Lý giải nguyên nhân hầm đi bộ Bình Thuận xuống cấp, mất an ninh

Đình Sơn
Đình Sơn
20/07/2023 16:59 GMT+7

Ngay sau khi Báo Thanh Niên có bài viết: 'Bí mật' dưới các hầm bộ hành ở Bình Chánh, phản ánh tình trạng mất an toàn, xuống cấp tại đây, Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ đã có phản hồi.

Theo ông Phạm Minh Hải, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (Trung tâm), các hầm đi bộ tại khu vực nút giao thông Bình Thuận (huyện Bình Chánh, TP.HCM) được Sở Giao thông Vận tải phân cấp cho Trung tâm (trước đây là Khu Quản lý giao thông đô thị số 4) quản lý, khai thác từ năm 2012 cho đến nay.

Đối với tình trạng sụt lún, nứt tường hầm so với mặt nền xung quanh hầm, đơn vị này lý giải: Trong thời gian qua, Trung tâm đã thường xuyên thực hiện duy tu, sửa chữa các hư hỏng liên quan đến việc lún nứt phần tường hầm với hệ thống mặt nền xung quanh mặt hầm. Tuy nhiên, do trước đây hệ thống mặt nền đường xung quanh mặt hầm được xây dựng trên nền đất yếu nên thường xuyên xảy ra tình trạng lún nứt nêu trên. Theo kế hoạch, Trung tâm sẽ tiếp tục thực hiện việc sửa chữa các hư hỏng xung quanh các hầm chui trong quý 3/2023.

Lý giải nguyên nhân hầm đi bộ Bình Thuận xuống cấp, mất an ninh - Ảnh 1.

Hầm đi bộ rất ít người sử dụng, người dân chọn cách băng qua đường

ĐÌNH SƠN

Đối với tình trạng mất an ninh trật tự tại khu vực hầm, Trung tâm cho biết, trong thời gian vừa qua, thường xuyên có tình trạng mất vệ sinh môi trường (do người dân phóng uế, tiểu tiện), mất an ninh trật tự tại khu vực hầm. Thậm chí, ngày 10.2.2023 có 3 đối tượng mang theo hung khí (dao và mã tấu) đe dọa, uy hiếp nhân viên trực gác hầm chui BT3 - nút giao thông Bình Thuận, cướp đi một khung lan can thép của cầu thang đi bộ tại nhà chờ bên phải hướng cầu Bình Điền đi Long An. Sau sự việc, ngày 20.2.2023, Trung tâm đã có công văn đề nghị Công an huyện Bình Chánh hỗ trợ xử lý tình trạng trộm cướp, mất an ninh trật tự tại khu vực các hầm chui này.

Đối với tình trạng thấm nước trong hầm, Trung tâm cũng đã lắp đặt hệ thống máng và ống dẫn nước từ vị trí thấm để dẫn nước xuống rãnh thoát nước của hầm (đã nhiều lần sửa chữa thay thế). Tuy nhiên, do trong quá trình sử dụng rong rêu bám vào thành ống dẫn nước làm hạn chế khả năng thoát nước nên thấm vào tường. Hiện, Trung tâm đã thực hiện sửa chữa máng thu nước và vệ sinh ống dẫn nước để đảm bảo thoát nước, hạn chế tối đa tình trạng nước thấm vào tường và chảy xuống sàn mặt hầm.

Lý giải nguyên nhân hầm đi bộ Bình Thuận xuống cấp, mất an ninh - Ảnh 2.

Một người đàn ông vô tư giăng võng ngủ ngay cửa hầm

ĐÌNH SƠN

Để khắc phục triệt để việc thấm nước tại các hầm đi bộ này, hiện nay Trung tâm đã triển khai lập đề cương, dự toán công tác kiểm định, đánh giá mức độ hư hỏng trình Sở Giao thông Vận tải phê duyệt phương án sửa chữa trong năm 2023.

Trước đó Báo Thanh Niên đã có bài viết phản ánh cụm hầm gồm 3 hầm dành cho người đi bộ qua đường, đoạn Quốc lộ 1 giao với đại lộ Nguyễn Văn Linh được xây dựng hàng trăm tỉ đồng để phục vụ người dân, giúp người dân thuận tiện qua lại, hạn chế rủi ro. Thế nhưng, nhiều năm nay, bất chấp nguy hiểm, đa số người dân chọn cách băng qua đường với rất nhiều xe cộ khiến cụm hầm bị bỏ hoang, xuống cấp rất lãng phí. Thậm chí ,cửa hầm còn được tận dụng... treo võng ngủ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.