Võ Hồng - một đời người, một đời văn

28/11/2003 15:33 GMT+7

Trung tâm Nghiên cứu Quốc học và NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh vừa in xong Tuyển tập Võ Hồng (11/2003) gồm 60 truyện ngắn trích từ: Hoài cố nhân, Con suối mùa xuân, Lá vẫn xanh, Những giọt đắng, Vết hằn năm tháng, Vẫy tay ngậm ngùi... hơn 10 tập.

Nếu thêm tiểu thuyết, truyện thiếu nhi, thơ, thì Võ Hồng viết khoảng 25 cuốn, trong 64 năm cầm bút (tính từ Mùa gặt đăng trên Tiểu thuyết thứ bảy, Hà Nội 1939).

Dịp này, giáo sư Trần Hữu Tá có lời giới thiệu tuyển tập, cũng là dịp nhìn lại, một cách bao quát, về thế giới truyện ngắn Võ Hồng mà ai đã được biết ông “hẳn đều giật mình (vì) hóa ra tác phẩm nào của ông cũng ít nhiều mang chất tự truyện” về: tình nghĩa cháu con, tình bạn thiếu thời, tình cảm dịu dàng của những phụ nữ “đã lướt qua” đời ông. Và đọng lại đậm đà mãi mãi là người vợ yêu quý nhưng mất sớm: bà Phan Diệu Báu với hơn 10 năm chung sống. Ông dành hẳn một mảng truyện “về cái gia đình nhỏ bé lẽ ra rất hạnh phúc của mình: người vợ hiền hậu, đảm đang một cách lặng lẽ nhưng rồi đột ngột từ trần; những đứa con ngoan, biết yêu thương nhau và kính yêu cha mẹ nhưng rồi cũng lần lượt trưởng thành rời xa tổ ấm, khẳng định tương lai ở những phương trời xa” (Lời giới thiệu).

Từ đời thực, ông đưa vào truyện quê hương (Người về đầu non), tình yêu (Trầm mặc cây rừng), tuổi học trò (Cánh thiệp đầu xuân), đi dạy học (Mùa hoa xoan), lấy vợ muộn (Thế giới của Năm Nhiều), lan tỏa tình người sang thảo mộc (Vĩnh biệt cây trứng cá), “hắt hiu hoang vắng lạ thường” trước cái chết của chú chó (Người bạn nhỏ tên Tô). Giữa tất cả những Mẹ gà con vịt, Đôi chim bồ câu, Khoảng mát, Ngày xuân êm đềm, Xuất hành năm mới, Dấu chân sa mạc, Tháng năm sương mù, Rồi trái cây sẽ chín v.v... người đọc có thể tiếp xúc phần lớn với những nhân vật có thực trong đời như ông thố lộ. Một số là hình bóng ở chiến khu xưa và ở quê hương cực Nam Trung Bộ của ông.

Trong Chuyến về Tuy Hòa ông gợi lại nếp sống quê mùa, hương đồng quê, mà nếu “bỏ tôi giữa cảnh ấy, tôi sẽ tìm thấy lại trọn vẹn cái quá khứ êm đềm của những ngày thơ ấu, cũng bờ ruộng cỏ ướt sương đêm, cùng dòng nước mương chảy róc rác trên đó những con nhện nước run rẩy trên bộ chân gầy”. Từ cái nền của quê nhà đó, xuất hiện những nhân vật miền xa tới, như Trầm, cô gái trẻ từ Đà Nẵng vào, đứng trên Gành Ráng nơi có mộ Hàn Mặc Tử: “Nhìn xuống vũng bể Qui Nhơn uốn cong một màu xanh ngọc bích nằm im lặng, bất động, câm nín. Em nhớ đến câu thơ của Hàn Mặc Tử: “Chao ôi! Ghê quá trong tư tưởng. Một vũng cô liêu cũ vạn đời”. Rốt lại, các nhân vật của Võ Hồng thường thường hiện ra với “nỗi buồn dịu dàng”, lắm lúc “bất hạnh”, song theo GS Trần Hữu Tá, không vì thế người đọc bị trùng xuống, bị bi lụy, bởi nhà văn “như muốn gửi tặng bạn đọc một điều trải nghiệm: dù trong hoàn cảnh bi đát tới đâu, con người vẫn có thể tìm được một hạnh phúc giản dị...”. Được mô tả chân thật, dung dị, các nhân vật ấy hiện lên tự nhiên như anh Lý, chị Xuân trong Hoài cố nhân. Nhan đề Hoài cố nhân được lấy đặt tên cho cuốn sách đầu tay của ông in lần thứ nhất bởi NXB Ban Mai năm 1959, lần thứ hai bởi Lá Bối 1969, lần thứ ba bởi Trẻ 1996 và được trích giảng trong nhà trường. Đó cũng là truyện ngắn mở đầu tuyển tập dày 1.230 trang nói trên của lão văn sĩ, nhà giáo Võ Hồng.

Giao Hưởng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.