Những tiết lộ của soạn giả Kiên Giang về sự chia tay thầm lặng của Hà Triều và Hoa Phượng

21/10/2005 21:34 GMT+7

Hoa Phượng giã từ vĩnh viễn sân khấu cải lương ngày 22.10.1984 thấm thoát đã hơn 20 năm. Nhân ngày giỗ lần thứ 21 của anh, chúng tôi viết bài này. Tôi còn nhớ trong đêm 24.10.1984, trước quan tài của Hoa Phượng (tục danh Lương Kế Nghiệp) tại trụ sở Hội Sân khấu TP.HCM, thi sĩ Kiên Giang ngậm ngùi tiễn biệt Hoa Phượng bằng mấy vần thơ:

 

"Màn nhung khép mở đời sân khấu

Chuông vẫn ngân vang khắp hí trường

Hoa Phượng vẫn hồng trong ánh sáng

Dẫu thân tằm sớm dứt tơ vương".

 

Có một điều đặc biệt là gia đình của Hoa Phượng cũng như nhiều bạn bè thân hữu chọn ngày dương lịch 22.10 để làm giỗ cho anh. Địa điểm "kỵ cơm" mỗi năm mỗi thay đổi do người thầy của anh là Kiên Giang chọn.

 

Mối duyên văn nghệ

 

Từ những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, chúng tôi có nhiều dịp gần gũi hai ngòi bút sáng tác trẻ Hà Triều - Hoa Phượng ở đoàn Thanh Minh - Thanh Nga.

Vào thời điểm này, tên tuổi của hai anh rực sáng với một loạt vở tuồng xã hội của mình: Đêm vĩnh biệt, Nửa đời hương phấn, Con gái chị Hằng, Tấm lòng của biển, Mưa rừng, Rồi 30 năm sau, Nỗi buồn Thu Thảo, Phu tử tùng tử v.v... Hà Triều - Hoa Phượng đã làm hãnh diện cho sân khấu cải lương nói chung đồng thời đưa bảng hiệu Thanh Minh - Thanh Nga lên "ngôi vương" trong làng ca kịch.

 

Thời kháng chiến chống Pháp, Lương Kế Nghiệp (tức Hoa Phượng, sinh năm 1933 tại Thoại Sơn, Núi Sập, An Giang), làm thơ ký tại Ty công an Long Châu Hà.

 

Hoa Phượng gặp Hà Triều từ năm 1955 tại nhà Kiên Giang, gần cầu Chữ Y, vùng nhà đèn Chợ Quán, Sài Gòn. Mối duyên văn nghệ của hai bạn trẻ này gắn bó từ đó. Sau này, nhiều lần Hà Triều - Hoa Phượng tâm sự với anh em bạn bè: "Nếu không nhờ có anh hai Kiên Giang nâng đỡ thì không có bút danh Hà Triều - Hoa Phượng".

 

Với cặp mắt nhà nghề, anh Kiên Giang thấy hai bạn trẻ này có nhiều triển vọng ở tương lai trên sân khấu nên Kiên Giang khuyến khích hai đứa em kết nghĩa nên hợp tác viết tuồng.

 

Bước đầu thử nghiệm với hai vở hát đầu tay Vì quê hương và Sau cơn gió lốc chẳng mấy thành công, đến vở thứ ba Khi hoa anh đào nở thì bút danh Hà Triều - Hoa Phượng mới sáng chói cùng một lúc với bảng hiệu đoàn Thúy Nga...

 

Soạn phẩm vừa kể được trình diễn tại rạp Nguyễn Văn Hảo (rạp hát cải lương lớn nhất lúc bấy giờ tại Sài Gòn) liên tiếp 4, 5 tuần lễ vẫn đông nghẹt khán giả. Đây cũng chính là vở hát đã đưa tên tuổi Thành Được lên hàng "ngôi sao" cải lương từ năm 1957, với vai Tô Điền Sơn. Khán giả bắt đầu có cảm tình với lối viết của liên danh Hà Triều - Hoa Phượng và thi sĩ Kiên Giang cũng nở mặt mày về hai môn đệ của mình.

