Kim Chấn Bát : Quyền cước thật lên màn ảnh

26/12/2005 11:48 GMT+7

Trước Lý Tiểu Long đã có Kim Chấn Bát, sau Lý Tiểu Long vẫn còn Kim Chấn Bát. Cả hai cùng thành danh ở phim trường quyền cước Hồng Kông, rồi theo sức lôi cuốn của đất dữ Hoa Kỳ mà đến. Long học Taekwondo với võ sư Jhoon Rhee thì đã yểu mệnh, Bát học Hapkido với võ sư Ji Han Jae thì lại trường tồn. Hiện Bát đang mở võ đường và đóng phim chưởng tại hạt Westminster bang California.

Người ta gọi Long là Lý Tam Cước – mỗi thế nhảy lên, Long đá một loạt ba cái liên tiếp vào đối thủ ; gọi Bá là Kim Phi Hổ – mỗi thế nhảy lên có thể đá, nhưng còn dùng đòn tay. Một người còn, một người mất. Trong dụng công, chắc cũng có cái tuệ khí nào đó, mới được coi là võ công thâm hậu.

Với 8 bộ phim võ thuật lớn của hãng Kai Pa Productions nổi tiếng mà Bát thủ vai chính với võ đường trên đảo Cửu Long Hồng Kông mà Bát đã liên tiếp đào luyện cho phim trường quyền cước những diễn viên nổi tiếng như Thành Long, Samo Hung, Mao Anh và Carter Wong. Nữ diễn viên Mao Anh đóng vai em gái Lý Tiểu Long trong bộ Mãnh long quá giang, Carter Wong đóng vai một tên vô lại trong bộ phim Big Troulbe in Little China, đã làm say mê khán giả, khiến dư luận tập trung tìm hiểu về xuất xứ của con người mới thành đạt : võ sư Kim Chấn Bát.

Là người Hàn Quốc, những năm 1960, Bát ở trong đội võ sĩ cận vệ Tổng thống Hàn Quốc Park Chung Hee; năm 1966 làm cận vệ Tổng thống Mỹ Lyndon B.Johnson. Nhưng với tinh thần của một võ sư, Bát nhận ra chỗ lập thân của mình không thể quẩn quanh bảo vệ mạng sống của những con người như Johnson, Hee. Bát tìm sang kinh đô phim quyền cước Hồng Kông, mở võ đường Cửu Long, trên một đảo nhỏ.

Vào đầu những năm 1970, khi những phim kiếm hiệp đang ăn khách, với những bộ phim như Tà Kiếm, Nam Đao Bắc Kiếm, Độc Long Đàm, Thập tam Thái Bảo, Kim Yến Tử… đang mê hoặc thị trường phim ảnh, với những diễn viên ăn khách như Vương Vũ, Điền Dã, Ngô Bân, Âu Uy, Dương Quần, Lý Thanh, Trịnh Phối Phối, đạo diễn Trương Triệt, thì Bát đã nhận ra rằng những thủ thuật đâm chém giả sẽ mau chóng làm nản lòng khán giả. Quả thật, khi Bát và Lý Tiểu Long, bắt đầu vận dụng Karaté và Hiệp khí đạo vào phim, như với bộ Đường Sơn Đại Huynh, thì phim đao kiếm lụi tàn.

Khi mà Long làm mưa làm gió trên màn ảnh, nhờ vận dụng được cả Kung Fu của Trung Quốc từ đá hạ đẳng, lên đá trung đẳng, hai thế này tuy hiệu ứng về thi đấu thật, nhưng với khán giả phim ảnh, Bát nói rằng chưa đủ. Từ đó võ đường Cửu Long của Bát chuyên tâm luyện thế đá thượng đẳng, trong đó thế “đá lưỡi kéo” chẻ hai chân hay “chim ưng vồ mồi”, nhảy lên chân đối để đá xuống đầu, mà Thành Long hay sử dụng, là những tia chớp hấp dẫn nhất. Với thế đá lưỡi kéo, Lý Tiểu Long còn thực hiện nhanh ba cú đá liên tiếp ở thượng đẳng, Long đã mang “Tam Cước” đến phim trường Mỹ với tham vọng, sẽ trở thành Lý Tứ Cước, nhưng anh đã mệnh yểu trong một trường hợp không mấy rõ ràng.

Còn Bát, anh lại tìm về nghệ thuật dân gian Trung Hoa qua các tuồng tích có nhào lộn, võ thuật khi ca múa. Bát lấy nghệ thuật chân phương của dân gian làm nền cho mọi cải biên, trước và sau khi đá thượng, trung đẳng theo Kung Fu và đấm theo Hiệp khí đạo. Bát chủ trương trong phim phải đấm đá thật, nhưng không nhằm một điểm sát thủ làm chính, mà còn phải dụng cái đẹp. Đẹp tức nghệ thuật, mà nghệ thuật sẽ làm giãn bớt cái căng, đối phương chết là chỉ vì hậu quả của một quá trình tích ác, chứ không do sự hung ác gây ra. Hai người học trò đắc đạo của môn phái này nhất là Mao Anh và Thành Long, tồn tại lâu nhất trên màn ảnh Á châu là do đánh đá giỏi, múa và nhào lộn đẹp. Dư luận đã không ngạc nhiên khi biết rằng, trước khi đến thụ giáo Kim Chấn Bát, Thành Long đã từng thành công trong vở kịch hài võ thuật Túy Hầu (Con khỉ say) từ năm 1970.

Lê Văn Sâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.