Mô hình đại học quốc gia đang nảy sinh nhiều bất cập

Lê Hiệp
Lê Hiệp
07/09/2018 13:35 GMT+7

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, mô hình đại học quốc gia (ĐHQG) và đại học vùng đang nảy sinh nhiều bất cập, không còn phù hợp với xu thế chung.

Liên quan tới mô hình hệ thống cơ sở giáo dục đại học (GDĐH), trình bày báo cáo giải trình chỉnh lý luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục đại học (GDĐH) tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sáng 7.9, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, cho biết hiện vẫn còn ý kiến khác nhau giữa cơ quan soạn thảo (Bộ GD-ĐT) và cơ quan thẩm tra (Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng).
Cơ quan thẩm tra đề nghị quy định thống nhất mô hình hệ thống GDĐH gồm có trường đại học và đại học. Theo đó, trường đại học là hạt nhân, khi một trường đại học tự lớn mạnh lên và thành lập hệ thống các trường đại học thì được hình thành một đại học.
Trong khi đó, cơ quan soạn thảo lại đề nghị quy định hệ thống cơ sở GDĐH gồm có đại học, trường đại học, học viện và các cơ sở giáo dục đào tạo có tên khác và gọi chung là đại học chứ không phân biệt thành 2 loại như ý kiến của cơ quan thẩm tra. 
Tuy nhiên, ông Bình cho rằng, quy định này chưa giải quyết được bản chất vấn đề về mô hình trường đại học bên trong đại học của các đại học hiện nay, cả về nội dung và tổ chức, đồng thời có thể làm phức tạp thêm hệ thống khi quy định tất cả cơ sở giáo dục đại học là đại học.
Không đồng tình với nhận xét này, ông Đinh Văn Nhã, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội, cho rằng giải trình của ông Bình đang hướng các đại biểu chọn theo phương án của cơ quan thẩm tra và đề nghị cơ quan thẩm tra làm rõ những bất cập trong mô hình mà cơ quan soạn thảo đề xuất.
Theo ông Nhã, việc hình thành ĐHQG trong giai đoạn trước là bằng quyết định hành chính nên cho đến này còn nhiều bất cập về nội dung cũng như tổ chức và cho rằng, mô hình mà cơ quan soạn thảo đưa ra sẽ giải quyết được những bất cập này.
Thành lập ĐHQG là sáp nhập một cách cơ học
Trao đổi về vấn đề này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, ông đồng tình với câu hỏi của ông Nhã.
Theo Phó thủ tướng, về mặt ngôn ngữ, không thể hiểu được tại sao chỉ có 2 ĐHQG được gọi là đại học còn những trường rất có uy tín, lớn về quy mô, số ngành đào tạo như Trường đại học Bách khoa, Trường đại học Kinh tế quốc dân lại không được gọi là đại học. Quy định như vậy không khuyến khích được các trường vươn lên mà cũng khó giải thích khi hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, ông Đam cho hay, vào năm 1994 - 1995 thành lập 3 trường đại học vùng và 2 ĐHQG bằng một nghị định của Chính phủ, sáp nhập một cách cơ học các trường đại học thành viên lại và mấy chục năm vận hành tới bây giờ không phải thuận lợi hết.
Từ đó, ông Đam cho rằng, mô hình ban soạn thảo đưa ra sẽ tháo gỡ được các vấn đề nêu trên, chỉ cần quy định chi tiết hơn một số điểm trong luật. “Tinh thần là giao tự chủ cho cơ sở GDĐH thì họ tự quyết định cơ cấu bên trong gồm những trường nào”, ông Đam nói.
Bên cạnh đó, ông Đam cũng cho biết, nhiều trường đại học vùng cũng tâm tư vì dự thảo luật quy định về ĐHQG nhưng lại không quy định về đại học vùng nữa trong khi luật trước đây vẫn quy định. Theo ông Đam, mô hình mà ban soạn thảo đưa ra cũng giải quyết được vấn đề này.
Phát biểu sau đó, ông Bình cho rằng, việc các trường đại học kết hợp với nhau để hình thành các tổ hợp đang là xu hướng. Như Philipines có ĐHQG với 17 trường đại học thành viên. Nhật Bản cũng thành lập tập đoàn ĐHQG với rất nhiều trường thành viên. Theo ông Bình, việc kết hợp để hình thành ĐHQG cũng không phải không có kết quả.
Nhiều trường thành viên đang muốn “ly khai”
Nhiều đại biểu cũng tán thành quán điểm cho rằng, không nên duy trì mô hình gồm trường đại học và đại học như hiện nay. Theo TS Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội, nên gọi chung tất cả các trường là đại học chứ không nên quy định có bao nhiêu ngành, bao nhiêu học sinh thì được gọi là đại học còn nhỏ hơn thì gọi là trường đại học để đảm bảo bình đẳng cho các trường.
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng phát biểu tại hội nghị sáng nay Ảnh Lê Hiệp
Ông Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, cho biết một số trường đại học thành viên ĐHQG và đại học vùng hiện nay đang muốn ly khai vì họ đang phải nuôi bộ máy trung gian quá cồng kềnh nhưng chưa có cách gì thoát ra được.
Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), sai lầm hiện nay là bất cứ thứ gì cũng nhìn vào quy mô mà không nhìn vào thực lực, chất lượng, xu thế phát triển, nhu cầu đất nước, người học.
“ĐHQG hiện nay nói đến thì hoành tráng nhưng trong lòng ĐHQG không phải trường nào, khoa nào cũng tốt”, ông Nhưỡng nói.
Phản biện lại ý kiến của ông Bình, đại biểu Nhưỡng cho rằng, sự liên kết của các trường đại học trên thế giới là liên kết mềm, dựa trên thực lực, tự chủ, tự nguyện còn ở ta là liên kết cứng bằng hành chính. Từ đó, theo ông Nhưỡng, chính việc tăng cường tự chủ cho các trường để tạo điều kiện cho họ liên kết chứ không nên bắt buộc họ liên kết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.