Mỹ nôn nóng đưa tàu thăm dò lên mặt trăng

Khánh Như
Khánh Như
14/02/2024 11:41 GMT+7

Một tàu đổ bộ mặt trăng điều khiển bằng robot do công ty hàng không vũ trụ Intuitive Machines (Mỹ) chế tạo đã được thiết lập để phóng vào sáng sớm 14.2 theo giờ Mỹ.

Reuters đưa tin đây là một phần trong sứ mệnh của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) nhằm nối lại các chuyến đổ bộ lên mặt trăng sau hơn nửa thế kỷ gián đoạn. Đây cũng là chuyến đi đầu tiên của một phương tiện thuộc sở hữu tư nhân.

Theo kế hoạch, tàu đổ bộ Nova-C, được đặt tên là Odysseus, sẽ cất cánh ngay trước 1 giờ sáng giờ địa phương. Con tàu sẽ được đẩy bằng tên lửa SpaceX Falcon 9, phóng từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy của NASA ở mũi đất Cape Canaveral (bang Florida, Mỹ). Theo dự báo, đến 95% khả năng điều kiện thời tiết sẽ thuận lợi.

Dự kiến, Nova-C sẽ đến đích sau chuyến bay kéo dài khoảng 7 ngày. Sớm nhất là vào ngày 22.2, con tàu sẽ hạ cánh xuống miệng núi lửa Malapert A gần cực nam của mặt trăng.

Mỹ nôn nóng đưa tàu thăm dò lên mặt trăng- Ảnh 1.

Tên lửa SpaceX Falcon 9 được phóng tại Cape Canaveral, Florida hôm 8.2

RE

Nếu thành công, chuyến bay mang tên IM-1 sẽ đánh dấu lần đầu tiên một tàu vũ trụ Mỹ tiếp cận bề mặt mặt trăng kể từ sứ mệnh cuối cùng của phi hành đoàn Apollo vào năm 1972.

Chiến công này cũng sẽ đánh dấu lần hạ cánh đầu tiên xuống bề mặt mặt trăng theo chương trình Artemis của NASA, và giữa lúc Mỹ đang nỗ lực đưa các phi hành gia trở lại vệ tinh tự nhiên của trái đất trước khi Trung Quốc làm điều tương tự.

Vụ phóng diễn ra 1 tháng sau khi tàu đổ bộ mặt trăng Peregrine của công ty tư nhân khác của Mỹ là Astrobotic Technology bị rò rỉ hệ thống động cơ trên đường tới mặt trăng ngay sau khi được đưa vào quỹ đạo, theo trang Space.com.

Sự thất bại của tàu Peregrine, vốn đang thực hiện sứ mệnh của NASA, đánh dấu lần thứ 3 một công ty tư nhân không thể "hạ cánh êm ái" xuống bề mặt mặt trăng, sau những nỗ lực từ các công ty từ Israel và Nhật Bản.

Những thách thức này cho thấy rủi ro mà NASA phải đối mặt khi phụ thuộc nhiều hơn vào lĩnh vực thương mại để hiện thực hóa các mục tiêu bay vào vũ trụ.

Tàu đổ bộ mặt trăng của Mỹ rơi, nổ tung trên Thái Bình Dương

IM-1 là cuộc thử nghiệm mới nhất trong chiến lược sử dụng tàu vũ trụ do tư nhân chế tạo và sở hữu nhằm cắt giảm chi phí. Vào thời kỳ Apollo, NASA mua lại và vận hành các tên lửa và công nghệ khác từ các nhà sản xuất không thuộc chính phủ.

Sứ mệnh IM-2 của Intuitive Machine dự kiến hạ cánh xuống cực nam mặt trăng vào năm 2024, tiếp theo là IM-3 vào cuối năm nay với một số thiết bị thám hiểm nhỏ.

Tháng trước, Nhật Bản đã trở thành quốc gia thứ 5 đưa tàu đổ bộ lên mặt trăng, sau khi cơ quan vũ trụ JAXA của nước này hạ cánh "chính xác" tàu thăm dò SLIM.

Trước Nhật Bản, 4 nước đã thành công trong nỗ lực chinh phục mặt trăng bao gồm Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc và Ấn Độ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.