Trở lại "cấm địa bàn đèn"

04/10/2004 21:02 GMT+7

Cách đây hơn 10 năm, huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) vẫn là một "vựa" thuốc phiện lớn nhất nhì miền Bắc, trong đó La Pán Tẩn là "cấm địa bàn đèn", là xã có diện tích cây thuốc phiện và số người nghiện đứng hàng đầu. Người ta từng ví khói thuốc phiện ở đây tỏa lên từ hàng trăm mái nhà gỗ, hàng nghìn bộ bàn đèn dày đặc như sương núi. Nay, làn sương khói mù mịt ấy đã tan nhiều, nhưng bao giờ La Pán Tẩn mới hoàn toàn thoát nghèo?

Bí thư Đảng ủy xã Hờ Chờ Sử là một người H'Mông, kể: Không đâu xa, từ năm 1996 trở về trước thôi, khắp vùng núi La Pán Tẩn này hễ chỗ nào có đất canh tác là cây anh túc được gieo trồng. Nhà nhà trồng thuốc phiện, rồi người người nghiện thuốc phiện. Thuốc phiện được chế biến, phân loại, tốt thì được các quan, thống lý, trưởng bản, người giàu dùng làm đồ đãi khách, làm thứ "chưng diện" cho sự cao quý, cho chức vụ; chất lượng kém hơn thì đem bán và cất giữ hút dần. Ông Sử khẳng định thông tin như đinh đóng cột, những năm ấy, 100% dân trong xã sống nhờ vào thứ ma túy chết người này. Không nhà nào một vụ thu hoạch lại dưới 10 kg thuốc phiện đã cô đặc, thậm chí có gia đình cất giữ trong nhà 20-30 kg. Thuốc phiện trở thành biểu tượng cho sự sang hèn. Có một thời gian, thuốc phiện là một mặt hàng được Nhà nước cho phép mua bán. Người La Pán Tẩn chỉ nhón một ít thuốc phiện xuống ngã ba Kim (cách trung tâm xã 6 km đường đèo) là mang về được gùi muối, gùi lúa, gùi ngô. Cuộc sống cứ diễn ra như thế, thuốc phiện vừa là đồ trang sức, vừa là thực phẩm, là tiền và hàng hóa.

Trưởng Công an xã Hảng Sái Chông (bên phải) với 2 bộ bàn đèn vừa thu giữ được.

Với vốn từ vựng và cách thể hiện tiếng Việt (Kinh) khá chuẩn, ông Sử tiếp tục đưa chúng tôi trở về quá khứ một thời của La Pán Tẩn, cái quá khứ mà nay ngồi ngẫm lại, tất thảy những người có mặt tại trụ sở UBND xã đều ngậm ngùi buồn. "Cái quan hệ nhân - quả thì đời nào vẫn vậy. Người ta nuôi trâu bò chỉ để giết thịt và uống rượu, còn mọi thứ trang trải cho cuộc sống đều từ thuốc phiện mà ra. Rồi dân cứ mụ mị đi, không biết làm gì ngoài những thao tác liên quan đến hút xách, uống rượu tối ngày. Hút vào thì bay bổng, không biết gì nữa, tỉnh ra bắt gặp những điều "trái mắt" là giận dữ, đánh đập, chửi bới... Nhàn nhã và hưởng thụ, trời sinh voi trời sinh cỏ, số gia đình có 8-10 đứa con nhiều khó đếm xuể. La Pán Tẩn đặc quánh một màu khói phù dung, tăm tối và hủ lậu!".

Lệnh cấm thuốc phiện được ban hành. La Pán Tẩn cùng nhiều địa phương khác bắt đầu bước vào một cuộc chiến đấu thực sự chống lại thuốc phiện, những hủ lậu, những thói hư tật xấu, chống giặc đói, giặc dốt.