Qua 10 năm (1955 - 1965), liên danh Hà Triều - Hoa Phượng đã viết chung khoảng 50 vở hát.

 

Vì sao họ chia tay ?

 

Sau ngày thống nhất đất nước, Hoa Phượng có các vở riêng: Dương Vân Nga, Hòn đảo thần Vệ Nữ (chuyển thể), Bóng tối và ánh sáng (viết chung với Ngọc Linh), Quán rượu Nam Hưng, Trận tuyến thầm lặng, Hạt bụi non cao, Lý mùa xuân, Anh Hai Thìn, Trương Chi - Mỵ Nương (viết chung với Kiên Giang).

Năm 1964, đoàn hát Dạ Lý Hương của bầu Xuân (nay là Phó hội trưởng chùa Nghĩa trang nghệ sĩ Gò Vấp) ra đời. Hà Triều - Hoa Phượng được ông mời về cộng tác. Trên sân khấu mới này, cặp Hà Triều - Hoa Phượng lại nổi danh thêm với một loạt tuồng "chưởng": Cô gái Đồ Long, Anh hùng xạ điêu, Lệnh xé xác (chung với Tuấn Khanh), Thiên hà lang quân... Đến năm 1965, đoàn Dạ Lý Hương diễn vở xã hội Nỗi buồn con gái (hay Tần nương thất) của Hà Triều - Hoa Phượng, vở hát này được Ban tuyển chọn giải Thanh Tâm bình chọn là tuồng cải lương hay nhất trong năm với số điểm vượt xa các vở hát khác để phát giải "Vở hát đoạt giải hay nhất".

 

Chỉ tiếc có một điều là sau Nỗi buồn con gái, đôi bạn soạn giả tài danh Hà Triều - Hoa Phượng lặng lẽ chia tay - gây nhiều thắc mắc và tiếc rẻ trong giới nghệ sĩ và khán giả mến mộ.

 

Sau khi chia tay với Hà Triều (1965), Hoa Phượng có các vở: Tuyệt tình ca (viết chung với Ngọc Điệp), Gái bán bar, Giữa chốn bụi hồng, Đi biển một mình, Luật giang hồ, Cái số đào hoa, Đời phụ anh hùng, Mây bốn phương trời (viết chung với Yến Linh), Trường tương tư...

 

Giải đáp cho sự "chia tay" của hai cố soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng với bao người ái mộ, soạn giả Kiên Giang nói với chúng tôi vào sáng ngày 12.10.2005 tại Ban Ái hữu nghệ sĩ, lúc anh đến dự lễ tang của soạn giả Thu An đang tổ chức tại đây: "Hai đứa nó không có mâu thuẫn giận hờn gì, nhưng buộc phải chia tay nhau vì bị bọn "mật vụ" phát hiện cả hai đứa nó còn là "một liên danh" từng hoạt động chung cho cách mạng từ thời Việt Minh. Sau ngày chia tay với Hà Triều, Hoa Phượng còn trong tuổi "quân dịch" nên bằng mọi cách nó phải tránh né để yên thân, nên từ năm 1966 Hoa Phượng phải bỏ Sài Gòn ra miền Trung sống lây lất với các đoàn hát nhỏ trong nhiều năm, nhưng vẫn không yên với bọn mật vụ tay sai chế độ cũ, và anh đã nhiều lần bị bắt vì chúng nghi anh "nằm vùng"...”.

Những lý giải của soạn giả Kiên Giang nói trên là ý kiến riêng của ông. Tính xác thực của những lý giải đó còn được bàn luận nhưng trên cương vị là người thầy của Hà Triều - Hoa Phượng thì ý kiến của soạn giả Kiên Giang rất đáng được quan tâm. 

 

Huỳnh Công Minh - Thiên Mộc Lan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.