòng về kiến trúc và precast panel, phục vụ nhu cầu nhà xưởng và chung cư đúng tiêu chuẩn kỹ thuật Úc". Anh giải thích, văn phòng này sẽ thu nhận và huấn luyện một số kiến trúc sư cách sử dụng vì đây là công nghệ thiết kế rất nhanh và hữu hiệu, đáp ứng nhu cầu xây dựng 30.000 căn hộ/ năm và nhu cầu xây dựng nhà xưởng từ làn sóng đầu tư mới sau khi nước ta gia nhập WTO.

3. Anh khá tự hào về đội ngũ 26 nhân viên tại chi nhánh TP.HCM. "Khi được đào tạo bài bản, tôi thấy rõ khả năng kỹ thuật của họ vượt trội những nhân viên khác trên thế giới". Theo anh, kỹ sư Việt Nam cần tiếp cận nhiều hơn với môi trường thiết kế trọn gói theo EPCM. Anh dự báo, Nhà máy lọc dầu Dung Quất cần ít nhất 100 kỹ sư và chừng 800 - 1.000 họa viên thiết kế đồ họa đường ống, cơ khí, điện, điện tử, Rotary Machinery như Pumps, Compressors, Heat Exchangers, Distillation Columns... Do hiện giờ ở đó chưa có đủ lực lượng như vậy nên đây là thời điểm tốt để bắt đầu và chi nhánh của anh sắp mở tại Phổ Cường, Đức Phổ có thể tham gia với khối lượng công việc khổng lồ.

Với công nghệ internet và phần mềm quản lý văn phòng, anh ngồi một chỗ mà gần như đi khắp thế gian. Anh tâm sự: "Tuy cách xa 7.000 km nhưng tôi theo dõi một cách thích thú quá trình phát triển của đất nước mình từ 1993 đến nay. Nếu được mời làm tư vấn cho khu kinh tế Dung Quất, Chu Lai, tôi rất sẵn lòng. Nhưng tôi chỉ làm bán thời gian bởi không thể bỏ nghề kết cấu thép 3D. Nếu có gì, anh cứ gọi tôi!".

Đặng Ngọc Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.