Mùa xuân thăm xứ trà hương B’Lao

28/01/2006 15:53 GMT+7

Bảo Lộc là thị xã lớn thuộc tỉnh Lâm Đồng, cách Đà Lạt 120km về hướng Nam. Bảo Lộc còn được gọi là B’Lao, một địa danh được nhiều người biết đến nhờ sản phẩm trà hương các loại. Suốt 30 năm qua vị thế cây chè ngày càng được khẳng định, tuy trải qua không ít thăng trầm. Trà B’Lao không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới. Chính quyền thị xã đã đề xuất với tỉnh Lâm Đồng cho phép tổ chức Festival Trà để tôn vinh nghề chế biến trà và quảng bá thương hiệu trà B’Lao.

Gặp người đầu tiên chế biến trà hương

Nếu ở miền Bắc người ta chuộng các loại trà xanh, trà đen nguyên chất thì ở miền Nam lại thích uống các loại trà ướp hương lài, sói, sen… Về xứ trà B’Lao chúng tôi tìm gặp được cụ bà Đỗ Thị Ngọc Sâm (83 tuổi) chủ danh trà Đỗ Hữu, được xem là người sáng chế ra sản phẩm trà hương đầu tiên ở B’Lao (có lẽ cả Việt Nam) cách đây hơn nửa thế kỷ. Dù tuổi đã cao, sức khỏe đã yếu nhưng ngày ngày cụ bà vẫn say mê với công việc chế biến trà (hoàn toàn thủ công).

Với chất giọng Huế trong trẻo cụ kể: “Năm 1950, tôi từ Huế vào B’Lao lập nghiệp, thuở ấy nơi đây còn hoang vắng lắm, đầu tiên tôi đi làm phu tại các đồn điền chè của người Pháp, công việc rất vất vả và nguy hiểm vì lúc ấy cọp, beo vẫn thường xuyên xuất hiện”. Ít lâu sau cụ chuyển sang nghề bán trà cho hành khách đi xe đò tuyến Sài Gòn - Đà Lạt; một tay xách chiếc ấm và cái ly, một tay bưng rổ trà xanh mời khách uống thử để mua trà về làm quà, lúc ấy trà được gói trong giấy báo rất đơn sơ.

Năm 1952 cụ Sâm tự chế biến trà hương để bán. Cụ nhớ lại: “Tôi có ông anh ruột làm trong đồn điền của Pháp, xung quanh hàng rào họ trồng rất nhiều hoa tường vi, đến mùa hoa nở tôi nhờ anh xin chủ đồn điền cho hái hoa mang về “xao” và ướp với trà xanh bấy lâu người ta vẫn dùng. Mang sản phẩm trà ướp hương mời nhiều người uống thử, ai cũng thích, ai cũng khen, từ đó tôi chú tâm nghiên cứu thêm nhiều hương vị khác như trà lài, trà sen, trà sói ,cam thảo…”.

Các loại sản phẩm trà Đỗ Hữu

Khi sản phẩm trà đa dạng rồi cụ Sâm mạnh dạn treo bảng để tiếp thị “Tại đây có bán trà B’Lao”. Một số người góp ý trà hương ngon thế cần có thương hiệu để khách hàng dễ nhớ và không bị mất bản quyền, đến năm 1956 danh trà Đỗ Hữu chính thức có mặt trên thương trường với biểu tượng hình con chim bồ câu trắng, theo cụ Sâm đó là biểu tượng của hòa bình, vì cụ có ước muốn hòa bình được lập lại trên quê hương. Một chút bồi hồi xúc động cụ tâm sự: ”Nhờ cái mẹt (rổ) trà mà tôi đổi đời, trà nuôi 10 đứa con tôi (5 trai, 5 gái) ăn học thành tài đó cậu ơi! Trà là cứu cánh của gia đình tôi đấy… sau ngày đất nước thống nhất, con cái tôi được công ty trà mời vào làm việc, bản thân tôi được UBND tỉnh mời lên Đà Lạt hướng dẫn kỹ thuật chế biến trà cho công nhân công ty trà trong 3 năm”.

