Mây che đỉnh núi - Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Hiên (Đắk Lắk)

05/11/2023 08:30 GMT+7

.

Hắn đang sắp xếp mấy thùng gỗ cuối cùng vào khoảng đất rộng đã được quây lại bằng tấm lưới đen. Bầy ong chuẩn bị về sau khi đã hút no nê mật hoa. Hằng năm, cứ đến mùa hè là hắn lại dời bầy ong của mình đi đâu đó mấy tháng. Năm nay, hắn quyết định đến đây. Nơi hắn chọn để dựng lều, đặt thùng ong là một rẫy keo lá tràm nhìn thẳng xuống một hồ sen rộng, nhìn qua bên kia là những dãy núi liền kề nhau, quanh năm mây trắng phủ kín đỉnh trong mỗi buổi sớm mai đẫm sương. Trong lúc nhàn rỗi, hắn thích lặng ngắm cảnh những đám mây hết đậm, rồi nhạt, rồi tan dần khi mặt trời bắt đầu xuất hiện và biến mất hoàn toàn khi nắng dần trở nên gay gắt. Thực ra, trừ những lúc bận bịu với bầy ong, với việc thu hoạch, rót mật vào những chiếc can lớn để chờ người đến lấy ra thì hắn đều rảnh bởi hắn chỉ có một mình. Nhà hắn cách đây gần cả trăm cây số. Hắn lang thang, bầu bạn với những chú ong bao lâu nay. Đã thành thói quen, mấy tháng xa nhà, hắn luôn trò chuyện với lũ ong dù biết chúng chẳng hiểu hắn đang nói chuyện gì. Tuy đã quen với việc không có ai bên cạnh nhưng hắn luôn sợ cảm giác cô độc. Đêm đến, nằm trong lều, hắn thấy rờn rợn trước loạt âm thanh của nơi rừng núi hoang vu và thưa vắng nhà cửa. Tiếng chim cú thả từng tràng trơ khấc, tiếng con mèo đến kỳ động dục kêu nghe như tiếng khóc của trẻ con, tiếng gió thổi cành cây kêu loạt soạt… luôn khiến hắn giật mình, hoảng hốt.

Mây che đỉnh núi - Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Hiên (Đắk Lắk) - Ảnh 2.

Minh họa: Tuấn Anh

Dạo này, có thằng bé nhà phía dưới hồ sen thường lân la lên chơi với hắn. Thằng bé còm nhom, da đen nhẻm, thường mặc độc một chiếc quần cộc màu nâu đậm. Thỉnh thoảng trời se se lạnh mới thấy nó khoác thêm chiếc áo phông in hình siêu nhân nhện mà màu đỏ tươi đã dần chuyển qua màu đỏ bầm, nhang nhác màu cháo lòng.

- Mày lên đây làm gì? Không sợ ong chích à? - Bữa đầu chú cháu gặp nhau, hắn đã hất hàm hỏi thằng bé như thế.

- Không. Ong chú nuôi là ong mật, hiền khô - Thằng bé đáp gọn lỏn.

- Ừ, nhưng tao không hiền - Hắn nheo mắt, thả câu nói như một lời đe dọa.

Thằng bé không nói gì nữa. Nó lẳng lặng đứng gọn vào một góc, tiếp tục nhìn hắn thu hoạch mật ong.

Lần lần hai chú cháu quen nhau hơn. Thằng bé giúp hắn mấy việc lặt vặt, còn hắn dăm ba hôm lại cho thằng bé ít mật ong còn thừa sau khi đã đóng dầy mấy chiếc can lớn. Lúc nào vui, hắn còn chỉ cho người bạn nhỏ cách vắt mật, cách phân biệt giữa ong chúa và ong thợ…

- Mày sống với ai dưới đấy? - Hắn đưa tay chỉ về căn nhà nhỏ lợp tôn nằm khép nép ở góc ao.

Nếu không nhìn từ trên cao xuống thì căn nhà đã bị che lấp bởi hồ sen đang vào kỳ hoa nở rộ. Màu hồng phủ kín mặt hồ lẫn với màu xanh biếc của lá sen. Hương sen thơm ngát bay lên tận trên này.

- Với bà cháu - Thằng bé đáp gọn.

- Bố mẹ đâu?

- Chết hết rồi.

