Một ngày của bà mẹ trẻ

22/09/2012 17:01 GMT+7

Đứa bé 6 tháng tuổi khóc thét, bà mẹ trẻ nằm bên ngái ngủ xoa nhẹ vào mông con và dỗ: “Nín đi con, nín cho…mẹ ngủ”. Rồi người mẹ quay người vào tường, trùm chăn kín mặt, mặc tiếng con dại khóc mỗi lúc càng to. Người mẹ trẻ không hề biết rằng, con đang đói bụng và không thể nằm im để ngủ.

Cô bé lên chức người mẹ trẻ

Lên tới lớp 9, H.H (xã Nam Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình) bỏ học đi Tây Nguyên làm ăn được hai năm rồi quê “yên bề gia thất”. Ở cái tuổi ăn, tuổi chơi ấy, H.H cũng như rất nhiều người mẹ trẻ vẫn còn ngỡ ngàng và thiếu kinh nghiệm làm mẹ, làm con dâu. Vợ 16 tuổi, chồng của cô cũng chỉ tuổi 18, cả hai đều bỏ học sớm và chọn công việc làm thuê kiếm sống. Sau vài tháng yêu nhau, cô bé có bầu, bụng cứ thế lớn dần. Cả hai gia đình không đủ điều kiện kinh tế để tổ chức đám cưới, cũng không thể đăng ký kết hôn vì chưa đủ tuổi, vậy là một bữa liên hoan nhỏ giữa 2 nhà thông gia, hai đứa trẻ trở thành vợ chồng.

 H.H vừa mang bầu, vừa phải chăm sóc đứa con 6 tháng tuổi
H.H vừa mang bầu, vừa phải chăm sóc đứa con 6 tháng tuổi

Dù H.H là mẹ của 2 con lúc mới 17 tuổi, nhưng gần như bà mẹ trẻ không có một chút kinh nghiệm chăm sóc con và thậm chí bản thân. “Biết làm sao được, hai đứa nó thương nhau, lại lỡ có bầu rồi, đành phải cho cưới thôi”- Chị N.L (mẹ chồng) của cô nói trong nghẹn ngào.

Trước khi sinh đứa con đầu lòng, ai cũng lo người mẹ không đủ sức “vượt cạn”. Cô cao 1 mét rưỡi, nặng vẻn vẹn 40 kilogam. Để có tiền cho vợ sinh nở, nuôi con, người chồng trẻ lại tiếp tục vào Tây Nguyên làm thuê. Ngày vợ sinh, chồng đầu tắt mặt tối làm việc và chỉ biết gửi tiền để chuẩn bị tã lót, áo quần cho đứa con đầu lòng. Có lẽ trời thương, sau 2 ngày đau đớn vì sinh nở, một cậu nhóc nặng 2,5 kilogam đã chào đời khỏe mạnh. Cuộc sống của người mẹ trẻ bỗng chốc thay đổi hoàn toàn. Nhóc mới được 5 tháng tuổi thì bà mẹ trẻ tiếp tục mang bầu lần 2. Cả làng ai cũng lo lắng khi nhìn thấy bà mẹ mỏng manh, mặt non nớt vừa ẵm con, vừa nhăn mặt vì nặng bụng.

“Để cho mẹ yên”

6 giờ sáng, người mẹ trẻ nằm lăn vào góc tường để được yên giấc. Đêm nào cũng vậy, đứa trẻ quấy khóc làm giấc ngủ cô không trọn vẹn. Tiếng khóc thét của đứa cháu làm bà nội bỏ công việc ruộng vườn chạy nhanh vào; thương cháu nhỏ, tội nghiệp con dâu không biết nuôi nấng trẻ, bà chỉ biết tới bồng lên dỗ giành, rồi bế cháu ra gian nhà ngoài để người mẹ trẻ chợp mắt một lúc.

Mặt trời đã lên cao, bà mẹ tới thức nàng dâu: “Dậy bế cháu để mạ kịp ra cuốc sạch đám cỏ ruộng sạu (bắp). Sạu ra hoa rồi, mấy ruộng sạu xung quanh đã giọn sạch cỏ còn nhà mình thì chưa làm được tí nào hết”. Như chợt nhận ra mình đã là mẹ, cô bật dậy, đi nhanh ra giếng nước rửa mặt.

Cho con kê lên chân, người mẹ trẻ một tay bắt bầu vú cho con bú, tay kia cầm điện thoại lên, đây có lẽ là tài sản quý nhất của cô sau khi trở thành bà mẹ trẻ. Tranh thủ lúc con còn bú, cô trả lời tin nhắn cho chồng và cô bạn thân tối qua chưa kịp nhắn, thỉnh thoảng cô lại cười tủm tỉm một mình như biết được chuyện gì hấp dẫn.

