Màu của miền Tây

30/09/2022 09:30 GMT+7

Mỗi khi nhớ về miền Tây không hiểu sao trong tôi luôn hiện lên sắc tím của đóa hoa lục bình trôi trên dòng nước.

Cái hình ảnh nhỏ nhoi cam phận buông trôi tựa như thân phận của những con người bị dòng đời xô đẩy, không có sức phản kháng mà chỉ biết kết với nhau thành từng mảng, từng mảng, để tồn tại mưu sinh. Xuôi dòng Mê Kông xuống Việt Nam rồi đổ ra biển Đông theo sông Cửu Long chín nhánh, đâu đâu cũng gặp những vạt lục bình nhấp nhô, bập bềnh theo sóng nước. Nhất là mùa nước nổi, khi bề mặt đồng bằng nhỏ bé hóa mênh mông, cái sự nổi trôi của lục bình lại càng khiến con người phải suy ngẫm.

Miền Tây nếu thiếu lục bình thì sao có thể có "đóa hoa tím trôi, dòng sông nước chảy liu riu anh thấy em nhỏ xíu anh thương..."

gia khiêm

Thủa bé về quê ngoại thấy bà hay lội ao vớt bèo tây về cho heo ăn. Những đám bèo xanh thẫm, rễ bùi nhùi đen đúa, lấp ló vài con cua dăm con ốc bám vào làm đám trẻ con rất chú ý. Thân bèo phình to rồi thắt lại phía trên để mở ra tiết diện lá tròn, mép lá như lượn sóng. Đám trẻ cứ tưởng tượng ra rằng đó là những con búp bê do thiên nhiên tạo ra. Thân bóp bóp mềm xốp rất thú vị. Đám bèo tây này khác bèo ta, bèo hoa dâu hay bèo tấm, chúng to lớn dị thường. Sự có mặt của chúng khiến cái ao nhỏ trở nên chật chội, bù lại đến mùa sinh sản, chúng nở ra những đóa hoa tím đẹp mê hồn. Từng bông hoa lồng xếp lên nhau thành một đóa, mỗi cây bèo trưởng thành chỉ có một lần nở hoa như vậy. Bèo không sống đơn thân mà thường cộng sinh thành một cụm, từ đó mà sinh sôi nên trong đám bèo cầm lên sẽ thấy cả bèo mẹ bèo con bèo anh bèo chị, rất giống một gia đình. Bèo tây là tên dân gian nôm na ngoài Bắc, vào trong Nam chúng được biết nhiều với cái tên lục bình, có lẽ phần vì màu xanh phần vì hình dáng giống cái lọ lục bình (hay lộc bình) hay để cắm hoa. Cái mũ vải "mềm như một bàn tay" của quân giải phóng miền Nam cũng được gọi yêu thương là "mũ tai bèo", rất đậm đà hồn dân tộc.

Thật là đúng hoàn cảnh. Vào lúc vẩn vơ nghĩ về cuộc sống bèo - lục bình thì tôi đang ngồi bên bờ sông Bảo Định ở Mỹ Tho, vỏ lãi chạy tới chạy lui, nước đang mùa về nhiều, dòng trôi lấp loáng, thấp thoáng từng cụm lục bình ngạo nghễ hướng ra biển cả. Lại nhớ anh Trần Tiến với câu đùa hơi sến nhưng chân thành "bằng lòng đi em về với quê anh, một dòng sông xanh, một cù lao xanh...", những nét quen thuộc của miền Tây với con thuyền ba lá, với cầu tre lắt lẻo, với điệu hò câu hát giao duyên, với tóc dài chấm lưng thon lí lắc cười sau vầng nón ... miền Tây mùa nước nổi với đủ sắc thái hấp dẫn con người, có lẽ, không nơi nào có được. Trong không gian đa sắc ấy, nhẽ đâu lại thiếu sắc lục bình.

Ngắm những cụm hoa lục bình tím trôi, sao mà giống hình ảnh những người miền Tây sông nước, đong đầy những nét lo toan vất vả, mặc dù trọn kiếp dầm mưa dãi nắng nhưng họ vẫn giữ niềm thủy chung với dòng nước lênh đênh, như tình người chân chất với nhau vậy. Cái màu tím thủy chung còn gợi lên sự mạnh mẽ của người phụ nữ miền Tây, dù gặp những lúc bão táp mưa mù vẫn xanh tươi và đẹp sắc phù sa, dám nhận kiếp lênh đênh mà gắn bó với những dòng sông, lặng thầm tuôn chảy. Nhưng, mạnh mẽ đấy mà cũng mong manh đấy, vì khi dòng nước không còn là bệ đỡ, vào lúc lục bình bị nhấc ra khỏi dòng sông thì đấy cũng là lúc tàn đời. Phải chăng đó cũng chính là ý nghĩa và thông điệp cho sự mỏng manh của đời kiếp lục bình phải gắn liền với phận số lênh đênh, chỉ đẹp khi được ngắm nhìn, qua dập dềnh sóng nước, như lời thơ xưa, nhức nhối nỗi cảm hoài.

Thương thân em cả một đời trôi nổi

Mãi lênh đênh không mỏi bước sông hồ

Đời bềnh bồng xuôi con nước nhấp nhô

Mặc ngày tháng đẩy xô theo sóng bạc (thơ khuyết danh)

Dọc ngang miền Tây, sông nước thuyền ghe tấp nập, lại nhớ lần đi chơi dọc kênh Chợ Gạo với chú Tư, lắm khi rễ lục bình vướng vào chân vịt máy đuôi tôm, khiến chú Tư có dăm câu phàn nàn, nhưng đến cuối chiều, khi con nước lớn, chú ngồi buông câu dưới đám cây bần, lại hít hà xuýt xoa rằng nếu không có đám lục bình này thì cá tôm chắc hẳn không còn vì nước kênh ô nhiễm, may có đám lục bình giúp thải lọc mang lại niềm vui theo từng nhịp mưu sinh.

Miền Tây nếu thiếu lục bình thì sao có thể có "đóa hoa tím trôi, dòng sông nước chảy liu riu anh thấy em nhỏ xíu anh thương..." (như lời bài hát của Trần Tiến), để người đi cứ hoài hoài nhớ, hoài hoài thương, hương đất và tình người xứ xuồng ghe giản dị, chân tình và nồng ấm. Vì thế nếu được diễn tả mỗi quê hương bằng một sắc màu thì tôi sẽ chọn cho miền Tây cái màu tím hoang hoải lênh đênh sóng gió của lục bình, để yên bình trong đêm trăng non đầu tháng, gió thổi vi vu, để thả lòng nghe lại tiếng ầu ơ ví dầu cầu ván, để trái tim mình thổn thức theo nhịp trống hoài lang...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.