Hắn lặng người. Thằng bé mới tầm mười tuổi, bằng tuổi đứa con trai thứ hai của hắn ở nhà. Nhỏ quá.

- Thế hai bà cháu kiếm sống bằng nghề gì?

- Bà đi làm thuê, ai thuê gì làm nấy. Mùa này, chiều chiều hai bà cháu lại tranh thủ đi lấy hạt sen về bán cho người ta.

Thảo nào, thằng bé chỉ đến chơi với hắn vào buổi sáng. Hắn đoán hai bà cháu cũng chẳng có ruộng nương gì. Một nơi rừng nối rừng, núi kề núi, đất đai toàn đá với sỏi bạc màu như thế này dù có ruộng nương cũng không ăn thua. Nếu không đi theo bầy ong, hắn cũng chẳng tới đây. Nơi này đẹp nhưng nghèo và buồn. Lâu lâu hắn cũng cuốc bộ xuống hồ sen, mua ít hạt sen về nhấm nháp. Hắn thường dặn bà cụ để cho hắn mấy đài sen mà hạt còn non, tim sen chưa đắng lắm. Loại ấy về không cần luộc, lột lớp vỏ ngoài ra là có thể ăn ngay. Vị sen thanh mát, ngọt dịu, tim sen mới hơi nhân nhẫn đắng tan trong miệng khiến hắn cứ say sưa bóc hết hạt này đến hạt khác, ăn hết một bát hạt sen lớn lúc nào chẳng biết. Có lần, thằng bé thấy thế cười tít mắt:

- Chú thích ăn hạt sen lắm à?

- Ngon mà.

- Cháu thấy cũng bình thường. Cháu thích ăn kẹo hơn.

- Có mấy cái kẹo nơi góc giường ấy. Mày vào lấy mà ăn.

Thằng bé chạy tót vào lều, lúc ra đã thấy má phồng lên, răng nhai rôm rốp.

- Chú bảo chú không hiền nhưng cháu thấy chú hiền khô mà.

Được một đứa trẻ khen hiền, hắn thấy vui vui. Hai đứa con của hắn ở nhà đều sợ hắn. Mỗi lần thấy hắn, mắt cứ lấm la lấm lét, tìm cách lỉnh đi. Hỏi gì cũng lí nha lí nhí. Có lẽ do hắn ít trò chuyện với chúng, quanh năm suốt tháng chỉ quanh quẩn, chú tâm vào bầy ong. Không chú tâm sao được khi đó là nguồn thu nhập chính của cả gia đình. Vợ hắn sức khỏe yếu, chỉ ở nhà nội trợ, chăm sóc con cái, lo chuyện chợ búa cơm nước hằng ngày. Vì thế hắn nghĩ, chắc trông mình dữ dằn lắm. Ai ngờ bây giờ lại được một đứa trẻ khen hiền nhờ mấy… viên kẹo. Hắn đã qua thời thích kẹo bánh, chỉ lâu lâu ăn một vài cái cho vui miệng chứ chẳng bổ béo gì. Hạt sen thì khác, giúp hắn đỡ mất ngủ. Giấc ngủ ngon khiến ban ngày tâm trạng hắn tốt lên trông thấy, công việc cũng thuận lợi. Dạo này, số mật vắt được nhiều hơn, đặc sánh, thơm lừng. Hắn là người không biết dùng mánh lới, số mật hắn bán cho người ta luôn là loại mật nguyên chất nhất. Cũng chẳng biết hắn ngủ ngon hơn là nhờ hạt sen hay nhờ cái vẻ lanh lợi, tíu tít của thằng bé nữa. Hai chú cháu ngày càng thân nhau, số lần thằng bé đến chơi nhiều hơn. Có lần, bà của thằng bé bảo hắn:

- May nhờ có chú, thằng bé mới không đi chơi dại lung tung. Tôi già rồi, mắt mũi kèm nhèm cũng chả theo sát nó được.

