Mỹ muốn điều binh sĩ lên tàu thương mại ở eo biển Hormuz để đối phó Iran?

Văn Khoa
Văn Khoa
04/08/2023 11:59 GMT+7

Hai quan chức Mỹ ngày 3.8 tiết lộ rằng Mỹ có thể sớm đề nghị đưa lính hải quân và lính thủy đánh bộ có vũ trang lên các tàu thương mại đi qua eo biển Hormuz.

Đề nghị trên của Mỹ được tiết lộ trong bối cảnh Iran bị cáo buộc cố cướp tàu trong vùng biển quốc tế ở khu vực, theo Reuters.

Sau khi bắt giữ một tàu chở dầu thương mại vào tháng trước, Tehran tuyên bố đã nhận được lệnh từ tòa án Iran về việc bắt giữ một tàu chở dầu ở vùng biển khu vực. Eo biển Hormuz nằm giữa Iran và Oman.

Cũng trong tháng trước, Hải quân Mỹ cho biết họ đã can thiệp để ngăn Iran bắt giữ hai tàu chở dầu thương mại ở vịnh Oman.

Hải quân Iran tăng cường sức mạnh khi Mỹ muốn đưa quân bảo vệ tàu hàng ở vùng Vịnh

Bộ Quốc phòng Mỹ đã gửi thêm máy bay chiến đấu F-35 và F-16 cùng với một tàu chiến tới Trung Đông vào tháng trước nhằm giám sát các tuyến đường thủy quan trọng trong khu vực sau khi Iran bị tố bắt giữ và quấy rối các tàu vận tải thương mại.

Trước đó, vào tháng 5, Nhà Trắng thông báo rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ thực hiện các động thái trong khu vực, nhưng không cung cấp chi tiết.

Mỹ muốn điều binh sĩ lên tàu thương mại ở eo biển Hormuz để đối phó Iran? - Ảnh 1.

Một số tàu tấn công nhanh của Iran bị tố bao vây tàu chở dầu Niovi treo cờ Panama khi tàu đi qua eo biển Hormuz vào đầu ngày 3.5.2023, trong ảnh từ một đoạn video do Hải quân Mỹ cung cấp vào ngày 3.5.2023

Reuters

Đến ngày 3.8, một quan chức Mỹ, không muốn tiết lộ danh tính, cho hay quân đội đã huấn luyện một số lính thủy đánh bộ ở Trung Đông để lên các tàu thương mại. Tuy nhiên, vị quan chức nhấn mạnh có yêu cầu binh sĩ tham gia các phần của cuộc hành trình đặc biệt nguy hiểm ở eo biển Hormuz hay không là tùy thuộc vào quyết định cuối cùng của các tàu thương mại.

Kể từ năm 2019 đã xảy ra một loạt vụ tấn công nhắm vào tàu bè ở những vùng biển chiến lược trong vùng Vịnh vào thời điểm căng thẳng giữa Mỹ và Iran. Khoảng 1/5 lượng dầu thô và sản phẩm dầu của thế giới đi qua eo biển Hormuz.

Với tình trạng thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 thực tế đã không còn có hiệu lực nữa, quan hệ giữa Iran với phương Tây đã xấu đi trong năm ngoái, buộc Mỹ và các đồng minh phải tìm cách giảm căng thẳng và khôi phục một số kiểu giới hạn hạt nhân, theo Reuters.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.