Miền Đông - vùng đất hào hùng trở mình hội nhập

07/11/2023 15:00 GMT+7

Miền Đông Nam bộ bao gồm các tỉnh, thành: Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Tây Ninh, TP.HCM. Trong lịch sử đấu tranh chống giặc, vùng đất này được xem là địa bàn chiến lược, căn cứ cách mạng nổi danh "miền Đông gian lao mà anh dũng".

Với tình yêu nước nồng nàn, tình quân dân kết chặt và cả những hy sinh cao cả, miền Đông đã đi vào những trang sử đấu tranh giữ nước hào hùng của dân tộc.

TP.HCM: cầu Sài Gòn - metro số 1

TP.HCM: cầu Sài Gòn - tuyến metro số 1

Ngọc Dương

Sau ngày 30.4.1975, vùng đất yêu thương miền Đông đi vào củng cố, xây dựng chính quyền cách mạng, hàn gắn vết thương chiến tranh, chung tay lao động, sản xuất theo con đường chủ nghĩa xã hội. Từ đó, nơi đây trở mình phát triển và được xem là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với nhiều lợi thế, tiềm năng đi vào hội nhập.

Điển hình là TP.HCM, thành phố mang tên Bác, hiện lên sức sống năng động, sáng tạo với nhiều đổi mới, là đầu tàu kinh tế, trên đà trở thành trung tâm tài chính quốc tế của đất nước. Hay, tỉnh Bình Dương từ một vùng hoang sơ, nghèo khó xưa kia đã trở mình phát triển với các khu công nghiệp nổi tiếng như: Mỹ Phước, Đồng An, Sóng Thần…; là nơi tạo việc làm cho người lao động khắp nơi trên cả nước.

Nói về phát triển công nghiệp thì Đồng Nai cũng nổi bật lên với nhiều khu công nghiệp lớn ở thành phố Biên Hòa cùng thế mạnh địa lợi "sơn thủy hữu tình". Hay, tỉnh thành mang nhiều nét đẹp thơ mộng như Bà Rịa-Vũng Tàu cũng phát triển nhanh chóng, từ một vùng đất hoang hóa nay khoác chiếc áo mới trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng với nhiều điểm đến thu hút du khách trong và ngoài nước.

Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam tại TP.Vũng Tàu

Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam tại TP.Vũng Tàu

Nguyễn Long

Những đặc điểm về thế mạnh trên đã tạo thành "tứ giác kinh tế Đông Nam bộ" năng động, sáng tạo của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như cả nước; là nơi thu hút nhiều nhà đầu tư trong khu vực Đông Nam Á.

Ngoài việc lấy trọng điểm phát triển kinh tế công nghiệp hóa - hiện đại hoá, miền Đông nổi bật lên nhiều nét đặc sắc trong lĩnh vực văn hóa; được xem là nơi giao thoa văn hóa nhiều vùng khác nhau như vùng núi - miền biển, cao nguyên và đồi, miệt rẫy - miệt vườn. Người dân nơi đây thì nghĩa tình, năng động, cởi mở, hòa nhập đa nguồn dân cư, tiếp biến với nhiều dòng mạch văn hóa mà vẫn giữ gìn, bảo vệ các giá trị cốt lõi - hòa nhập nhưng không quên cội nguồn.

Miền Đông là nơi có nguồn lực phát triển văn hóa dồi dào, đây là vùng đặc biệt hội đủ yếu tố "thiên thời - địa lợi - nhân hòa", nhiều di sản, di tích lịch sử có giá trị như Di tích lịch sử quốc gia Căn cứ Trung ương cục miền Nam, Khu Bảo tồn văn hóa dân tộc S'tiêng… Người dân nơi đây tiếp thu nhanh tinh hoa văn hóa của nhân loại, nổi bật với tư duy nhạy bén, năng động, linh hoạt phát triển, vận dụng sáng tạo tiến bộ kỹ thuật trong thời đại hội nhập.

Khu công nghiệp Biên Hòa 2

Khu công nghiệp Biên Hòa 2

Lê Lâm

Về văn hóa vật chất, dù không đứng ngoài quy luật tàn phá của thời gian, miền Đông vẫn lưu giữ được dấu ấn của một vùng trù phú. Từ việc tương ứng với địa hình tự nhiên, nơi đây cư dân cư trú đa dạng như: cư trú rừng, cư trú nhà vườn (nổi bật nếp sống phong lưu từ những căn nhà đinh ba gian bề thế, cổ kính hòa cùng thiên nhiên cây trái, vườn cảnh); cư trú dọc theo sông, rạch (sinh sống bằng nghề chài lưới, buôn bán, chuyên chở bằng đường thủy); cư trú trên cù lao (với môi trường sinh thái trong lành); cư trú trên giồng, đồi; cư trú quanh bờ suối với địa hình đất trũng, thấp, hoang vu; cư trú ven biển tạo thành những làng chài, xóm ven biển. Văn hóa vật chất đã tạo nên những lối sống đa dạng từ trang phục, ngôn ngữ đến nền ẩm thực muôn màu cho miền đất nơi đây.

Văn hóa tinh thần cũng phong phú, trong tín ngưỡng dân gian với nhiều cổ miếu, đình, chùa… được lập nên, là nơi bày tỏ lòng tôn thờ của con người đối với ân trên, như miếu thờ "sơn quân" ở trước sân đình, thể hiện dấu ấn tín ngưỡng của rừng núi với tục thờ thần hổ, thần sông, thần núi (ở các đình Hiệp Ninh, đình An Hòa ở Tây Ninh). Tục thờ các thế lực siêu nhiên mong độ trì con người của cư dân sinh sống ở miền biển thể hiện qua các lễ hội Nghinh Ông, Nghinh Cô…

Vùng đất hào hùng miền Đông từ thuở cha ông mở cõi đã vươn mình phát triển với bao chiến công, giá trị cao đẹp, trở thành một trong những vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. Ở nơi ấy tình đất, tình người rực sáng, hòa nhập với thời cuộc đổi mới của nước nhà ấy, tôi như cảm nhận rõ hơn bài hát Tình đất đỏ miền Đông của nhạc sĩ Trần Long Ẩn: "Trong đấu tranh người miền Đông anh dũng, trong lao động người lại cũng anh hùng. Mảnh đất ung dung cùng người chung sức mới, dang rộng chân trời rạng rỡ những mùa xuân…".

Cuộc thi viết Hào khí miền Đông do Báo Thanh Niên phối hợp cùng Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 tổ chức là cơ hội để độc giả chia sẻ tình cảm sâu đậm của bản thân về đất và người các tỉnh thành Đông Nam bộ (bao gồm Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Tây Ninh, TP.HCM), đồng thời đóng góp những cách làm hay, mô hình mới, tư duy sáng tạo, năng động của người miền Đông. Tác giả có thể gửi bài tham dự theo hình thức tản văn, tùy bút, ghi chép, phóng sự báo chí... để có cơ hội nhận các giải thưởng hấp dẫn với tổng trị giá đến 120 triệu đồng.

Bài dự thi vui lòng gửi về địa chỉ email haokhimiendong@thanhnien.vn hoặc gửi qua đường bưu điện về địa chỉ Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi Hào khí miền Đông). Cuộc thi sẽ nhận bài dự thi đến hết 15.11.2023. Bài viết được chọn đăng trên nhật Báo Thanh Niên và báo điện tử thanhnien.vn sẽ nhận được nhuận bút theo quy định của tòa soạn.

Thể lệ chi tiết vui lòng xem tại đây.

Miền Đông - vùng đất hào hùng trở mình hội nhập - Ảnh 5.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.