Các "sao" đi học...

13/08/2005 20:27 GMT+7

Có một thời, cư dân ở “Nhổn city” (biệt danh của Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia 1) suốt ngày than thở vì ngày tập miệt mài, tối về không biết làm gì. Lang thang quán xá, thơ thẩn đếm... gốc xà cừ mãi cũng chán... Cũng may, từ khi phong trào học thêm rộ lên và lãnh đạo trung tâm cũng tạo điều kiện, các VĐV ở đây đã tìm được cách “giết” thời gian mới, vừa bổ ích lại vừa bớt nhàn cư.

Chàng, nàng cùng đi học

Cứ 6 rưỡi chiều, cơm nước xong xuôi, đôi uyên ương Duy Bằng - Ngọc Tâm của tổ nhảy cao lại xin phép chuyên gia Misa lên phố bằng chiếc Dream II. Nhưng không phải đi chơi hay shopping mà rủ nhau đi học. Chàng tháp tùng nàng đến lớp học tin. Đối với VĐV, hành trình đi học cũng lắm gian nan, chứ chẳng phải cứ nói đi học là đi được ngay. Ngọc Tâm kể đây là lần... thứ hai cô phải học lại từ "abc" khóa tin học văn phòng, vì cứ học được 1, 2 tháng lại phải bỏ dở do vướng những chuyến tập huấn hay thi đấu ngoại tỉnh. "Mấy buổi đầu đi nghe cứ như... vịt nghe sấm! Mức xà 1,8m cao vời vợi có khi còn nhảy qua ngon ơ, chứ mấy cái khái niệm Windows, Winword, Excel, Powerpoint... cứ nhảy múa lung tung trong đầu, càng học càng thấy "rối tung rối mù". Quả là khó nhằn!" - Tâm thú nhận. "Nhưng khó mấy cũng phải cố, vì mình cần phải chuẩn bị cho mình chút kiến thức, sau này có giải nghệ ra đời cũng chẳng thua chị kém em" - cô nàng chân dài của đội tuyển điền kinh quốc gia tỏ ra biết lo xa.

Nàng đeo đuổi môn vi tính, chàng lại theo lớp ngoại ngữ. Không chạy theo "mốt thời thượng" tiếng Anh, kỷ lục gia nhảy cao của Việt Nam lại chọn tiếng Trung để "khổ luyện". Anh chàng giải thích vì sao mình mê tít ngôn ngữ của đất nước Vạn Lý Trường Thành bằng một lý do rất... lãng mạn: "Xem phim Trung Quốc, nghe tiếng Trung Quốc nhiều, tự nhiên thấy... thích cái âm điệu líu lo, dễ thương đó quá, vậy là quyết tâm đi học". Tuần 4 buổi lặn lội gần chục cây số đến Đại học Quốc gia, Duy Bằng quyết chí theo đuổi ước mơ, tiếc là giấc mơ đó hiện đang tạm thời "nửa đường đứt gánh" do chuyến đi vào Nha Trang tập huấn rồi tiếp theo là vào TP.HCM dự giải điền kinh thành phố mở rộng hồi tháng 7 vừa qua. Nhưng chắc là chàng cũng đã kịp tích lũy được một số "vốn liếng" kha khá, hễ có dịp là không bỏ lỡ cơ hội "thi triển công lực". Chẳng thế mà suốt ngày Bằng bị Ngọc Tâm cười trêu: "Anh Bằng nói tiếng Trung giỏi lắm đấy. Mà câu anh ấy nói giỏi nhất là "Ngộ ái nỉ" (anh yêu em)", khiến anh chàng cứ đỏ mặt tía tai vì ngượng.