Khi nhà nước có chủ trương đa dạng các thành phần kinh tế, danh trà Đỗ Hữu và hình con chim bồ câu trắng lại xuất hiện trên thị  trường. Hôm nay đi dọc phố trà B’Lao có hàng chục đại lý gắn bảng hiệu danh trà Đỗ Hữu để thu hút khách, nhưng thực ra họ bán nhiều loại trà khác nhau. Thời buổi kinh tế thị trường nhiều cơ sở sản xuất đầu tư công nghệ máy móc để chế biến trà nhưng cơ sở Đỗ Hữu của cụ Sâm vẫn “trung thành” với những chiếc bồ, chiếc rổ, chiếc sàng làm bằng tre để sấy, sàng sảy trà, cụ bảo: ”Hơn 50 năm  qua tôi vẫn sản xuất trà theo cách này, trà được ướp từ hương vị thật của lài, sói… cho nên nhiều du khách tín nhiệm trà Đỗ Hữu từ mọi miền đất nước mỗi khi đi qua B’Lao vẫn tìm đến cơ sở của tôi”. Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của cụ bà tuổi ngoại bát tuần đã có công sáng chế ra trà hương B’Lao.

Nhộn nhịp phố trà

Từ mẹt trà dạo của cụ Sâm cách đây hơn nửa thế kỷ để rồi hôm nay trên còn đường Trần Phú (QL20) - Bảo Lộc, xuất hiện hàng chục danh trà khác nhau với cửa hiệu bề thế như Quốc Thái, Thiên Thành, Thiên Hương, Bảo Tín, Lâm Kim Hoa... Vào mùa du lịch cao điểm các tour du lịch trên hành trình từ Đà Lạt về lại TP.HCM đều chọn một danh trà nào đó để du khách dừng chân thưởng thức và mua trà.

Thực tế mỗi mỗi danh trà có bí quyết riêng liên quan đến kỹ thuật sấy hương liệu pha chế và đều có thị trường ổn định tại các tỉnh miền Tây Nam bộ và miền Trung. Theo phòng Công - Nông - Thương thị xã Bảo Lộc, trên địa bàn thị xã hiện có 90 công ty, nhà máy và cơ sở chế biến trà tư nhân đăng ký kinh doanh, mỗi năm chế biến được khoảng 22.000 tấn thành phẩm với nhiều chủng loại đa dạng. Tỉnh Lâm Đồng hiện có 25.300 ha trà (chiếm ¼ diện tích trà cả nước) trong đó 95% được trồng ở Bảo Lộc, Bảo Lâm và Di Linh  mỗi năm sản xuất trên dưới 160.000 tấn trà tươi. Ngoài 8 nhà máy trực thuộc Công ty Chè Lâm Đồng, 20 công ty đầu tư nước ngoài mỗi năm tiêu thụ và chế biến tối đa 60.000 tấn trà tươi, phần còn lại do các cơ sở tư nhân đảm nhận.

Nêu một  vài con số như thế để thấy tiềm năng làm giàu từ cây trà ở địa phương này rất lớn. Những năm gần đây người tiêu dùng biết đến một số danh trà nổi tiếng như Trâm Anh, Tâm Châu… nhờ họ mạnh dạn thay đổi cung cách làm ăn. Mười năm trước Trâm Anh là cơ sở đầu tiên dám “đột phá” trong khâu tiếp thị, quảng bá sản phẩm. Trâm Anh  xây dựng nhà cửa bề thế và một khu trưng bày sản phẩm (cả nhà vệ sinh) tuyệt vời, sau đó liên kết với các tour du lịch lữ hành mời khách dừng chân uống trà cà phê hoàn toàn miễn phí, ai thích thì mua. Không chỉ tiếp thị sản phẩm, Trâm Anh còn muốn giới thiệu văn hóa trà và tạo điều kiện để du khách thư giản, thưởng thức trà một cách thoải mái trong cuộc hành trình dài.

Siêu thị trà Tâm Châu

Gần đây một Tâm Châu ra đời, cách làm của Tâm Châu mạnh mẽ và táo bạo hơn, họ xây dựng một siêu thị trà khá hiện đại, kết hợp với việc kinh doanh nhà hàng. Tâm Châu có trang trại canh tác trà rất qui mô, có nhà máy chế biến trà bề thế để chế biến nhiều loại trà cao cấp, Tâm Châu đang đẩy mạnh việc xuất khẩu sản phẩm bên cạnh việc củng cố thị trường trong nước. Gần đây nhất cà phê Trung Nguyên bỏ ra hàng triệu USD để xây dựng một nhà máy và trung tâm văn hóa trà có tên gọi Trà Tiên tại Lộc An được xem là bước đột phá mới trong sản xuất chế biến trà. Chấm phá như thế để thấy sự năng động, thức thời của cư dân phố trà B’Lao trong 30 năm qua và hơn nửa thế kỷ gắn bó với cây trà.

Lâm Viên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.