Một hành tinh giống trái đất đang 'ẩn mình' trong hệ mặt trời?

02/09/2023 10:22 GMT+7

Hai nhà vật lý thiên văn Nhật Bản đã tìm ra chứng cứ về sự tồn tại của một hành tinh giống trái đất trong hệ mặt trời, cụ thể là tại Vành đai Kuiper.

Một hành tinh giống trái đất đang 'ẩn mình' trong hệ mặt trời? - Ảnh 1.

Mô phỏng về hành tinh thứ 9

CALTECH

Nhiều năm qua, cộng đồng thiên văn học đặt nghi vấn về sự tồn tại của một hành tinh thứ 9 trong hệ mặt trời, và hành tinh này được gọi là Hành tinh số 9.

Tuy nhiên, các nhà khoa học Nhật Bản giờ đây cho rằng có lẽ còn một hành tinh khác, nằm gần hơn Hành tinh số 9, và đang ẩn nấp bên trong Vành đai Kuiper. Theo NASA, Vành đai Kuiper đang chứa hàng triệu thiên thể băng giá và ở vị trí bên ngoài quỹ đạo Hải Vương tinh.

Cuộc nghiên cứu đã được thực hiện bởi nhà vật lý thiên văn Patryk Sofia Lykawka của Đại học Kindai ở Osaka và đồng sự Takashi Ito thuộc Đài Thiên văn Quốc gia Nhật Bản ở Tokyo.

Trong báo cáo đăng trên chuyên san The Astronomical Journal, bộ đôi nhà khoa học mô tả một hành tinh giống trái đất ở Vành đai Kuiper. Hành tinh giống trái đất này được cho có khối lượng gấp 1,5 đến 3 lần so với địa cầu, quỹ đạo có điểm xa mặt trời nhất dao động từ 250 đến 500 đơn vị thiên văn (với đơn vị thiên văn là khoảng cách mặt trời-trái đất). Độ nghiêng của hành tinh vào khoảng 30 độ tương ứng với mặt phẳng của hệ mặt trời.

Tuy nhiên, họ cho rằng nhiệt độ trên hành tinh này quá lạnh để có thể duy trì sự sống mà chúng ta vẫn biết.

Cho đến thời điểm hiện tại, thiên thể xa nhất mà con người có thể phát hiện trong hệ mặt trời là ở khoảng cách 132 đơn vị thiên văn. Sao Diêm Vương, từng là hành tinh ngoài cùng của hệ mặt trời cho đến khi bị giáng cấp xuống hành tinh lùn vào năm 2006, ở khoảng cách trung bình 40 đơn vị thiên văn tính từ mặt trời.

Còn Vành đai Kuiper bắt đầu từ khoảng cách 30 đơn vị thiên văn đến 55 đơn vị thiên văn, nếu tính trong phạm vi vùng chính, theo NASA.

"Hiểu thêm về cấu trúc quỹ đạo của Vành đai Kuiper có thể tiết lộ hoặc bác bỏ hoàn toàn giả thuyết về một hành tinh khác ở vòng ngoài của hệ mặt trời (tức Hành tinh số 9)", theo báo cáo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.