Chuyên gia trị bệnh hiểm nghèo

02/10/2005 23:19 GMT+7

Năm 1988, thế giới biết đến ông qua ca mổ tách cặp song sinh dính liền Việt - Đức gây chấn động y giới trong và ngoài nước. Nay, ông lại được biết đến qua việc chẩn đoán, điều trị thành công nhiều ca bệnh nhi hiếm gặp trong y văn... Ông là giáo sư - bác sĩ Trần Đông A, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng (BVNĐ) II - TP.HCM, đại biểu Quốc hội khóa XI, một trong số 70 đại biểu của TP.HCM dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc năm 2005.

Sống cùng người bệnh

Trong vòng 5 năm qua, hàng trăm ca bệnh hiểm nghèo, hiếm gặp đã được các y, bác sĩ BVNĐ II chữa khỏi, mà nhân vật số một trong chẩn đoán, điều trị là giáo sư - bác sĩ (GS-BS) Trần Đông A. Sau thành công vang dội của ca phẫu thuật Việt - Đức, có người cho rằng ông sẽ không thể vượt qua được cái bóng của chính mình. Thực tế, ông vẫn đang miệt mài đóng góp cho nền y học nước nhà những công trình chuyên ngành hàng đầu về nhi khoa. Đáng kể là công trình nghiên cứu về giãn đường mật chính ở trẻ em Việt Nam. Trước đây, y giới quốc tế vẫn cho rằng đó là bệnh đặc biệt của người Nhật. Nhưng qua hàng trăm ca bệnh ông tiếp cận, chẩn đoán và điều trị, GS-BS Trần Đông A không chỉ đảo ngược quan niệm trên mà còn khẳng định một chân lý trong điều trị: mỗi bệnh nhân phải được điều trị tùy theo hình dạng của dị tật chứ không rập khuôn một phác đồ đang được áp dụng của thế giới. Kết quả của công trình đã nhiều lần được báo cáo tại các hội nghị quốc tế ở châu u. Không dừng lại, ông tiếp tục nghiên cứu về vai trò của van chống dội ngược Nakajo trong bệnh giãn đường mật chính - một vấn đề y văn còn nhiều tranh luận - để tìm ra một câu trả lời khá hoàn chỉnh với 40/50 ca bệnh đã thực hiện thành công. Một công trình khác không thể không nhắc đến, đó là ghép thận trẻ em từ thận của người cho sống. Đây là công trình đầu tiên tại Việt Nam trong lĩnh vực này, được Hội đồng khoa học công nghệ thành phố duyệt đứng đầu trong số 31 đề tài được duyệt năm 2004. Đến nay, đã có 3 ca đầu tiên được phẫu thuật với kết quả rất khả quan...

Những năm qua, từ bệnh án của 5 ca liên tiếp tử vong tại BVNĐ II với các chẩn đoán không rõ ràng, ông đã bỏ công nghiên cứu, tham khảo y văn thế giới để đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả, cứu được rất nhiều trẻ bị hội chứng thực bào máu. Cũng từ thực tiễn "sống cùng người bệnh", ông xây dựng được phác đồ điều trị tận gốc, hiệu quả, hạ thấp tỷ lệ tử vong trẻ bị hội chứng Kasa Bach Merritt, dù trước đó trong y văn còn nhiều tranh cãi về nguyên nhân gây bệnh. Ông cũng chính là tác giả của nhiều ca điều trị thành công trẻ bị "thai trong thai phức tạp ở trong lồng ngực và đa thai", "cắt gan phải trẻ sơ sinh và trẻ bị u gan khổng lồ" qua kết hợp phương pháp cắt gan Tôn Thất Tùng với phương pháp lấy thùy gan trong kỹ thuật ghép gan...

Chạy đua với thời gian

Một ngày làm việc của GS-BS Trần Đông A bắt đầu từ 3 giờ sáng và kết thúc không trước 20 giờ đêm. Không ít lần gặp những ca bệnh khó, bệnh lạ hay một việc quan trọng còn dang dở, 23 giờ khuya vẫn thấy phòng ông sáng đèn. Có học trò lo cho sức khỏe của thầy năn nỉ ông về nghỉ, ông chỉ cảm ơn rồi khoát tay: "Cứ để tớ làm".

Thời gian đối với ông bây giờ quý hơn vàng. Giữ một loạt cương vị quan trọng trong nước, lại tham gia giảng dạy tại nước ngoài với tư cách Chủ nhiệm bộ môn phẫu nhi trung tâm đào tạo, giáo sư các đại học y khoa Pháp từ hơn 10 năm nay, ông phải phân bố thời gian cho từng lĩnh vực, lên lịch trước, chi tiết cả tuần, thậm chí cả tháng cho từng công việc. Vì thế, khó có thể hẹn "ngang" xin gặp ông, chúng tôi đành "bắt cóc" ông từ một lớp giảng chuẩn bị cho ca ghép gan trẻ em đầu tiên tại phía Nam vào cuối năm nay. Đầu tiên chúng tôi đến ngồi nghe ông giảng - dù chẳng hiểu mô tê gì về chuyên môn - rồi xin được gặp ông ít phút trong giờ giải lao hoặc cuối buổi học. Học viên toàn là những bác sĩ phẫu thuật hàng đầu của BVNĐ II và sẽ nằm trong ê-kíp thực hiện ca ghép gan trẻ em đầu tiên ở phía Nam, với sự trợ giúp kỹ thuật của Bỉ. Đây cũng là một chương trình mà bằng uy tín của mình, ông đã "kéo" được các giáo sư đầu ngành của Bỉ thuộc 2 đại học danh tiếng u châu UCL và ULB sẽ qua Việt Nam phối hợp thực hiện.

Cứ một tuần, ê-kíp chuẩn bị ghép gan lại có một buổi học như thế. Ông bảo mục tiêu hàng đầu là để người làm phải thật sự tự tin khi bước vào phòng mổ. Rồi ông kể, hồi năm 1988, trước khi tiến hành ca mổ Việt - Đức do ông làm trưởng kíp mổ và là phẫu thuật viên chính, ông cũng đã 40 lần chiếu phim cho kíp mổ xem để tìm giải pháp tối ưu nhất. Cả ê-kíp ngồi ở phòng khách nhà ông, vừa xem phim, vừa tranh luận, vừa gặm bánh mì do vợ ông mua về... Chính những buổi xem phim, gặm bánh mì đó đã góp phần giúp ca mổ Việt - Đức thành công vang dội. "Làm khoa học phải từ thực tế khách quan" - ông đúc kết, rồi vội vã chia tay với chúng tôi để kịp đến cuộc hẹn với một giáo sư từ nước ngoài về và chuẩn bị cho 11 ca mổ trong ngày cuối tuần do ông đảm trách.

Nhìn ông vội vã ra xe, vai đeo, tay xách 3 chiếc cặp tài liệu nặng hàng chục ký, mới hiểu ông quý thời gian như thế nào...

Đức Trung - Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.