Luật sư tranh biện với Viện kiểm sát về tội của bị cáo Đinh La Thăng

15/01/2018 18:45 GMT+7

Chiều nay, 15.1, tại phiên tòa xét xử vụ án xảy ra tại PVN và PVC, luật sư tiếp tục tranh luận với phần đối đáp mà đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đưa ra tại tòa vào sáng cùng ngày.

Hợp đồng tạm ứng 6%, bị cáo Đinh La Thăng chỉ đạo tạm ứng 10%
Luật sư Nguyễn Huy Thiệp bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng cho rằng, bị cáo Thăng hoàn toàn không biết nội dung hợp đồng EPC số 33 là trái quy định pháp luật bởi lẽ, thẩm quyền ký hợp đồng EPC số 33 là việc của chủ đầu tư (PVPower) và nhà thầu (PVC). Tuy nhiên, đây là dự án trọng điểm quốc gia, với sức ép tiến độ, bị cáo Thăng đã chỉ đạo quyết liệt về tiến độ.
"Nếu với dự án tính cấp bách, quan trọng như thế này mà nhất nhất các thủ tục tuần tự chờ thủ tục này xong rồi mới đến thủ tục kia thì không hiệu quả. Vì vậy, có thể song song thực hiện nhiều nội dung miễn là đạt được hiệu quả", luật sư Thiệp lập luận.
Từ đó, luật sư cho rằng, những thiếu sót, sai sót trong hợp đồng EPC số 33 không thuộc trách nhiệm của bị cáo Đinh La Thăng vì bị cáo Đinh La Thăng đại diện Hội đồng thành viên ban hành nghị quyết. "Chưa có tài liệu nào chứng minh ông Đinh La Thăng chỉ đạo ký hợp đồng 33 bất chấp quy định của pháp luật như quy kết của Viện kiểm sát", luật sư Thiệp nói.
Luật sư Thiệp dẫn chứng, trong kết luận chỉ đạo tại cuộc họp 1.6.2011, bị cáo Đinh La Thăng đã chỉ đạo tạm ứng cho nhà thầu là PVC 10% giá trị hợp đồng, trong khi trên hợp đồng chỉ là 6%. Điều này cho thấy, bị cáo không biết nội dung của bản hợp đồng này, vì nếu biết đã không chỉ đạo như thế. "Không biết nội dung hợp đồng thì làm sao nói rằng biết rằng hợp đồng sai phạm mà vẫn chỉ đạo ký kết được", ông Thiệp lập luận.
Về khoản tiền tạm ứng vốn, luật sư cho rằng, quan điểm của Viện kiểm sát là nếu số tiền này không tạm ứng thì có thể gửi ngân hàng lấy lãi, tuy nhiên, không có căn cứ nào cho phép doanh nghiệp sử dụng ngân sách nhà nước được giao để gửi vào ngân hàng để hưởng lãi, trong khi tiền này nằm trong tài khoản thanh toán.
Đề nghị xem xét cáo buộc về lợi ích nhóm tại PVN và PVC
Đối với vấn đề lợi ích nhóm ở PVN và PVC mà đại diện Viện Kiểm sát cáo buộc, luật sư bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng cho rằng, đây là vấn đề phát sinh trong quá trình luận tội, trước đó chưa được thể hiện trong cáo trạng cũng như kết luận điều tra.
Luật sư Nguyễn Huy Thiệp cũng lập luận: Viện Kiểm sát cho rằng, ông Vũ Đức Thuận và ông Trịnh Xuân Thanh được bị cáo Đinh La Thăng cất nhắc, bổ nhiệm cho nên có ưu ái và vì thế lãnh đạo PVN đã ưu ái chỉ định PVC làm tổng thầu dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, nhưng "Có căn cứ nào để xác định việc cất nhắc, bổ nhiệm cán bộ mà bị cáo Đinh La Thăng có lợi trong đó hay không? Quy trình bổ nhiệm, cất nhắc có gì sai hay không?", luật sư đặt câu hỏi.
Ông Thiệp cũng đặt vấn đề, nếu quy kết là lợi ích nhóm xuất phát từ việc này cũng cần chỉ ra, lợi ích gì, cho nhóm nào. "Lợi ích cho các bị cáo? Để rồi cuối cùng 3 ông ngồi đây? Hay là lợi ích cho doanh nghiệp? Nếu là lợi ích cho doanh nghiệp thì tốt chứ sao?", luật sư nói.
Từ đó, ông Thiệp cho rằng, nếu lập luận vì bị cáo Đinh La Thăng cất nhắc bổ nhiệm bị cáo Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận mà ưu ái chỉ định thầu cho PVC là suy đoán không dựa trên bất kỳ trên căn cứ nào. Đây là điểm có sự quy kết và cần phải được quan tâm, xem xét.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.