NASA thúc đẩy sứ mệnh mặt trăng giữa cuộc đua toàn cầu

02/03/2024 09:15 GMT+7

Các phi hành gia trong sứ mệnh Artemis II của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đang tích cực chuẩn bị cho chuyến du hành của mình, trong bối cảnh các cường quốc không gian khác gần đây đã thúc đẩy nỗ lực chinh phục mặt trăng.

Trong tuần qua, 4 phi hành gia được chọn cho sứ mệnh Artemis II, bao gồm 3 người Mỹ và 1 người Canada, đã tham gia huấn luyện với Hải quân Mỹ trên vùng biển ngoài khơi bang California (Mỹ), theo AFP. Dù sứ mệnh lịch sử của NASA sớm nhất phải đến tháng 9.2025 mới diễn ra, các nhà du hành vũ trụ đã bắt đầu luyện tập cho ngày trở về từ không gian.

Từ mặt trăng đến sao Hỏa

Trên một con tàu tấn công đổ bộ khổng lồ, hàng trăm thủy thủ, thợ lặn và phi công đã diễn tập quá trình "tiếp nhận" các phi hành gia Artemis II ở giai đoạn cuối cùng của sứ mệnh. Theo kế hoạch, các phi hành gia sẽ bay vòng quanh mặt trăng trong chuyến thám hiểm kéo dài 10 ngày trên phi thuyền Orion, trước khi trở về trái đất và đáp xuống biển bằng dù. NASA đã triển khai một "bản sao" bằng kích thước thật của tàu vũ trụ này cho cuộc diễn tập.

NASA thúc đẩy sứ mệnh mặt trăng giữa cuộc đua toàn cầu- Ảnh 1.

Thiết bị mô phỏng module phi hành đoàn của tàu vũ trụ Orion ở ngoài khơi California (Mỹ) ngày 28.2

Reuters

Phi hành gia kỳ cựu người Mỹ Reid Wiseman và 3 đồng nghiệp của ông sẽ trở thành những người đầu tiên bay tới gần mặt trăng kể từ khi chương trình Apollo của NASA kết thúc hơn 50 năm trước. Sứ mệnh này là một phần trong chương trình Artemis, nỗ lực của NASA nhằm thiết lập sự hiện diện lâu dài của con người trên mặt trăng cũng như đặt nền móng cho việc đưa con người lên sao Hỏa.

Đưa con người lên mặt trăng là mục tiêu trong sứ mệnh Artemis III, dự kiến diễn ra vào cuối năm 2026 nhưng có thể bị trì hoãn thêm. Theo AFP, tham vọng tiếp theo của NASA là thực hiện các sứ mệnh kéo dài vài tuần, thiết lập một căn cứ trên bề mặt mặt trăng cũng như một trạm vũ trụ quay quanh quỹ đạo, hướng tới các chuyến bay có người lái tới sao Hỏa.

"Nguồn tài nguyên trên trái đất là có hạn. Vì vậy, chúng ta phải tìm ra những gì chúng ta có thể làm vì lợi ích của nhân loại", AFP dẫn lời bà Lily Villareal, quan chức NASA giám sát giai đoạn quay về trái đất của sứ mệnh Artemis II.

Tàu đổ bộ mặt trăng Mỹ bị đổ ngang rồi lại cạn pin

Cuộc chạy đua nóng bỏng

Nỗ lực của NASA diễn ra giữa lúc các quốc gia khác gần đây đã liên tiếp gặt hái thành tựu trong việc chinh phục mặt trăng, vệ tinh tự nhiên duy nhất của trái đất. Ấn Độ và Nhật Bản đã trở thành 2 quốc gia mới nhất hạ cánh thành công tàu thăm dò trên mặt trăng, sau Mỹ, Nga và Trung Quốc.

Cho đến nay, Mỹ vẫn là quốc gia duy nhất từng đưa được người lên mặt trăng. Song Đài truyền hình CCTV của Trung Quốc ngày 29.2 đưa tin Bắc Kinh đặt mục tiêu đưa công dân đầu tiên của họ lên mặt trăng muộn nhất là vào năm 2030. Cơ quan Vũ trụ có người lái Trung Quốc cho biết họ sẽ thúc đẩy việc ứng dụng và phát triển trạm vũ trụ cũng như hoạt động thám hiểm mặt trăng có người lái trong năm nay.

Đầu tuần này, Cơ quan Thám hiểm vũ trụ Nhật Bản (JAXA) cho hay tàu thăm dò SLIM của họ đã sống sót ngoài dự liệu sau "đêm mặt trăng" (tương đương 14 ngày trên trái đất) và thiết lập lại liên lạc với mặt đất, Reuters đưa tin. JAXA nói tín hiệu nhận được từ phi thuyền này là "điều kỳ diệu" vì SLIM vốn không được thiết kế để sống sót qua "đêm mặt trăng", khoảng thời gian mà nhiệt độ có thể rớt xuống mức -170 độ C.

Công ty tư nhân gia nhập sân chơi

Tuần trước, tàu thăm dò Odysseus do Công ty Intuitive Machines (trụ sở tại Texas, Mỹ) phát triển đã trở thành phi thuyền tư nhân đầu tiên thành công đáp xuống bề mặt mặt trăng, chính thức gia nhập sân chơi mà cho đến khi đó chỉ dành cho các cơ quan không gian của nhà nước. Dù Odysseus gặp nhiều vấn đề trên hành trình này, NASA và Intuitive Machines cho rằng đây là đột phá quan trọng trong chương mới của nỗ lực thám hiểm mặt trăng.

Intuitive Machines hôm 29.2 thông báo Odysseus đã gửi hình ảnh cuối cùng về mặt đất trước khi nguồn năng lượng cạn kiệt. Bức ảnh "cho thấy trái đất hình lưỡi liềm ở hậu cảnh, một lời nhắc nhở tinh tế về sự hiện diện của loài người trong vũ trụ", AFP trích dẫn thông cáo của công ty.

Theo Reuters, NASA đã trả cho Intuitive Machines 118 triệu USD để thiết kế, chế tạo và đưa Odysseus lên mặt trăng, thông qua chương trình Artemis. Tàu thăm dò này được phóng đi hôm 15.2 nhờ tên lửa đẩy Falcon 9 của Công ty SpaceX và tiếp cận quỹ đạo mặt trăng 6 ngày sau đó.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.