Xấp xỉ 80% dân số nghiện thuốc phiện, trong đó rất nhiều người nghiện có thâm niên, việc xóa hoàn toàn cây thuốc phiện và tiến hành cai nghiện tổng thể là một việc làm quá sức tưởng tượng. Và chính quyền địa phương vào cuộc bằng một con đường dài. Ngay năm đầu tiên tiến hành tuyên truyền và "dọn" hầu hết diện tích cây thuốc phiện, chỉ để lại cho mỗi người già giữ 100m2 cây thuốc phiện, đến năm thứ ba thì cấm hoàn toàn. Khó nhất là tuyên truyền cho đồng bào hiểu những tác hại của việc nghiện hút. Thời kỳ gian khổ ấy, không một cán bộ địa phương nào không nhận được những phản ứng gay gắt, quyết liệt của người nghiện. Trưởng Công an xã Hảng Sái Chông cho biết: “Chúng tôi đã từng bị nhiều người mắng chửi, thậm chí không nhận mình là đồng bào, là người Mông với nhau nữa”. Cho nên, bước đầu tiên chính là từ gia đình cán bộ mà đi. Thế là, qua những cuộc nói chuyện, ông Hảng Su Tu (bố của anh Chông năm nay tròn 70 tuổi) tiến hành giảm cường độ và mức độ dần dần. Kinh tế nhà anh khá lên, được học hành và thành đạt, con trai lớn của ông Tu là Hảng A Cớ hiện đang giữ chức Phó ban Quản lý cơ sở hạ tầng và Chương trình 135 huyện Mù Cang Chải, đã trở thành một tấm gương cho đồng bào noi theo. Đến nay, toàn xã không còn diện tích trồng cây thuốc phiện, số người nghiện giảm nhiều và số người tình nguyện đi cai tập trung đang tăng lên nhanh chóng.

Hảng Bồ Câu - nghiện từ 15 tuổi - buồn vì không cai nổi.

Để "tắm gội" và thay cho La Pán Tẩn một diện mạo mới, công tác vận động trẻ em đến trường là công việc đầu tiên đồng thời cũng là khó khăn nhất của các thầy cô giáo. Ông Giàng Chứ Ly, Chủ tịch UBND xã tâm sự: "Có cùng là người Mông mới hiểu được những khó khăn mà các thầy cô vấp phải. Xưa nay đồng bào thường quan niệm học chẳng để làm gì nên coi việc đến trường học chữ là vô bổ. Nhưng các thầy cô cùng cán bộ xã, các trưởng bản đã tìm ra được cách "đi vào lòng" đồng bào. Phải phân tích, phải ví dụ cặn kẽ, dễ hiểu thì đồng bào mới nghe". Bí thư Hờ Chờ Sử nói thêm: "Rất nhiều lần tôi nói với dân mình, chúng mày phải học cái chữ, biết đọc ngoài chợ người ta ghi cái gì mà mua bán. Học còn để biết tính toán, biết tính toán mới không bị kẻ xấu lừa, biết tính toán mới làm ăn được, mới hiểu hút thuốc phiện là có hại. Càng biết tính toán càng không theo kẻ xấu, càng làm được nhiều tiền, càng nhiều tiền thì học nữa, học nữa để nhiều tiền nữa. Phải học mới biết đọc tờ báo của anh nhà báo đây, biết những người giỏi toàn là người học nhiều cả, biết những người giàu hơn mình bao nhiêu lần toàn là những người đẻ ít con hết...".

Chúng tôi có mặt tại La Pán Tẩn vào đúng ngày Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Mù Cang Chải cùng Trung tâm Giáo dục thường xuyên về khai giảng lớp 10 bổ túc văn hóa cho 38 học viên. "Đó là một quả ngọt!", ông Hờ Chờ Sử rạng rỡ khoe. Bên cạnh đó, xã đã hoàn thành phổ cập tiểu học, 100% các em trong độ tuổi đến trường, đã có những lớp 6, 7, đến cả lớp 9 nữa, thậm chí một vài trưởng bản đã có trình độ 12/12 như trưởng bản La Pán Tẩn Hảng A Tằng. Đó là một tín hiệu đáng mừng không những của Mù Cang Chải, của tỉnh Yên Bái mà còn của cả nước.

"Tuy nhiên, đó mới là những tín hiệu mừng, nhưng để La Pán Tẩn bước hẳn sang một trang sử mới thì còn lắm nỗi đoạn trường, không ai được phép thỏa mãn, thậm chí tạm bằng lòng!", ông Hoàng Ngọc Kỳ, Chánh văn phòng UBND huyện Mù Cang Chải đăm chiêu nói.

