Nhớ Jane Fonda và Joan Baez

27/09/2005 23:11 GMT+7

Cuộc chuyện trò của tôi với đại tá Hồ Nam không chỉ dừng lại ở việc xây dựng nghĩa trang đầu tiên của người Việt tại Pháp. Một buổi chiều oi bức, đang say sưa lật giở những bức ảnh tư liệu của ông, tôi bỗng bắt gặp một gương mặt quen quen: mái tóc đen bồng bềnh và đôi mắt sâu thẳm nhấp nháy ánh cười của một phụ nữ phương Tây trông thật dịu dàng, mềm mại trong chiếc áo bà ba. Nhìn tấm ảnh, ông Hồ Nam chợt bần thần, một lát sau mới chậm rãi: "Jane Fonda đấy. Cô ấy và Joan Baez là hai người phụ nữ nước ngoài tôi vô cùng biết ơn và cảm phục bởi tấm lòng với Việt Nam".

Paris năm 1972, Lãnh sự quán Việt Nam tại Pháp nhận được tin dữ: Mỹ ném bom hệ thống đê điều Việt Nam. Cả sứ quán chết lặng. Vừa đau xót vừa phẫn nộ, lại thêm lo lắng như ngồi trên đống lửa. Chưa hết bàng hoàng thì một buổi sáng, một phụ nữ nước ngoài tìm đến với yêu cầu quả quyết: xin visa vào Việt Nam. Mọi người ồ lên vì đấy chính là nữ diễn viên điện ảnh nổi tiếng của Mỹ: Jane Fonda. Trước sự ngạc nhiên của cán bộ sứ quán, Jane Fonda chỉ nêu một lý do ngắn gọn: "Đại chiến thế giới II, phát xít Đức từng ném bom hệ thống đê điều Hà Lan, cướp đi sinh mạng của hàng vạn sinh linh và đẩy hàng vạn người khác vào cảnh màn trời chiếu đất. Chúng tôi hiểu nỗi đau của các bạn!". "Tới bây giờ, tôi vẫn chưa quên dáng đi nhanh nhẹn, giọng nói gấp gáp vì bất bình và xúc động cùng nụ cười ấm áp và rạng rỡ của cô ấy khi được chấp thuận", ông Hồ Nam nhớ lại.

Trong lúc mọi người làm visa cho Jane Fonda, bỗng nhiên, bà đề nghị: "Các bạn dạy tôi một bài hát Việt Nam được không? Tôi muốn hát tặng các chiến sĩ của các bạn". "Bàn bạc một lát, tôi và anh Lê Thọ (Tham tán Sứ quán, sau là Đại sứ của ta tại Slovakia) chọn bài Dậy mà đi - một bài hát có giai điệu dễ nhớ và rất thích hợp với hoàn cảnh bấy giờ" - ông Hồ Nam kể. Lập tức, Jane Fonda rút trong túi xách ra một tờ giấy in sẵn khuôn nhạc được chuẩn bị trước. Hai người dịch qua nội dung cho bà nghe và bắt đầu dạy hát. Chỉ tập 3 lần, đến lần thứ tư, Jane đã tự hát một mình rất chuẩn. Sau đó, Jane Fonda lên đường. Báo chí nước ngoài rầm rộ đưa tin về những hoạt động của bà tại Việt Nam.
Một ngày, Hồ Nam nhận được điện thoại của Jane Fonda từ Bangkok. Bà báo ngày giờ đáp máy bay xuống Paris, nhờ Hồ Nam ra đón. Đúng giờ đã hẹn, Jane Fonda bước xuống sân bay quốc tế Orly, duyên dáng trong trang phục của phụ nữ Việt Nam với nón lá, áo bà ba, quần lãnh. Mải vui câu chuyện, bỗng một phóng viên người Mỹ vọt tới từ phía sau. Ngay tức khắc anh ta "bắn" ra một câu hỏi: "Bà nghĩ thế nào khi về nước sẽ bị FBI hỏi thăm về tội phản quốc vì đã lên ngồi trên dàn pháo của Việt Cộng với tư thế nhắm bắn máy bay Mỹ?". Jane Fonda lập tức trả lời không một chút ngập ngừng: "Không. Tôi chưa bao giờ phản bội tổ quốc của tôi. Chính tổng thống mới là người phản bội tổ quốc. Bởi ông ta đã đi ngược lại nguyện vọng của nhân dân Mỹ, đó là chấm dứt chiến tranh Việt Nam và lập lại hòa bình ở Đông Dương".

Chuyến thăm Việt Nam của Jane Fonda đã khuấy lên một làn sóng ủng hộ Việt Nam trong các nghệ sĩ quốc tế. Theo lời kể của ông Hồ Nam, một số nghệ sĩ, trong đó có ca sĩ nổi tiếng người Mỹ Joan Baez đã tới Việt Nam, và trở lại Pháp với một bản tố cáo những tội ác của Mỹ, đồng thời cất cao tiếng nói ủng hộ nhân dân Việt Nam. Đặc biệt, lợi dụng cơ hội được đài phát thanh và truyền hình Pháp ORTF mời biểu diễn, Joan Baez đã gây nên một sự kiện chấn động nước Pháp. Chấp nhận ngay mức thù lao 1,5 triệu francs cho 6 ca khúc, bà chỉ đưa ra đúng một yêu cầu: hát xong bài thứ 3, tôi sẽ có lời tuyên bố. Lời đề nghị được dễ dàng chấp thuận. Không ai ngờ Joan Baez đang nung nấu một kế hoạch. Bài thứ nhất, bài thứ hai, hết bài thứ ba. Đột ngột, bà cất cao giọng: "Phản đối chiến tranh, ủng hộ nhân dân Việt Nam! Lên án Mỹ ném bom hệ thống đê điều Việt Nam!". Toàn thể nhân viên ORTF đờ ra không kịp phản ứng. Họ vội vàng ngưng chương trình và đòi cắt hợp đồng với Joan Baez. Nhưng bà ung dung đối đáp: "Trong hợp đồng đã ghi rõ: sau 3 bài hát tôi sẽ có lời tuyên bố". Không có cách nào khác, đài ORTF vẫn phải trả cát-sê đầy đủ cho Joan Baez. Nhưng những lời phản đối chiến tranh, ủng hộ Việt Nam thì đã vang lên khắp các đường phố của nước Pháp.

Hương Lan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.