Mỹ sắp triển khai bệ phóng tên lửa mặt đất ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Trí Đỗ
Trí Đỗ
07/04/2024 13:56 GMT+7

Mỹ sắp triển khai hệ thống bệ phóng tên lửa mặt đất phục vụ tên lửa phòng không SM-6 và tên lửa hành trình Tomahawk ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Yonhap ngày 7.4 đưa tin, tướng Charles Flynn, Tư lệnh lục quân Thái Bình Dương của Mỹ cho biết quân đội nước này đã phát triển các loại vũ khí chính xác tầm xa, đồng thời ông cũng liệt kê tên lửa phòng không SM-6 và tên lửa hành trình Tomahawk vào danh sách các loại tên lửa có thể sử dụng trong hệ thống mới này.

Ông Charles Flynn nói rằng hệ thống này sẽ sớm được triển khai trong khu vực, song ông không nêu cụ thể về loại bệ phóng, cũng như thời gian và địa điểm triển khai. Các chuyên gia suy đoán rộng rãi hệ thống này có thể là hệ thống bệ phóng tên lửa mặt đất Typhon mà quân đội Mỹ phát triển từ năm ngoái. 

Trước đó, theo truyền thông Nhật Bản, đảo Guam - lãnh thổ của Mỹ ở tây Thái Bình Dương, được cho là địa điểm tiềm năng để triển khai hệ thống này.

Mỹ sắp triển khai bệ phóng tên lửa mặt đất ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương- Ảnh 1.

Tướng Charles Flynn, Tư lệnh lục quân Thái Bình Dương của Mỹ, phát biểu trong cuộc phỏng vấn với Yonhap tại Hàn Quốc ngày 6.4.2024

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH THE KOREA TIMES

SM-6 được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo và có tầm bắn hơn 240 km. Tomahawk là tên lửa hành trình cận âm có thể tấn công mục tiêu cách xa khoảng 2.500 km.

Lời phát biểu của ông Charles Flynn đánh dấu sự xác nhận đầu tiên của Mỹ về các loại hệ thống vũ khí sẽ được triển khai trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong năm nay. Bên cạnh đó, động thái này cũng đánh dấu một thay đổi lịch sử, lần đầu tiên một hệ thống vũ khí như vậy được triển khai ở khu vực kể từ khi Mỹ và Liên Xô ký hiệp ước các Lực lượng Hạt nhân tầm trung (INF) năm 1987.

Hiệp ước INF đã cấm các tên lửa tầm ngắn và tầm trung phóng từ mặt đất. Lúc đó, Mỹ và Liên Xô đang sở hữu tổng cộng 2.611 tên lửa thuộc nhóm này, hầu hết nằm ở châu Âu và Đông Nam Á. Tuy nhiên, thỏa thuận này đã hết hạn vào năm 2019, và Mỹ và Nga đều không gia hạn tiếp tục hiệp ước này.

Ông Flynn phát biểu rằng: "Việc thử nghiệm tên lửa của CHDCND Triều Tiên đáng lo ngại và gây bất ổn cho khu vực. Dựa trên các hoạt động gần đây của chúng tôi trong khu vực, tôi tự tin về hệ thống phòng thủ tên lửa nhiều lớp mà Mỹ hiện có".

Triều Tiên thử vũ khí chiến lược mới, 4 nước phản ứng

Triều Tiên hôm 3.4 cho biết nước này đã bắn thử một tên lửa đạn đạo tầm trung siêu thanh mới, được gọi là Hwasongpho-16B, đồng thời khẳng định tất cả các tên lửa của Triều Tiên hiện đều sử dụng nhiên liệu rắn và có khả năng mang đầu đạn hạt nhân cơ động. Được biết, tên lửa siêu thanh thường khó bị đánh chặn bằng các lá chắn phòng thủ tên lửa thông thường vì nó có thể di chuyển gấp 5 lần tốc độ âm thanh, đường bay và độ cao thay đổi linh hoạt.

Lực lượng quân sự Mỹ tại Hàn Quốc vận hành các hệ thống phòng thủ tên lửa tầm thấp PAC-3, hệ thống tên lửa phòng không tầm trung (M-SAM) - Hàn Quốc phát triển từ loại tên lửa Cheongung, và hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).

Chia sẻ với Yonhap, ông Flynn cũng nhấn mạnh những rủi ro tiềm ẩn xung quanh nghi ngờ Triều Tiên cung cấp vũ khí cho Nga. Song song đó, ông ca ngợi việc Hàn Quốc tham gia tích cực vào các cuộc tập trận đa quốc gia với Mỹ và các đồng minh. Các hoạt động này sẽ gửi một thông điệp quan trọng trong bối cảnh gia tăng nhiều thách thức an ninh.

Ngoài ra, tướng Mỹ Charles Flynn cũng hoan nghênh những tiến bộ trong quan hệ quốc phòng Mỹ - Hàn Quốc trong nhiều thập niên. Ông Flynn hiện đang có chuyến công du ba nước châu Á gồm Nhật Bản, Thái Lan và Hàn Quốc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.