Góc nhìn phóng viên:

'Mượn đầu heo nấu cháo'

Mạnh Cường
Mạnh Cường
21/08/2023 07:00 GMT+7

Sau khi sâm Ngọc Linh trở thành quốc bảo VN, giá trị của nó được đẩy lên cao ngất ngưởng trên thị trường. Và cũng vì thế mà thời gian vừa qua đã có không ít doanh nghiệp (DN) vẽ ra những "vườn sâm ảo" nhằm lợi dụng thương hiệu của sâm Ngọc Linh để trục lợi.

Đơn cử như mới đây, Công an Q.Cầu Giấy (Hà Nội) có công văn đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam cung cấp các thông tin về chuyện UBND tỉnh có tiếp nhận hồ sơ của Công ty CP Tập đoàn Mỹ Hạnh, do bà Phạm Mỹ Hạnh là người đại diện pháp luật, xin cấp phép lập và đầu tư dự án trồng, chăm sóc, phát triển cây sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh hay không? Kết quả xử lý giải quyết đối với hồ sơ xin cấp phép (nếu có) của công ty trên như thế nào? UBND tỉnh Quảng Nam có cấp hay giao đất cho công ty này để thực hiện dự án trồng sâm Ngọc Linh?… Theo Công an Q.Cầu Giấy, đơn vị đã tiếp nhận đơn tố giác của công dân với nội dung từ năm 2020 đến nay bà Phạm Mỹ Hạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Mỹ Hạnh, đã tổ chức các hội thảo để quảng cáo, giới thiệu về việc công ty đang thực hiện dự án trồng sâm Ngọc Linh tại tỉnh Quảng Nam. Qua đó, DN này đã kêu gọi nhiều cá nhân đầu tư, góp vốn để cùng thực hiện dự án và sẽ được chi trả lợi nhuận cao. Tuy nhiên, sau khi nộp tiền, các nhà đầu tư không nhận được quyền lợi như cam kết.

Tiếp xúc với người viết, một lãnh đạo UBND H.Nam Trà My, nơi được xem là "thủ phủ" sâm Ngọc Linh của tỉnh Quảng Nam, khẳng định đến giờ phút này Công ty CP Tập đoàn Mỹ Hạnh chưa trồng một cây sâm Ngọc Linh nào trên địa bàn huyện.

Hiện nay, một số cá nhân, DN thường chơi trò "mượn đầu heo nấu cháo". Tức là khi đi tham quan, họ chụp ảnh, quay phim một vườn sâm Ngọc Linh của người khác. Sau đó, dùng hình ảnh ấy quảng bá là sâm của mình trồng trên địa bàn tỉnh Kon Tum và Quảng Nam, khiến nhiều người hiểu lầm, tin là sự thật.

Việc DN vẽ ra những "vườn sâm ảo" sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh, thương hiệu của sâm Ngọc Linh. Từ đó, ảnh hưởng đến việc sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội của người dân chuyên trồng sâm Ngọc Linh, trở thành cản trở lớn cho đề án đưa sâm Ngọc Linh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước trong năm 2045 mà Chính phủ đã thông qua.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.