Đặt cậu nhóc nằm lên một góc giường, cô nhặt hết đống tả lót của con tối qua thay còn để dưới chân giường rồi để gọn vào thau. Nhìn tủ đựng tả lót cho con trống trơn, người mẹ trẻ nhanh chóng mang thau đồ ra giếng và múc nước giặt. Tiếng con dại khóc, cô để thau đồ đầy bọt xà phòng và chạy vội đến gần con. Không phải vỗ về, cũng không phải hát ru con ngủ tiếp mà cô lấy điện thoại trên đầu giường, mở nhạc sàn (DJ) ra thật to, tiếng nhạc át đi tiếng khóc của đứa bé. Bàn tay gầy, nổi từng đường gân xanh to của cô, cố gắng vò sạch chậu quần áo trước khi chiếc quần cuối cùng trong người của đứa con bị ướt sũng vì tè dầm.

Ôm lấy con, cô bé phát nhẹ vào mông: “Bữa sau mẹ làm việc, để cho mẹ yên, con biết chưa?”. Dường như chẳng hiểu được ngôn ngữ người lớn, đứa bé dúi đầu vào bầu sữa mẹ đòi bú. Một tay giữ con, còn tay kia cô tiếp tục ôm điện thoại nghe nhạc và lắc lư theo giai điệu. Nhìn thấy hình ảnh đó, ai cũng nghĩ rằng, đó là chị gái đang dỗ dành em mình.

Đang ngồi chơi với con, tiếng ồn ào bên nhà hàng xóm khiến bà mẹ trẻ chú ý. Tuổi thơ như ùa về với cô, miệng cô nhanh nhảu xin được chơi ô ăn quan với mấy đứa trẻ trong xóm. Tiếng cười của người mẹ mỗi lần đánh thắng xen lẫn tiếng khóc của đứa con. Bận rộn với “công việc”, người mẹ trẻ cho con ngồi lên đùi và thỉnh thoảng ngoảnh lại cười tươi hớn hở: “Để mẹ đánh thắng, sau này mẹ dạy lại cho con”. Nghe câu nói của người mẹ, không ít người ngậm ngùi thương xót: “Tội nghiệp con bé, chuẩn bị sinh thêm đứa thứ 2 rồi mà đến giờ vẫn còn trẻ con quá”. Không để ý mọi người xung quanh nói chuyện gì, H.H mãi mê ngồi chơi, chỉ khi tiếng mẹ chồng gọi về ăn bữa trưa, cô mới sực nhớ hôm nay quên nhen lửa nấu cơm giúp gia đình.

“Nuôi con gái trong nhà như bom nổ chậm”

Để tìm được nhà H.H, chúng tôi đi bộ 2 km, men theo đường ruộng và qua một con khe nhỏ. Mất gần một tiếng làm quen, người mẹ trẻ mới chịu nói chuyện chúng tôi. Đôi mắt tròn đen trên khuôn mặt rám cháy của cô thỉnh thoảng nhìn về phía giường- nơi đứa bé đang ngủ.

Người mẹ trẻ không biết bao nhiêu tuổi là lấy chồng được pháp luật công nhận. Khi được hỏi vì sao lập gia đình sớm vậy, cô hồn nhiên trả lời: “Vì chúng em yêu nhau nên muốn sống với nhau. Tuổi ấy lấy chồng là vừa đó chị”. Rồi cô nhìn chúng tôi với ánh mắt ái ngại: “Chị 21 tuổi rồi, lấy chồng đi không là già mất đó. Mà chị không biết à, nuôi con gái trong nhà như bom nổ chậm chứ đâu phải đùa”.  Có lẽ người mẹ trẻ nghĩ mình đã thoát khỏi “kiếp bom nổ chậm” nhưng cô chưa nghĩ được tương lai phía trước của một người mẹ trẻ như cô sẽ mệt nhọc và cực khổ như thế nào.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Hội liên hiệp phụ nữ xã Nam Hóa vẫn thường xuyên giáo dục giới tính và tuyên truyền luật hôn nhân gia đình. Tuy nhiên, thực trạng tảo hôn ở địa phương vẫn là bài toán chưa tìm ra lời giải hiệu quả.

Nguyễn  Quỳnh Anh

>> Khi bà mẹ trẻ tiết kiệm
>> Khi các bà mẹ trẻ đến trường
>> Tổng kết chương trình bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.