Lợi ích kép khi sản xuất xi măng bằng tro, xỉ nhiệt điện

Lê Quân
Lê Quân
29/04/2022 10:48 GMT+7

Bên cạnh việc sử dụng bùn thải sông Tô Lịch , chất thải công nghiệp… thì tro, xỉ từ nhà máy nhiệt điện cũng đang được ngành sản xuất xi măng đẩy mạnh tái chế thành xi măng. Giải pháp này vừa có thể hạ giá thành lại vừa bảo vệ được môi trường.

Dùng tro, xỉ chất lượng xi măng không giảm

Ông Phạm Văn Nhận, Thành viên Hội đồng thành viên Tổng công ty xi măng Việt Nam (VICEM), cho biết tháng 8.2018, Thủ tướng có quyết định số 1226 phê duyệt Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050, trong đó, chú trọng sử dụng vật liệu tái chế theo xu hướng kinh tế tuần hoàn.

Nhà máy xi măng Bút Sơn ở Hà Nam thuộc VICEM

ViCEm

Thực hiện theo quyết định của Thủ tướng, từ năm 2019, VICEM đẩy mạnh thay đổi, nắm bắt, làm chủ công nghệ đưa tro, xỉ, chất thải công nghiệp, bùn thải vào làm nguyên, nhiên liệu sản xuất xi măng. Qua thời gian thử nghiệm cho kết quả thành công, VICEM đang gia tăng thêm tỷ lệ sử dụng các nguyên, liệu vốn là chất thải để thay thế các nguyên, nhiên liệu truyền thống.

Đặc biệt về tro, xỉ, trong năm 2021 VICEM đã sử dụng khoảng 2,6 triệu tấn làm nguyên liệu sản xuất xi măng. Kế hoạch năm 2022, toàn VICEM sẽ sử dụng khoảng hơn 3 triệu tấn, tương đương với tỷ lệ là 11,5%.

Bên cạnh đó, VICEM cũng nghiên cứu, sử dụng thạch cao nhân tạo để thay thế thạch cao tự nhiên. Năm 2020 lượng thạch cao nhân tạo sử dụng là 25.000 tấn. Năm 202 thực hiện là 122.000 tấn tăng gần 100.000 tấn so với năm 2020. Riêng tại VICEM Sông Thao đã sử dụng thạch cao nhân tạo thay thế 100% thạch cao tự nhiên.

Bãi tro, xỉ của Nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả (Quảng Ninh) gần vịnh Bái Tử Long

lã nghĩa hiếu

Theo ông Nhận, điều rất đáng mừng là VICEM đã từng bước nâng tỷ lệ sử dụng chất thải, trong đó có tro, xỉ nhà máy nhiệt điện vào làm nguyên, nhiên liệu nhưng chất lượng sản phẩm xi măng không bị ảnh hưởng.

Đồng thời, hạ được giá thành sản xuất, tạo ra thêm lợi nhuận cho sản xuất xi măng. Chưa kể, khi làm chủ công nghệ sản xuất xi măng mới, VICEM sẽ mở ra giải pháp xử lý các bãi chất thải tro, xỉ tại các nhà máy nhiệt điện.

Có thể nói, sản xuất xi măng “thèm” tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện. Tuy nhiên, không phải loại tro, xỉ nhiệt điện nào cũng có thể đưa vào làm nguyên, nhiên liệu sản xuất xi măng.

Khuyến khích công nghiệp tái chế, kinh tế tuần hoàn

Lãnh đạo Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, cả nước có 29 nhà máy nhiệt điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV)… và một số đơn vị khác đang hoạt động.

Trong năm 2021, tổng lượng tro, xỉ thải từ các nhà máy nhiệt điện khoảng 16 triệu tấn. Lượng phát thải tập trung nhiều ở khu vực miền Bắc với 64%, miền Trung khoảng 25% và miền Nam khoảng 11% tổng lượng phát thải.

Vụ Vật liệu xây dựng cho biết tro, xỉ được sử dụng nhiều trong san lấp, phụ gia cho xi măng, phụ gia cho bê tông tại các công trình thuỷ lợi, giao thông… Lượng tiêu thụ tro, xỉ cũng đang tăng lên qua từng năm. Tuy nhiên, để gia tăng tỷ lệ tro, xỉ được tái sử dụng, thì sản xuất xi măng là ngành có tiềm năng lớn.

Để tro, xỉ thành nguyên, vật liệu sản xuất xi măng nhiều hơn thì cần giảm được chi phí vận chuyển đến nhà máy xi măng mới tạo ra sự hấp dẫn về chi phí. Đơn cử như Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1, 2, 4 cách rất xa các nhà máy sản xuất xi măng, dẫn đến chi phí vận chuyển lớn.

Bãi tro, xỉ của Nhà máy nhiệt điện Mông Dương ở Quảng Ninh

lã nghĩa hiếu

Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân là các nhà máy nhiệt điện chưa thực hiện phân loại riêng biệt tro và xỉ gây khó khăn cho việc xử lý và sử dụng tro, xỉ làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất xi măng.

Do nhiều nguyên nhân, tổng lượng đã tiêu thụ cộng dồn qua các năm hiện vẫn chỉ đạt khoảng 48% so với tổng lượng phát thải từ trước đến nay. Lượng tro, xỉ nhiệt điện vẫn còn tồn đọng tương đối nhiều, khoảng hơn 48 triệu tấn.

Theo lãnh đạo Vụ vật liệu xây dựng, các tiêu chí, hành lang pháp lý để đưa tro, xỉ thành nguyên liệu sản xuất xi măng đã khá đầy đủ, vấn để ở khâu thực hiện. Cụ thể, Bộ Xây dựng đưa ra 19 tiêu chuẩn, 1 quy chuẩn và 7 chỉ dẫn kỹ thuật, 3 định mức kinh tế kỹ thuật. Hiện tiếp tục giao Viện Vật liệu xây dựng hoàn thiện Tiêu chuẩn quốc gia TCVN về "xỉ phốt pho cho sản xuất xi măng và bê tông", dự kiến hoàn thiện và ban hành trong năm 2022.

Đồng thời, cũng có văn bản chỉ đạo các nhà máy xi măng, trạm nghiền xi măng tăng cường nghiên cứu và sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu, phụ gia trong quá trình sản xuất.

Bên cạnh đó, Bộ KH-CN đang tiếp tục ưu tiên, hỗ trợ triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ về nghiên cứu sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu phục vụ các ngành, lĩnh vực sản xuất.

Đại diện Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) cho biết, pháp luật ngành tài nguyên môi trường hiện đã rất cởi mởi, cơ chế khuyến khích hỗ trợ đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, để đẩy mạnh sử dụng tro, xỉ làm nguyên liệu sản xuất xi măng, các đơn vị cần đảm bảo các điều kiện nhất định chứ không phải loại tro, xỉ nào cũng đưa vào làm xi măng được.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.