Mặc dù đến nay số hộ nghèo ở La Pán Tẩn đã giảm nhiều, nhưng hầu như năm nào huyện cũng phải chuyển vài chục tấn lương thực cứu đói cho xã. Xã vẫn còn hơn 120 con nghiện (chưa điều tra đầy đủ), trong đó hơn 60% là những con nghiện có thâm niên, chủ yếu là người già khó cai. Năm 2003, vừa vận động, vừa tự nguyện, gần 100 con nghiện đi cai tập trung, nhưng theo thông tin của ông Sử thì đến nay tất cả đã tái nghiện. "Đó là một việc khó", ông Sử buồn rầu. Ngay cả cụ Hảng Su Tu là người sớm tỉnh ra nhất, nuôi dạy con thành đạt nhưng hiện ông vẫn phải "ăn" một lượng thuốc phiện nhỏ. Xã còn rất nhiều người như thế.

Lớp học ngoài trời tại bản La Pán Tẩn.

Anh Páo, cán bộ văn hóa xã đưa chúng tôi lên đỉnh núi Sàng thuộc bản La Pán Tẩn thăm một vài người nghiện thâm niên, những nỗi khắc khổ, dằn vặt của họ luôn hiện lên trên khuôn mặt. Tất thảy đều hiểu được lời của ông Sử khuyên, "không ai nghiện mà giàu, mà sướng được" nhưng họ vẫn phải sống với thuốc phiện. Gia đình có một người nghiện đã bi đát, nhiều gia đình cả hai vợ chồng cùng nghiện như gia đình Giàng Tùng Xính - Lý Thị Dê, Giàng A Câu - Hảng Thị Cha... Anh Hảng Bồ Câu (50 tuổi) nghiện từ năm 15 tuổi, đã đi cai rồi song không được. Nay mỗi ngày anh phải “ăn” 1 phân với giá 10.000 đồng. (Ông Giàng Chứ Lý tính nhẩm, 10.000 đồng cộng tiền thuốc cảm, dầu mỡ... cũng thành 30.000 đồng, với mức độ như thế, không nghèo mới là lạ). Khi chúng tôi bước vào, anh Câu vẫn ngồi nhìn vợ may váy trong căn nhà tối đen chỉ có chút ánh sáng ngoài cửa hắt vào, khuôn mặt anh buồn rười rượi. Anh bảo: "Tao khổ lắm rồi, không muốn cả vợ và 5 đứa con khổ nữa, nhưng cai thuốc phiện khó quá nhà báo à! Đã cai rồi, không hút nữa, nhưng lúc hết thuốc người lại yếu quá, không đi làm được, lại phải hút để kiếm hạt gạo, hạt ngô nuôi vợ con, thế là mãi tao chưa cai được!".

Quay về trụ sở xã sau gần một ngày thăm bản mệt lả, chưa kịp "thở" thì anh Chông, Trưởng Công an xã bảo: "Dân không hút, chỉ ăn một ít thôi để khỏi chết, họ bảo thế. Không hiểu, họ mua thuốc được ở đâu!? Vẫn còn vài người hút bàn đèn đấy! Vừa hôm qua tôi bắt được hai bộ bàn đèn, đây này (anh Chông lôi trong tủ ra hai bộ bàn đèn đặt lên bàn). Phải nghiêm khắc mới được, còn nghiện là còn khổ, khổ mình, khổ cả nhà, khổ cả xã nữa!". Nói rồi, anh đưa mắt nhìn ra dãy núi phía trước, như buồn, như thể hiện một quyết tâm sắt đá: "Các nhà báo biết không, La Pán Tẩn theo tiếng Quan Hỏa là chỉ nơi gặp gỡ, tụ họp của dân thương lái, là vùng đất trù phú, nhưng để La Pán Tẩn trở lại đúng cái nghĩa ấy thì còn là một quãng đường dài không ít khó khăn!".

Mù Cang Chải, tháng 9/2004

Đức Thọ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.