Mỹ dùng tên lửa đánh chặn tên lửa để diệt tàu chiến

09/03/2016 11:24 GMT+7

Lần đầu tiên hải quân Mỹ sử dụng tên lửa SM-6, vốn dùng để đánh chặn máy bay và tên lửa hành trình, để đánh chìm một tàu chiến trong một cuộc tập trận gần đây.

Lần đầu tiên hải quân Mỹ sử dụng tên lửa SM-6, vốn dùng để đánh chặn máy bay và tên lửa hành trình, để đánh chìm một tàu chiến trong một cuộc tập trận gần đây.

Tàu khu trục USS John Paul Jones phóng tên lửa SM-6 trong một đợt thử vũ khí năm 2014 - Ảnh: Hải quân MỹTàu khu trục USS John Paul Jones phóng tên lửa SM-6 trong một đợt thử vũ khí năm 2014 - Ảnh: Hải quân Mỹ
Hải quân Mỹ đã dùng tên lửa siêu thanh SM-6, phóng từ tàu khu trục USS John Paul Jones lớp Arleigh Burke, để bắn chìm tàu hộ vệ USS Reuben James trong một cuộc tập trận ở Hawaii ngày 18.1, theo chuyên san The Diplomat ngày 9.3. Tàu USS Reuben James đã ngừng phục vụ trong quân đội Mỹ từ năm 2013.
Tên lửa SM-6 do hãng Raytheon chế tạo, trang bị cho các tàu chiến, được dùng để đánh chặn máy bay và tên lửa hành trình (kể cả tên lửa diệt hạm) chứ không dùng để chống tàu. Theo Breaking Defense, việc thay đổi nhiệm vụ của tên lửa SM-6 từ phòng thủ sang tấn công phản ánh nỗ lực của Lầu Năm Góc trong việc sử dụng các loại vũ khí hiện có cho các nhiệm vụ mới để giảm chi phí trong tình hình ngân sách quốc phòng eo hẹp.
Hồi tháng 2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter thông báo nước này sẽ trang bị khả năng mới cho các loại vũ khí cũ. “Chúng tôi đang sửa đổi SM-6 ngoài nhiệm vụ phòng thủ còn có thể tấn công các tàu địch ở khoảng cách rất xa”.
Tên lửa SM-6 có tầm bắn hiệu quả ở khoảng cách xấp xỉ 370 km với tốc độ hơn 4.200 km/giờ, vượt xa so với các loại tên lửa chống hạm chủ lực của Mỹ như Harpoon, theo The Diplomat. Từ năm 2013, hãng Raytheon đã giao hơn 250 tên lửa SM-6 cho Hải quân Mỹ.
Tàu hộ vệ USS Reuben James bị tên lửa phòng không SM-6 bắn chìm - Ảnh: Hải quân Mỹ
Tuy nhiên, một hạn chế khi dùng tên lửa đánh chặn để tấn công tàu chiến là đầu đạn không đủ mạnh để gây thiệt hại đáng kể. Việc tàu USS Reuben James bị SM-6 bắn chìm cho thấy tên lửa này có thể đã được trang bị một đầu đạn mới và mạnh hơn.
Breaking Defense cũng cho hay, trong một cuộc bắn thử khác vào tháng 1, tàu John Paul Jones cũng phóng các tên lửa SM-6, bắn trúng 5 mục tiêu ở khoảng cách kỷ lục. Các tên lửa sử dụng dữ liệu từ tàu khu trục USS Gridley thông qua hệ thống gọi là Năng lực tham gia phối hợp (CEC). Theo Breaking Defense, hệ thống CEC cho phép một tàu khai hoả tên lửa ngay cả khi không phát hiện được mục tiêu, nhưng sử dụng dữ liệu radar từ một tàu hoặc máy bay khác bắt được mục tiêu đó.
Mục tiêu mà Hải quân Mỹ nhắm đến qua các hành động này là để chứng minh một khái niệm chiến đấu mới, gọi là “sát thương phân tán”. Theo đó, việc linh động sử dụng các loại vũ khí vừa giúp các tàu chiến có nhiều sự lựa chọn hơn trong trận đánh, vừa giúp phân tán sự chú ý của quân địch đối với các tàu sân bay. Các tàu địch sẽ phải đề phòng đến mỗi tàu chiến trong đội tàu của Mỹ. Ngoài ra, nếu một tàu Mỹ phát hiện được quân địch, dữ liệu sẽ được chuyển đến cho các tàu khác trong hạm đội để có thể khai hoả thích hợp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.