Hắn nghĩ tới những rừng keo lá tràm bạt ngàn. Nghe nói, vì đất cằn nên người ta trồng loài cây này. Người dân ở đây thường dọn sạch đất, đợi trời mưa xuống là trồng. Sau đó lúc cây còn nhỏ thì phát cỏ vài ba lần rồi để đấy, đợi ba bốn năm sau thu hoạch. Từ lúc trồng cho tới lúc thu hoạch chẳng cần chăm bón gì nhiều, cứ vứt đấy, kệ cây lớn lên. Thằng bé có khác gì cây keo lá tràm kia đâu. Nghĩ đi thì chạnh lòng nhưng nghĩ lại thì hắn thấy điều đó khiến cho cây cũng như người có một sức sống tự thân rất mãnh liệt và bền bỉ.

Thoáng cái, mấy tháng hè đã trôi qua. Dãy núi bên kia mây vẫn phủ một màu trắng mờ trên đỉnh vào sáng sớm. Hắn sắp không còn được ngắm cái cảnh ấy nữa rồi. Tự nhiên hắn thấy nhơ nhớ nơi này. Một nỗi lưu luyến không rõ từ đâu dần len lỏi vào tâm trí. Hình như nỗi nhớ nhà nhờ sự lưu luyến mà vơi bớt, không còn cồn cào, nhưng nhức như hồi mới đến.

Hắn gọi điện về nhà báo mình sắp về. Vợ hắn khoe đã mua sắm cho hai đứa con đầy đủ quần áo, sách vở, vật dụng để chuẩn bị cho năm học mới. Mùa hè kết thúc hắn cũng sẽ rời khỏi nơi đây. Mùa ong di cư năm nay thu nhập của hắn khá tốt, đủ để trang trải mấy tháng mùa mưa sắp tới, đóng tiền học cho con rồi mua sắm vài ba thứ cần thiết trong nhà. Hắn chẳng biết năm sau có còn quay trở lại đây hay không. Mải nghĩ, hắn không để ý thằng bé đã đứng sau lưng tự lúc nào.

- Chú sắp không ở đây nữa à?

Hắn gật đầu.

- Chú… cho cháu đi theo với.

- Mày theo tao làm gì?

- Cháu muốn đi nuôi ong với chú kiếm tiền phụ bà.

- Mày phải học chứ. Tí tuổi đầu, làm gì được.

- Cháu nghỉ học rồi. Nhà chả có tiền…

Hắn không nói gì nữa. Thực ra hắn cũng chẳng biết nói gì. Hắn bỗng thấy xót xa. Một đứa trẻ mà đã phải suy nghĩ về tiền, thấy được sức nặng của đồng tiền như thế thì cuộc đời sẽ biết buồn từ lúc còn sớm lắm. Chiều đó hắn xuống tìm bà của thằng bé. Hắn chờ mãi tới lúc rừng keo nơi hắn đặt bầy ong đã đen đặc lại, hồ sen chẳng còn phân biệt nổi đâu là lá, đâu là hoa mới thấy một bà cụ dáng người nhỏ, lưng còng, đội cái nón lá úp súp, che kín mặt bước vào sân. Trên tay đang bê một cái thúng đựng đầy đài sen. Hắn chạy lại bưng hộ cái thúng, để lên thềm.

- Sao nay chú xuống mua hạt sen muộn thế?

- Dạ, nay nhiều việc quá. Sao bà lại về một mình, thằng bé đâu?

- Nó còn tranh thủ câu ít cá về kho ăn cơm. Mấy hôm nay tôi ốm, không đi chợ được.

Đợi bà cụ rửa ráy chân tay xong, hắn khẽ hỏi:

- Cháu nghe thằng bé bảo nó nghỉ học?

Bà cụ lặng người. Dưới ánh điện vàng vọt hình như hắn thấy mắt bà cụ rơm rớm:

- Rõ khổ. Một bà một cháu bám víu vào nhau, ăn bữa nay lo bữa mai… Tôi cũng muốn cháu đi học cho nên người… nhưng cảnh nhà nghèo khó, lực bất tòng tâm.

- Cháu tưởng như nó đi học sẽ được miễn mọi khoản đóng góp…

- Ừ, thì vẫn được miễn đấy nhưng mấy hôm nay tôi ốm, cũng đã có tiền sắm sửa gì cho nó đâu. Chắc nó thấy thế, thương bà quá, nên là…

Hắn chào bà cụ ra về mà lòng nặng trĩu. Ra đến cổng hắn gặp thằng bé đang bước vội vàng, trên tay xách xâu cá. Hai chú cháu gật đầu chào nhau. Hắn đi nhanh ra đường, lần về lều của mình trong bóng tối đen kịt. Dạo này buổi đêm trời đã bắt đầu lành lạnh, hắn rùng mình vì một cơn gió ào qua.

