Nếu Tây Ban Nha vô địch World Cup này…

17/08/2023 11:30 GMT+7

Ngay sau tiếng còi kết thúc trận bán kết đầu tiên mà Tây Ban Nha là đội đã chiến thắng một cách quả cảm và nghẹt thở, HLV Jorge Vilda đã tập hợp tất cả các cầu thủ của mình lại ngay trên sân cỏ ở khu vực giữa sân.

Thế rồi, vị HLV 42 tuổi này nói một thông điệp ngắn gọn nhưng đầy ý nghĩa và cảm hứng: “Giờ đây, chúng ta muốn tất cả mọi người cùng đổ xô ra phố sau thắng lợi ở trận chung kết”. Thông điệp thật rõ ràng: Tây Ban Nha sẽ lần đầu tiên vô địch World Cup nữ và cả nước Tây Ban Nha sẽ đổ xô ra các con phố chính của các thành phố lớn, các quảng trường, trong một niềm vui bất tận.

Họ đã như thế, tràn ngập tình yêu bóng đá và niềm vui lớn sau khi Tây Ban Nha vô địch World Cup 2010, rồi 2 năm sau đó là chức vô địch EURO 2012. Nhưng đó là bóng đá nam. Còn bây giờ là bóng đá nữ, sẽ là điều chưa từng xảy ra trong quá khứ của một quốc gia mà bóng đá nữ đã trở thành một hiện tượng lớn, bởi đây mới là lần thứ 3 liên tiếp họ có mặt trong vòng chung kết World Cup nữ. Chúng ta sẽ sớm biết điều đó vào chủ nhật này, ở trận chung kết tại Sydney.

Nếu Tây Ban Nha vô địch World Cup này… - Ảnh 1.

Niềm vui của các cầu thủ Tây Ban Nha sau khi thắng Thụy Điển ở bán kết

REUTERS

Sẽ có rất nhiều điều để nói về thành công của bóng đá nữ Tây Ban Nha, khi trận chung kết còn chưa diễn ra, vì vào đến chung kết với một đội tuyển trước đó chưa từng vượt qua vòng 16 đội đã là một sự thành công đáng ngưỡng mộ. Việc Tây Ban Nha đi xa đến thế này có sự đóng góp rất lớn của sự đầu tư từ các CLB trong nước, đặc biệt là 2 đại gia Barcelona và Real Madrid, những đội bóng chiếm 3/4 số tuyển thủ trong đội hình xuất phát. Hai đội bóng hàng đầu ấy đã dành nhiều công sức nhất cho bóng đá nữ Tây Ban Nha và thành quả chúng ta đã thấy rồi. Thậm chí nhiều người còn cho rằng, đó là hình mẫu để thế giới noi theo. Nhưng đó chỉ là hình mẫu về phát triển thể thao và thành công của Tây Ban Nha trên sân cỏ là kết quả của nỗ lực tột cùng của tất cả mọi người.

Còn ở một góc độ khác, góc độ con người, câu chuyện sẽ khác hơn, đến mức, một vài cây bút bình luận bóng đá nữ nổi tiếng còn cho rằng, nếu Tây Ban Nha vô địch, đó không phải là một điều thực sự tốt đẹp. Nhà báo Nancy Armour của tờ USA Today cho rằng, Liên đoàn Bóng đá Tây Ban Nha (RFEF) và HLV Jorge Vilda không xứng đáng được hưởng công sức của các cầu thủ, vì họ đã không tôn trọng cầu thủ của mình. Thành công hiện tại của Tây Ban Nha, theo Nancy Armour, là từ công sức đóng góp mang tính nền tảng từ những cầu thủ bất mãn với ông, những người không hề nổi loạn như RFEF đã mô tả theo kiểu tìm cách đẩy Vilda đi, mà chỉ mong được đối xử tốt hơn.

Điều gì đã xảy ra? Tháng 10 năm ngoái, 15 cầu thủ đã đệ đơn lên RFEF đòi hỏi họ quan tâm hơn nữa đến tình trạng tập luyện và sinh hoạt của các cầu thủ. Họ cho rằng HLV Vilda đã quá nghiêm khắc. Báo chí Tây Ban Nha viết rằng, Vilda đã bắt các cầu thủ phải mở cửa phòng khách sạn để ông có thể đi kiểm tra bất cứ lúc nào, rằng Vilda và trợ lý thậm chí đã thỉnh thoảng khám túi của các cầu thủ. Họ kêu ca về việc phải di chuyển trên những chiếc xe buýt tồi tàn, về trang thiết bị thiếu và cũ kĩ cũng như những hành xử thiếu chuyên nghiệp của Vilda, người đã dẫn dắt Tây Ban Nha từ năm 2015.

Nếu Tây Ban Nha vô địch World Cup này… - Ảnh 2.

HLV Jorge Vilda được cho là có cách huấn luyện và quản lý hà khắc

REUTERS

Rõ ràng là đa số các cầu thủ đã không tin tưởng Vilda cũng như phong cách hành xử của ông trong và ngoài sân cỏ. Họ cũng không đòi phải sa thải Vilda hay muốn công khai lá thư đã ký tên đó cho báo chí. Nhưng RFEF đã đối xử với các cầu thủ như những đứa trẻ, yêu cầu họ phải “chấp nhận sai lầm của mình và cầu xin tha thứ”. Vilda gọi tình hình đội tuyển lúc đó là “trò hề khôi hài” của các cầu thủ tiểu thư. Trên thực tế, World Cup này cũng chứng kiến rất nhiều rắc rối ở các đội bóng khác, với những chuyện nội bộ. Vilda và RFEF hoàn toàn có thể cho rằng, họ không phải là ngoại lệ và chuyện chẳng có gì phải phàn nàn.

Việc Tây Ban Nha tiếp tục chiến thắng chỉ đơn giản là giúp Vilda duy trì lâu hơn vị trí của mình và cho phép ông mạnh tay trừng phạt các cầu thủ, đồng nghĩa với việc sẽ không có gì thay đổi trong phương pháp hà khắc của ông. Một chức vô địch World Cup có nghĩa là ông đúng và rất có thể ngay cả điều đó cũng sẽ trở thành một hình mẫu nào đó mà các nền bóng đá nữ khao khát vinh quang sẽ sao chép. Nhưng một chức vô địch cũng có nghĩa là các mâu thuẫn trong quá khứ giữa các cầu thủ và HLV Jorge Vilda cũng như RFEF sẽ không bao giờ được giải quyết và các cầu thủ “nổi loạn” đã phải trả một cái giá quá đắt mà họ không hề đáng bị thế.

Còn nếu Tây Ban Nha thất bại trong trận chung kết ở Sydney, có lẽ người ta sẽ xới lại câu chuyện mâu thuẫn này và không bao giờ quên nó.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.