Mỹ lập đại học 'ma' bẫy băng gian lận thị thực

07/04/2016 09:00 GMT+7

Mỹ ngày 6.4 thông báo bắt giữ 21 nghi can trong vụ gian lận thị thực cho hơn 1.000 người nước ngoài, chủ yếu là Ấn Độ và Trung Quốc.

Mỹ ngày 6.4 thông báo bắt giữ 21 nghi can trong vụ gian lận thị thực cho hơn 1.000 người nước ngoài, chủ yếu là Ấn Độ và Trung Quốc.

Ảnh chụp website trường đại học “ma” do đặc vụ Mỹ lập nên -  Ảnh: ReutersẢnh chụp website trường đại học “ma” do đặc vụ Mỹ lập nên - Ảnh: Reuters
Sau 3 năm giăng lưới, các đặc vụ liên bang thuộc Bộ An ninh nội địa cuối cùng cũng đã tóm gọn thành viên của đường dây quy mô lớn chuyên cung cấp thị thực sinh viên trái phép tại các bang New York, Washington, New Jersey và Virginia. Tổng cộng các nghi phạm đã đưa 1.076 người nước ngoài đến Mỹ hoặc kéo dài thời hạn lưu trú một cách bất hợp pháp.
Đại học “ma”
Đài ABC News dẫn lời công tố viên bang New Jersey Paul Fishman cho biết để giăng lưới, các đặc vụ của Cơ quan Thực thi di trú và hải quan (ICE) phối hợp với Cục Điều tra an ninh nội địa (HSI) đào sẵn một cái bẫy lớn từ tháng 9.2013.
Theo đó, nhà chức trách thành lập một trường đại học giả mang tên Đại học Bắc New Jersey (UNNJ) và quảng cáo là có quan hệ với giới chức cấp cao và đủ lực cung cấp số lượng lớn giấy chứng nhận cho phép người nước ngoài lấy thị thực sinh viên hợp pháp tại Mỹ. Văn phòng của “trường” đặt tại Cranford (bang New Jersey) với các đặc vụ ngầm giả làm ban quản trị nhưng không hề có giáo viên, chương trình giảng dạy lẫn hoạt động tổ chức lớp học.
Sau khi UNNJ đưa quảng cáo lên những website và diễn đàn về thị thực, đường dây nói trên đã chủ động liên lạc. Theo giới điều tra, hầu hết các nghi phạm đều biết đây là trường giả nhưng không biết đang bước vào cái bẫy nên vẫn tin tưởng bàn chuyện làm ăn. Băng nhóm này hứa hẹn lấy được thị thực sinh viên hoặc kéo dài thời hạn thị thực cho những người đang ở Mỹ với giá từ 1.200 - 2.000 USD/người.
Sau đó, họ trả cho UNNJ hàng ngàn USD để lấy giấy chứng nhận đang học tại trường, bảng điểm giả mạo, hợp đồng, thư xác minh và nhiều loại giấy tờ giả mạo khác. Tất cả đều mang thông tin và logo của UNNJ.
Với những giấy tờ này, khách hàng có thể lấy thị thực hoặc tiếp tục ở lại Mỹ và thoải mái đi làm thêm hay thực tập cho nhiều doanh nghiệp. Một số ông chủ bị cáo buộc biết hồ sơ là giả nhưng vẫn chấp nhận tuyển dụng để có thể trả lương rẻ. Công tố viên Fishman cho biết thêm hầu hết khách hàng của đường dây gian lận này là người Ấn Độ và Trung Quốc.
Nguy cơ khủng bố
Dự kiến, các nghi phạm sẽ bị xét xử tại các tòa án ở Newark (New Jersey), Seattle (Washington) và đối diện bản án lên tới 10 năm tù. Giới hữu trách cũng đang gấp rút tiến hành rà soát lại thị thực của những đối tượng đáng nghi để hủy bỏ, trục xuất, thậm chí bắt giữ nếu cần thiết, theo ABC News.
Công tố viên Fishman nhấn mạnh hoạt động gian lận thị thực không những ảnh hưởng xấu đến chương trình cấp visa cho người nước ngoài làm việc và học tập tại Mỹ mà còn đe dọa an ninh quốc gia khi có thể là cánh cửa mở đường cho khủng bố xâm nhập. Nhiều người nước ngoài bị nghi dùng giấy tờ giả để lấy thị thực không nhập cư diện
H-1B (cho phép chủ lao động Mỹ tuyển mộ tạm thời các nhân viên nước ngoài khi cần thiết - NV) và nộp đơn vào các cơ quan dân sự thuộc quân đội Mỹ cũng như những doanh nghiệp chủ chốt như Facebook hay Google.
Chiến dịch giăng lưới của Mỹ được triển khai theo sau cuộc điều tra do Đài ABC News thực hiện cho thấy Bộ An ninh nội địa đã mất dấu vết hơn 6.000 sinh viên quốc tế, đồng thời phát hiện hàng chục cơ sở môi giới, trường học đóng vai trò “nguồn sản xuất thị thực” cho người nước ngoài.
Mặt khác, số liệu thống kê cho thấy gần 1 triệu sinh viên nước ngoài đăng ký học các chương trình nâng cao tại Mỹ trong giai đoạn 2014 - 2015, tăng 10% so với giai đoạn liền trước đó. Trong số này, Ấn Độ và Trung Quốc chiếm 67% mức tăng và gần 45% trên tổng số sinh viên quốc tế tại Mỹ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.