Ngày hắn nhổ lều, rời đi cuối cùng cũng tới. Sáng hôm ấy, sương mù đầy trời. Sương mù rây nhẹ, mỏng như tơ, bám vào quần áo, tóc tai những hạt li ti. Dãy núi bên kia mây vẫn đang phủ kín một màu trắng xóa. Thằng bé đến từ sớm, khuôn mặt buồn thiu. Vừa giúp hắn cuộn lưới vừa hỏi dò:

- Chuyện hôm bữa cháu nói với chú…

- Chuyện gì?

- Cháu có thể đi theo chú để…

Không đợi nó nói hết câu, hắn quay lưng, bước lại nơi đang để ngổn ngang vật dụng cá nhân của mình. Một lúc sau đến trước mặt thằng bé:

- Chú bảo này…

- Dạ? - Thằng bé đang thắc mắc sao nay hắn lại xưng hô lịch sự thế với mình thì hắn nói tiếp:

- Mày còn nhỏ, phải đi học để sau này còn lo cho bà. Nếu không, hai bà cháu cứ nghèo, cứ vất vả mãi đấy. Ngày trước chú cũng không được học hành đến nơi đến chốn, cứ tiếc mãi.

- Nhưng…

- Không nhưng nhị gì cả. Chú có mua cho mày cái cặp, bộ quần áo mới, bộ sách giáo khoa và ít quyển vở đây. Cố gắng lo học hành cho giỏi, đừng để bà buồn, biết chưa?

Trên tay hắn là một chiếc cặp mới tinh có hình siêu nhân nhện in nổi bên ngoài. Mấy thứ khác hắn đều cất gọn vào trong đấy. Hắn giúi vào tay thằng bé, lúc này mặt đang nghệt ra vì bất ngờ. Bất ngờ đi qua thì thằng bé muốn khóc. Đôi mắt trong veo ầng ậc nước. Nó không hiểu sao một người mới chỉ quen nó mấy tháng lại tốt với nó như thế? Thực ra, nó thích đi học lắm nhưng nhìn bà vất vả, nó chẳng đành lòng. Bây giờ làm sao nó có thể khiến mọi người thất vọng được…

- Cháu… Cháu cảm ơn chú. Cháu sẽ đi học.

- Ơn huệ gì. Coi như chú trả công mày mấy tháng nay đã giúp chú việc này việc kia. Thôi, về đi, chuẩn bị mà đến trường kẻo lại nhỡ hết việc. Chú cũng chuẩn bị đi đây, xe sắp tới rồi. À, trong đó chú có ghi số điện thoại của chú. Hôm nào cần thì cứ gọi, nhé.

Thằng bé ôm chặt chiếc cặp như ôm báu vật, chào hắn. Đi được một quãng nó ngoái lại:

- Năm sau chú có trở lại đây nữa không?

Hắn cười, phẩy tay ra hiệu thằng bé về đi, không đáp.

Hắn có trở lại đây nữa không? Hắn chẳng biết. Có thể có cũng có thể không. Dù gì đó cũng là chuyện của tương lai.

Mặt trời đã lên cao, sương tan gần hết. Mây cũng đã bay đi, chỉ còn phủ một lớp tơ mỏng manh trên đỉnh núi phía xa. Hắn đăm chiêu nhìn khắp nơi. Chốn này buồn, nghèo nhưng cũng thật đẹp. Hắn ngửi thấy hương sen từ dưới hồ kia bay lên thoang thoảng. Đã vào cuối mùa nên hương sen chẳng còn thơm đậm đà như dạo trước. Bên góc hồ sen, nắng chiếu lấp lóa lên mái tôn của ngôi nhà nhỏ. Chắc hẳn giờ này thằng nhỏ đang mặc thử bộ quần áo mới, sắp xếp sách vở để chuẩn bị tựu trường…

Mây che đỉnh núi - Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Hiên (Đắk Lắk) - Ảnh 3.

