Nam Vân Phong - điểm sáng thu hút đầu tư các dự án nghìn tỉ

19/12/2022 08:00 GMT+7

Ngày 25.4.2006, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thành lập Khu kinh tế (KKT) Vân Phong thuộc 2 huyện Vạn Ninh (Bắc Vân Phong) và TX.Ninh Hòa (Nam Vân Phong) có tổng diện tích khoảng 150.000ha.

Kho ngoại quan xăng dầu Vân Phong

Ảnh: Thế Quang

Nhiều dự án nghìn tỉ đổ về KKT Vân Phong

Theo Nghị quyết số 09/NQ-TW ngày 28.1.2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, việc phát triển KKT Vân Phong trở thành động lực phát triển của tỉnh Khánh Hòa và khu vực Nam Trung Bộ đánh dấu một bước ngoặt lịch sử.

Tiếp theo đó, ngày 16.6.2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 55/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, trong đó có những quy định rất cụ thể về danh mục ngành, nghề ưu tiên thu hút đầu tư vào KKT Vân Phong.

Theo Ban quản lý KKT Vân Phong, tính đến nay, KKT này đã thu hút 155 dự án đầu tư (125 dự án trong nước và 30 dự án có vốn đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đăng ký khoảng 4,1 tỉ USD, vốn thực hiện 2,5 tỉ USD (đạt 61%), trong đó có 97 dự án đã đi vào hoạt động, 58 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư đang triển khai đầu tư xây dựng. Riêng trong giai đoạn 2016-2020, KKT Vân Phong đã đóng góp nguồn thu ngân sách của tỉnh Khánh Hòa khoảng 20.950 tỉ đồng, chiếm khoảng 30% nguồn thu của tỉnh.

Trong đó, khu vực Nam Vân Phong (TX.Ninh Hòa) tập trung các dự án quy mô lớn đang triển khai xây dựng như: Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 (2,58 tỉ USD), Khu công nghiệp Ninh Thủy (294 tỉ đồng), Cảng tổng hợp Nam Vân Phong (984 tỉ đồng) và một số dự án lớn đã hoạt động như: Kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong (125 triệu USD), Nhà máy đóng tàu Hyundai-Vinashin (350 triệu USD) tạo việc làm cho hơn 4.000 lao động, hằng năm thực hiện xuất khẩu chiếm hơn 40% kim ngạch xuất khẩu của cả tỉnh Khánh Hòa. Khu vực Nam Vân Phong hiện nay đang được nhiều tập đoàn lớn trong nước và nước ngoài quan tâm đề xuất các dự án công nghiệp năng lượng, công nghiệp lọc hóa dầu, kho chứa năng lượng, cảng biển trung chuyển, các khu công nghiệp, đô thị đa năng gắn với dịch vụ du lịch.

Cảng Quốc tế Nam Vân Phong được đầu tư xây dựng với quy mô lớn nhất khu vực Nam Vân Phong

Đặc biệt tại đây có Cảng Quốc tế Nam Vân Phong được đầu tư xây dựng với quy mô lớn nhất khu vực Nam Vân Phong, là cảng bến nhô có bề ngang bến là 35m, gồm 2 cầu cảng. Đây là vùng trung tâm công nghiệp, vùng kinh tế trọng điểm của khu vực Nam Trung bộ và Tây nguyên. Cảng Quốc tế Nam Vân Phong có thể tiếp nhận tàu có trọng tải 50.000 - 70.000DWT. Khu công nghiệp Ninh Thủy tại Nam Vân Phong cũng đã thu hút nhiều dự án lớn, tạo động lực phát triển cho khu vực.

Ngoài ra, Công ty TNHH Đóng tàu Hyundai Việt Nam (HVS) cũng là một trong những dự án có quy mô lớn tại khu vực Nam Vân Phong. Mỗi năm nhà máy này đóng khoảng 10 tàu trọng tải lớn cho các nước trên thế giới.

Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 do Tập đoàn Sumitomo Corporation (Nhật Bản) làm chủ đầu tư với tổng vốn lên tới 2,58 tỷ USD cũng đang được đẩy nhanh tiến độ tại đây.

Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 do Tập đoàn Sumitomo Corporation (Nhật Bản) làm chủ đầu tư với tổng vốn lên tới 2,58 tỉ USD

Có 19 phân khu chức năng tại KKT Vân Phong

Liên quan đến KKT Vân Phong, tháng 10.2022, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã ký Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc thẩm định, phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, KKT Vân Phong có diện tích khoảng 150.000ha; trong đó, phần đất liền và đảo chiếm khoảng 70.000ha (không kể phần lấn biển), phần mặt nước chiếm khoảng 80.000ha. Bao gồm toàn H.Vạn Ninh (trừ xã Xuân Sơn) và 9 xã, phường thuộc TX.Ninh Hòa.

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, KKT Vân Phong xác định 19 phân khu chức năng. Trong đó, H.Vạn Ninh chiếm 13 phân khu chức năng, gồm các khu dịch vụ, du lịch cao cấp, trung tâm cảng biển quốc tế, khu dịch vụ hậu cần cảng, khu đô thị du lịch và khu đô thị đan xen với không gian sinh thái biển…

TX.Ninh Hòa có 6 phân khu chức năng, được quy hoạch gồm các tổ hợp công nghiệp, cảng trung chuyển container, cảng tổng hợp, cảng chuyên dụng, cảng du lịch, logistics… và các khu đô thị ven biển, khu du lịch, dịch vụ được phân bố, đan xen với không gian sinh thái ven biển.

Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã có báo cáo danh mục các dự án ưu tiên thu hút đầu tư vào KKT Vân Phong theo Nghị quyết số 55/2022/QH15 của Quốc hội. Theo đó, giai đoạn 2023 - 2024 dự kiến ưu tiên thu hút đầu tư 27 dự án vào KKT Vân Phong. Trong giai đoạn 2024 - 2025 sẽ ưu tiên thu hút thêm 10 dự án.

Theo kế hoạch, cả 2 tổ máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 với tổng công suất 1.320MW sẽ được hoàn tất xây dựng và đi vào vận hành thương mại trong năm 2023

Ngoài ra, Khánh Hòa sẽ ưu tiên đầu tư 19 dự án thuộc nhóm dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh khu đô thị, với quy mô diện tích đất từ 300ha trở lên hoặc có quy mô dân số từ 50.000 người trở lên; đầu tư xây dựng và kinh doanh khách sạn, khu du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp và vui chơi giải trí tổng hợp có sân golf quy mô vốn đầu tư từ 25.000 tỉ đồng.

Cùng với đó là 4 dự án thuộc nhóm dự án đầu tư công nghiệp năng lượng sạch, công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, cơ khí chính xác, chế biến dầu khí, điện tử, dịch vụ chăm sóc sức khỏe có quy mô từ 6.000 tỉ đồng trở lên.

Cả 4 dự án gồm: Nhà máy lọc dầu Nam Vân Phong (100.000 tỉ đồng); tổ hợp hóa dầu Nam Vân Phong 1 và 2 (60.000 tỉ đồng/dự án) và nhà máy sản xuất Hydro xanh và pin nhiên liệu mới (48.000 tỉ đồng) đều thuộc khu vực Nam Vân Phong và tập trung ở khu vực xã Ninh Phước, TX.Ninh Hòa.

Nhóm cuối cùng được ưu tiên thu hút đầu tư vào KKT Vân Phong thuộc nhóm dự án xây dựng và kinh doanh sân bay, đầu tư bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển đặc biệt, dịch vụ logictics… có quy mô đầu tư từ 2.300 tỉ đồng trở lên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.