Mê chợ... đồ si

17/12/2017 09:44 GMT+7

Một cô gái trẻ lấy tấm bìa các tông, lấy bút màu vẽ mấy chữ 'đà si đâm' phía trước quầy hàng của mình. Khách ùn ùn kéo tới, một phần cũng bởi tò mò. Hóa ra, 'đà si đâm' là cách nói lái của từ 'đầm sida'.

Đồng giá 20.000 đồng
Ở chợ Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình, TP.HCM) đồ si không chỉ có đầm mà còn đồ jeans, áo khoác, ví, dây nịt (thắt lưng) bày bán la liệt. Phổ biến nhất là hàng áo sơ mi, áo thun, quần áo mặc ở nhà đổ đống, bán chỉ 20.000 đồng/chiếc. Mỗi người đến đây đều mua nhiều, hiếm người chỉ chọn 1 - 2 mặt hàng, do đó chủ cửa hàng để sẵn những chiếc giỏ bằng nhựa để ai mua gì sẽ cho vào đó, tiện cho việc tính tiền.
Nếu đến đây vào các ngày thứ bảy trong tuần, mọi người có thể chứng kiến cảnh “cắt kiện hàng”, tức là khui hàng mới về trong các kiện lớn. Người mua đứng vòng trong vòng ngoài, có khi nhiều người buôn quần áo của các vùng khác về tranh nhau gom đồ đẹp, không khéo sẽ cãi nhau như chơi.
Phương Anh, 21 tuổi, sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho biết mỗi lần đi chợ Hoàng Hoa Thám thường lựa hàng khoảng 1 tiếng, trong đó ưu tiên áo sơ mi, quần jeans. Không chỉ mua cho mình, Phương Anh mua và gửi về cho chị em họ ở Nghệ An. “Áo sơ mi chỉ 20.000 đồng/chiếc, quần jeans cũng 50.000 - 70.000 đồng/chiếc. Dù là hàng người ta đã mặc nhưng nếu biết lựa sẽ có nhiều cái đẹp và mới không kém gì ngoài tiệm mà giá rẻ”, Phương Anh nói.
Hạnh, 27 tuổi, đang sống ở Q.Tân Bình, TP.HCM thu nhập một tháng không dưới 15 triệu đồng, có một sở thích khó bỏ 2 năm nay là đi chợ đồ si cuối tuần. Chợ Hoàng Hoa Thám ngay gần nhà Hạnh, do đó, cô thường rủ bạn bè qua đây lựa đồ. Ngoài việc hàng đẹp, giá rẻ, mua quần áo si với Hạnh còn là niềm vui. “Cảm giác giữa một biển đồ mênh mông, sau một hồi đổ mồ hôi kiếm tìm bỗng thấy một cái áo quá ưng, thế là chộp mê mẩn, không nhanh người khác túm mất rất là khoái. Cảm giác đó đi mua trong shop không bao giờ có được”, Hạnh kể về lý do mê chợ đồ si.
Trong khi đó, với Ngân, 31 tuổi, đang làm việc tại Q.10, mỗi dịp cuối năm cô thường tới chợ đồ si để tìm áo khoác, gửi về quê Thái Bình cho người thân: “Áo khoác thường có giá 100.000 - 150.000 đồng/cái, chất liệu dày dặn. Tôi quan niệm “cũ người mới ta”, với 1 triệu đồng có khi tôi có thể mua được 8 chiếc áo cho người nhà mặc trong mùa rét”.
Tìm giày hàng hiệu trong chợ Bàn Cờ
Chợ Bàn Cờ, Q.3, TP.HCM thế mạnh về giày dép, ba lô, túi xách, dây nịt các loại. Giày thể thao, giày kiểu cho nam nữ chất thành đống, được bán giá chỉ từ 80.000 - 300.000 đồng/đôi.
Tại chợ Bàn Cờ, nếu chịu khó tìm kiếm, bạn trẻ cũng có thể tìm cho mình đôi giày với giá rất hời.
Phương Trang, 32 tuổi, làm việc trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Q.3 nói như reo khi vừa mua được 2 đôi giày thể thao ưng ý chỉ với giá 350.000 đồng. “Một đôi hiệu Nike, đôi kia hiệu Reebok, nhìn tem hàng và chất liệu, tôi đoán chúng đều là hàng VN xuất khẩu”, Trang nói về mặt hàng cô đã cất công hơn 1 tiếng đồng hồ trong chợ để tìm kiếm. “Ở ngoài tiệm lớn, một đôi giày ít nhất cũng phải 500.000 đồng, có đôi hơn 1 triệu đồng. Tôi thấy giày ở đây đẹp, bền, vừa túi tiền mình nên thường mua và giới thiệu cho bạn bè”, Trang nói thêm.
Một người chuyên mua giày ở các chợ si sau đó về bán lại cho các ki ốt tại Bình Dương cho hay hàng hóa của chợ đồ si có từ nhiều nguồn, hàng VN xuất khẩu hoặc hàng nhập theo kiện từ Hàn Quốc, Nhật Bản. Nếu may mắn, khách sẽ lựa được hàng “nước 1”, tức là mới mở kiện. Sau đó, các hàng nước 2, 3… hàng cũ hơn, chất lượng thấp hơn, sẽ được xả hàng với giá rẻ hơn, hoặc cho các đại lý các tỉnh ven thành phố.

tin liên quan

Chợ... nhậu sinh viên ở Làng Đại học
Khu chợ đêm làng đại học TP.HCM ngày càng xuất hiện nhiều hàng quán phục vụ việc ăn nhậu. Có những hàng quán trước đây chỉ thuần bán các món ăn, giờ cũng ưu tiên cho mồi nhậu...
Cả chợ Bàn Cờ cũng như chợ Hoàng Hoa Thám, hàng được ghi giá trên các tấm bìa và thường khó mặc cả, tuy nhiên, nếu mua nhiều, khách sẽ được bớt 10.000 - 20.000 đồng, cả chủ và khách đều cùng vui.
Nhiều bạn trẻ Sài Gòn cũng mách nhau địa chỉ nhiều đồ si khác như chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh), chợ đồ si Nhật Tảo (Q.10)… Song, nếu như chợ Nhật Tảo ít hàng hóa, chủ yếu là jeans, thì chợ Bà Chiểu có điểm trừ là chủ quán khá khó tính, dù ở đây hàng hóa khá phong phú và được treo lên thẳng thớm, không phải đổ đống. “Đừng dại đến chợ Bà Chiểu hỏi chơi mà không mua, dễ bị ăn chửi”, Hùng, 26 tuổi, khá có kinh nghiệm đi mua đồ si nói với tôi. Hùng cũng mách tôi bí quyết chọn đồ si đẹp: “Nên đi chợ ngày thường để không đông người, dễ lựa và mặc cả. Đừng quan tâm nhiều tới nhãn mác, chất liệu, màu sắc của sản phẩm sẽ nói lên nhiều điều hơn”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.