Một xã có 50 người hiến tạng, hiến xác

12/06/2023 10:02 GMT+7

Xem việc thiện nguyện là lẽ sống, 50 người dân, phần lớn làm nghề nông, ở xã Trung Hưng, H.Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ, đã đăng ký hiến mô, tạng, xác khi qua đời.

RỦ NHAU ĐI HIẾN TẠNG, HIẾN XÁC

Người đầu tiên trong xã đăng ký hiến tạng là ông Đỗ Văn Quảng (78 tuổi), Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Trung Hưng. Năm 2018, trong chuyến chuyển bệnh từ thiện từ xã lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), ông Quảng tình cờ biết nơi đây tiếp nhận hồ sơ hiến mô, tạng, xác nên ông nhờ nhân viên y tế tại bệnh viện tư vấn để ông về địa phương triển khai vận động.

"Khi chết rồi mà vẫn có thể làm một việc có ích cho xã hội thì sao lại từ nan. Nghĩ vậy nên tôi quyết định hiến xác và xin ý kiến cấp trên để triển khai vận động người dân trong xã", ông Quảng chia sẻ.

Chuyện tử tế: Một xã có 50 người hiến tạng, hiến xác - Ảnh 1.

Những nông dân đăng ký hiến tạng, hiến xác khi qua đời

Năm 2019, sau khi thuyết phục gia đình, ông Quảng nộp đơn tình nguyện hiến xác. Sau đó, ông xin hồ sơ về trình Hội Chữ thập đỏ H.Cờ Đỏ và được đồng ý nên ông đứng ra tuyên truyền về ý nghĩa của việc làm này, vận động người dân tham gia.

Thời gian đầu, việc vận động gặp nhiều khó khăn do bà con chưa nắm rõ quy định của pháp luật về điều kiện, thủ tục, quyền hiến tặng mô, tạng, xác, và người thân trong gia đình không đồng ý. Sau thời gian kiên trì vận động, lấy bản thân ra làm minh chứng, ông Quảng dần thuyết phục được nhiều người tự nguyện viết đơn đăng ký hiến tạng, hiến xác cứu người. "Cái khó là gia đình những người muốn hiến xác, tạng hầu như không ai đồng ý, bởi muốn người thân khi qua đời thân xác nguyên vẹn. Trong khi đó, phải có gia đình, thân nhân, con cháu đồng thuận ký vào cam kết mới được đăng ký hiến. Tôi miệt mài vận động, đến khi mọi người hiểu được ý nghĩa nhân văn của việc làm này họ mới ủng hộ", ông Quảng cho biết.

Tính đến ngày 20.4.2023, xã Trung Hưng có 50 người đăng ký hiến tạng, hiến xác; trong đó có 37 người đã có thẻ, 1 trường hợp chờ làm thẻ và 12 trường hợp nộp hồ sơ đăng ký.

XEM VIỆC THIỆN NGUYỆN LÀ LẼ SỐNG

Hầu hết những người tham gia hiến tạng đều làm nông. Tuy chẳng mấy khá giả nhưng họ vẫn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện như: chở người có hoàn cảnh khó khăn đi bệnh viện miễn phí, cất nhà tình thương, đóng quan tài, hùn tiền mua gạo, nhu yếu phẩm tặng cho những trường hợp ngặt nghèo…

Anh Bùi Thanh Vũ (23 tuổi, ngụ xã Trung Hưng) cho biết sau khi được vận động, hiểu được ý nghĩa của việc hiến mô, tạng nên anh đã ghi tên vào danh sách hiến mô. Anh cũng là thành viên năng nổ của tổ xe từ thiện chuyển bệnh, sẵn sàng đi bất kể đêm khuya hay giữa trưa nắng gắt khi có bệnh nhân cần cấp cứu.

Chuyện tử tế: Một xã có 50 người hiến tạng, hiến xác - Ảnh 2.

Ông Đỗ Văn Quảng soạn những hồ sơ, thủ tục của người trong xã gửi đăng ký hiến tạng, hiến xác

DUY TÂN

Ông Nguyễn Ngọc Minh (53 tuổi, ngụ xã Trung Hưng) chia sẻ thấy anh em trong đội thiện nguyện tham gia hiến tạng, xác, hiểu được ý nghĩa nhân văn của việc làm này, ông đã lập tức thuyết phục gia đình để mọi người ủng hộ đăng ký. "Nhà tôi làm ruộng, cũng chẳng dư dả chi, nhưng công việc thiện nguyện rất ý nghĩa nên lúc nông nhàn là tôi tham gia ngay. Tôi nghĩ giúp được gì cho người khác, cho xã hội thì nên làm. Hiến xác là việc thiện cuối cùng tôi có thể làm được khi mất đi", ông Minh bày tỏ.

Còn ông Lê Văn Ngon (43 tuổi, ngụ xã Trung Hưng) cho biết ông làm ruộng và chạy xe khách. Tuy mới tham gia hoạt động thiện nguyện 3 năm nay nhưng ông đã coi đó là lẽ sống đời mình. "Còn khỏe thì đi đóng quan tài, cất nhà tình thương, chạy xe chuyển viện miễn phí giúp người nghèo. Khi mất sẽ hiến mô, hiến tạng để cứu người bệnh. Giúp được cho xã hội là tôi sẵn sàng", ông Ngon trải lòng. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.