Lo chính sách tín dụng không giúp người giỏi vào sư phạm

Lê Hiệp
Lê Hiệp
13/06/2018 08:48 GMT+7

Đề xuất chính sách tín dụng cho sinh viên ngành sư phạm thay thế chính sách miễn học phí nhận được nhiều tranh luận từ các đại biểu Quốc hội khi góp ý dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục.

Băn khoăn tính công bằng
Đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) nêu vấn đề: “Chúng ta đã có chính sách miễn giảm học phí cho ngành sư phạm (SP) gần 20 năm nhưng hiệu quả không cao vì học phí chỉ là một phần chi phí của người học, không phải vấn đề quyết định sinh viên (SV) có hay không theo học SP và ra trường thì có việc làm trong ngành SP hay không”.
Lương thầy cô giáo như thế nào và chính sách tuyển dụng giáo viên mới là gốc của vấn đề. Giải quyết được vấn đề này thì việc thu hút người giỏi vào ngành sư phạm mới khả thi
Đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ)
“Theo tôi, lương thầy cô giáo như thế nào và chính sách tuyển dụng giáo viên mới là gốc của vấn đề. Chỉ giải quyết được vấn đề này thì việc thu hút người giỏi vào ngành SP mới khả thi”, đại biểu Phương nói tiếp.
Nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn về tính công bằng của chính sách tín dụng đối với SV ngành SP. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Tuyến (Tiền Giang) nêu ví dụ: Hai SV cùng vay vốn, cùng vào học ngành SP và cùng mong muốn sau khi ra trường được làm việc trong ngành giáo dục. Tuy nhiên, một em sau khi tốt nghiệp xin được việc làm trong ngành giáo dục, phục vụ cho ngành đủ thời gian theo quy định và không phải hoàn trả khoản vay này. Trong khi đó, em còn lại không xin được việc làm trong ngành, buộc lòng phải làm các việc khác thì sẽ phải chật vật kiếm tiền để trả khoản vay này.
“Vô hình trung việc trả khoản vay này như một chế tài đối với người không làm việc trong ngành giáo dục hoặc làm không đủ thời gian. Vì vậy, tôi cho rằng cần cân nhắc lại quy định này, nhất là khi hiện nay chúng ta cũng chưa thể đảm bảo được tốt nhất việc làm cho SV ngành SP sau khi tốt nghiệp”, đại biểu Tuyến nêu.
Lo nợ xấu
Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) cũng không đồng tình với chính sách này vì cho rằng việc cho vay tín dụng đối với SV ngành SP cũng như việc miễn học phí trước đây không phải là bản chất của vấn đề.
Ông Bình dẫn chứng, hiện cả nước có 65 trường ĐH, 49 trường CĐ, 41 trường trung cấp đào tạo về SP với quy mô đào tạo năm 2017 lần lượt là 105.642 SV (bậc ĐH), 43.972 SV (bậc CĐ), 13.551 SV (bậc trung cấp). Tuy nhiên, tỷ lệ SV tốt nghiệp thất nghiệp vào năm 2016 của các bậc này đều từ 18 - 19%. “Nếu cho vay tín dụng mà SV ra trường không có việc làm thì sẽ không có thu nhập để trả khoản vay này, nguy cơ nợ xấu rất cao. Vậy ai sẽ trả khoản tiền này cho ngân hàng?”, ông Bình nói và cho rằng, vấn đề căn bản là phải thắt chặt chất lượng đầu ra và tạo việc làm cho SV ngành SP, còn chính sách tín dụng có thể thay thế bằng chính sách học bổng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.