Thể lệ

Sống đẹp với tổng giải thưởng lên đến 448 triệu đồng

Với chủ đề Trái tim yêu, bàn tay ấm, cuộc thi Sống đẹp lần thứ 3 là sân chơi hấp dẫn cho các nhà sáng tạo nội dung trẻ. Bằng việc đóng góp những tác phẩm thể hiện thông qua các loại hình như bài viết, ảnh, video... có nội dung tích cực, nhiều cảm xúc cùng cách trình bày hấp dẫn, sinh động phù hợp với các nền tảng khác nhau của Báo Thanh Niên.

Thời gian nhận bài: từ 21.4 - 31.10.2023. Ngoài hình thức ký sự, phóng sự, ghi chép, truyện ngắn, năm nay còn mở rộng thêm hạng mục dự thi gồm ảnh và video trên YouTube.

Cuộc thi Sống đẹp lần thứ 3 của Báo Thanh Niên đề cao các dự án cộng đồng, hành trình thiện nguyện, việc làm tốt của các cá nhân, doanh nhân, tập thể, công ty, doanh nghiệp trong xã hội và đặc biệt là đối tượng các bạn trẻ ở thế hệ gen Z hiện nay nên có riêng một hạng mục dự thi do ActionCOACH Việt Nam tài trợ. Sự xuất hiện của các khách mời đang sở hữu tác phẩm nghệ thuật, văn chương, nghệ sĩ trẻ được người trẻ yêu mến cũng giúp cho chủ đề của cuộc thi lan tỏa một cách mạnh mẽ, tạo sự đồng cảm của giới trẻ.

Về bài viết dự thi: Các tác giả có thể tham gia theo hình thức ký sự, phóng sự, ghi chép, phản ánh câu chuyện người thật, việc thật và bắt buộc phải có hình ảnh nhân vật kèm theo. Bài viết thể hiện nội dung về một nhân vật/tập thể đã có những hành động đẹp, thiết thực giúp đỡ cá nhân/cộng đồng, lan tỏa những câu chuyện ấm áp, nhân văn, tinh thần sống lạc quan, tích cực. Riêng truyện ngắn dự thi, nội dung có thể sáng tác từ câu chuyện, nhân vật, sự việc… sống đẹp có thật, hoặc hư cấu. Bài viết dự thi được viết bằng tiếng Việt (hoặc tiếng Anh đối với người nước ngoài, ban tổ chức đảm nhận việc chuyển ngữ) không quá 1.600 chữ (riêng truyện ngắn không quá 2.500 chữ).

Về giải thưởng: Cuộc thi có tổng giá trị giải thưởng gần 450 triệu đồng.

Trong đó, ở hạng mục bài viết ký sự, phóng sự, ghi chép có: 1 giải nhất: trị giá 30.000.000 đồng; 2 giải nhì: mỗi giải trị giá 15.000.000 đồng; 3 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng; 5 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng.

1 giải bài viết được bạn đọc yêu thích (bao gồm lượt xem và lượt like trên Thanh Niên Online): trị giá 5.000.000 đồng.

Với thể loại truyện ngắn: Giải thưởng dành cho tác giả có truyện ngắn dự thi: 1 giải nhất: trị giá 30.000.000 đồng; 1 giải nhì: trị giá 20.000.000 đồng; 2 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng; 4 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 5.000.000 đồng.

Ban tổ chức còn trao 1 giải thưởng dành cho tác giả có bài viết về doanh nhân sống đẹp: trị giá 10.000.000 đồng và 1 giải thưởng dành cho tác giả viết về 1 dự án thiện nguyện nổi bật của nhóm/tập thể/doanh nghiệp: trị giá 10.000.000 đồng.

Đặc biệt, ban tổ chức sẽ chọn ra 5 nhân vật được vinh danh do ban tổ chức bình chọn: trao tặng 30.000.000 đồng/trường hợp; cùng rất nhiều giải thưởng khác.

Bài, ảnh và video tham gia dự thi, bạn đọc gửi về địa chỉ: songdep2023@thanhnien.vn hoặc qua đường bưu điện (Chỉ áp dụng cho hạng mục dự thi Bài viết và Truyện ngắn): Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ: Tác phẩm tham dự cuộc thi SỐNG ĐẸP lần 3 - 2023). Thông tin và Thể lệ chi tiết được đăng trên chuyên trang Sống đẹp của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.