“Sao” đi học cũng khổ

Chuyện đi học của chú Mười (Phan Văn Tài Em) cũng khá ly kỳ. Quyết tâm trau dồi tiếng Anh để không phải nói chuyện... mỏi hết cả tay với thầy Calisto, Tài Em đăng ký theo học tại một trung tâm ngoại ngữ ở thị xã của Long An. Nhưng khổ nỗi, chú Mười nhà ta lại là "sao" nổi tiếng khắp Việt Nam chứ đừng nói ở cái thị xã của Long An, nên có ai không nhận ra? Bởi vậy, ngày nào đến lớp học, Tài Em cũng là nguyên nhân gây ra những vụ... "mất trật tự" nho nhỏ do các bạn học yêu quý quá cứ đòi xin chữ ký, rồi lại còn hỏi han và... sờ nắn tận tay cho thỏa lòng mong ước. Nhưng "nghiêm trọng" nhất là, có lẽ muốn mau chóng giúp cậu học trò đặc biệt nâng cao trình độ giao tiếp, chú Mười được cô giáo quan tâm, ưu ái hơn những trò khác, ngày nào đến lớp cũng được cô gọi lên hỏi - đáp liên tục. Khổ nỗi, sự ưu ái này lại khiến chú Mười... toát mồ hôi hột. Nghe, nói còn kém, "có lúc cô nói nhanh quá mình không hiểu gì, mình nói lại cô cũng... hổng hiểu gì luôn", nên chú Mười chỉ còn biết gãi đầu gãi tai cười ngượng nghịu trước bao nhiêu đôi mắt của các fan đang... ngưỡng mộ nhìn mình! Được ít ngày, chú Mười nhà ta đành tạm biệt trung tâm, cắn răng về nhà thuê gia sư 900.000 đồng/tháng dạy một kèm một. Giải quyết được khâu "ngượng" thì lại vấp phải vấn đề thời gian. GĐTLA vào mùa V-League, rồi lại tập trung với đội tuyển quốc gia nên thời gian chẳng còn bao nhiêu, việc đèn sách đành bỏ lỡ. Tuy vậy, thời gian khổ công rèn luyện cũng không phải là không có kết quả. Tài Em bật mí, đến nay tuy chưa đạt đến trình độ "lưu loát như người bản xứ", nhưng gì chứ để hiểu thầy Calisto chỉ đạo trên sân chỉ là chuyện nhỏ như... con thỏ, chẳng mấy khi phải nhờ đến phiên dịch, có khi còn cao hứng "trêu chọc" thầy! Vẫn nuôi ý định học tiếp nếu có thời gian rảnh, nhưng Tài Em cũng thú nhận, chẳng biết đến bao giờ mới rảnh khi cứ phải đi thi đấu liên miên thế này.

Những “cao thủ” học ở Nhổn

Nhiều người sẽ thấy bất ngờ khi biết rằng "cao học" và chăm học nhất ở Nhổn lại chính là các "cao thủ võ lâm" của đội tuyển karatedo. 40% tuyển thủ đội tuyển karatedo tham dự SEA Games 22 của HLV trưởng Lê Công đã tốt nghiệp các trường đại học và cao đẳng, kết quả của quá trình vừa tập vừa học. Tất nhiên, sẽ chẳng có thành tích trên nếu không có sự ủng hộ hết mình của những người thầy - HLV. Kết thúc sự nghiệp thể thao, phía sau ánh hào quang của những tấm huy chương là cuộc sống bình thường, người VĐV cần phải có trong tay một tấm bằng, một chút kiến thức để duy trì cuộc sống của họ. Hiểu rất rõ điều đó, các HLV của đội tuyển karatedo đã tạo điều kiện hết mức để giúp các học trò của mình theo đuổi con đường học hành. Trừ thời gian phải đi thi đấu xa, buộc phải xin nghỉ, các VĐV nếu đi học đều được dành thời gian nửa buổi để đến trường. Thậm chí các HLV còn sẵn sàng cùng học trò tập bù vào buổi tối nếu ban ngày đi học. Thời kỳ "nóng bỏng" nhất là khi đoàn thể thao VN đang tập trung toàn lực để "chiến đấu" ở SEA Games 22, “Nhổn city” cấm trại 24/24, nhưng những VĐV đang theo học ở ngoài vẫn được ưu tiên cấp "giấy phép riêng" để ra học.

Nhờ sự ưu ái như vậy, đội tuyển karatedo đã thu được những thành tích đáng gọi là... rực rỡ. Đáng nể nhất là các cao thủ của đội tuyển karatedo không chỉ theo học các trường đại học TDTT như con đường ngắn nhất, dễ nhất mà nhiều VĐV khác thường sử dụng, mà lại học toàn những trường "quý tộc" ở ngoài. Vũ Quốc Huy bên cạnh thành tích "đầy mình": HCV thế giới, HCV SEA Games 22 còn có bằng tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân, Lê Hải Bằng (HCV SEA Games 22) học khoa Hóa Đại học Mở, Phạm Trần Nguyên (HCV châu Á, HCV SEA Games 21) học Đại học Sư phạm, thậm chí Nguyễn Trường Giang (HCB đồng đội SEA Games 21) còn lập kỷ lục vì có trong tay những 2 tấm bằng - Đại học Giao thông và Cao đẳng sư phạm. Với tấm bằng kinh tế và những kinh nghiệm thu lượm được từ trường học, nên sau khi nghỉ thi đấu, Vũ Quốc Huy bước vào con đường kinh doanh. Giờ đây, ngoài chức danh giám đốc một công ty chuyên về xuất nhập khẩu may mặc, anh còn là ông chủ khá thành đạt với 2 shop thời trang ở hai địa chỉ nổi tiếng sang trọng của Hà Nội: Tràng Tiền Plaza và trung tâm thương mại Vincom.

Ai bảo VĐV không thể vừa chơi thể thao giỏi vừa học giỏi? Nếu biết song hành giữa thể thao và chuyện học, mỗi VĐV sẽ có một hành trang tự tin để bước vào đời.

Ngọc Bích

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.