Lĩnh vực nào đang phát hành nhiều trái phiếu doanh nghiệp nhất?

Lê Quân
Lê Quân
17/12/2022 11:23 GMT+7

Theo đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (Bộ Tài chính), khối lượng phát hành trái phiếu giảm; các ngân hàng thương mại phát hành nhiều trái phiếu nhất, kế đến là các doanh nghiệp bất động sản…

Ngân hàng thương mại phát hành nhiều trái phiếu nhất

Ngày 17.12, Ban Kinh tế T.Ư phối hợp với Chính phủ tổ chức Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 5 với chủ đề Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức.

Phát biểu tại Hội thảo chuyên đề: Lành mạnh hóa thị trường tài chính và thị trường bất động sản để phát triển kinh tế nhanh và bền vững, bà Vũ Thị Chân Phương, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), khối lượng phát hành có xu hướng giảm trong thời gian qua.

Bà Vũ Thị Chân Phương phát biểu tại hội thảo

Lê Quân

Cụ thể, tính đến ngày 25.11, khối lượng phát hành TPDN là hơn 331.800 tỉ đồng, giảm 31,6% so với cùng kỳ năm 2021 và có xu hướng giảm dần qua các quý.

Quý 1 là hơn 134.000 tỉ đồng, quý 2 là hơn 122.000 tỉ đồng, quý 3 là 65.900 tỉ đồng, khối lượng phát hành trong tháng 10 là 6.800 tỉ đồng, trong tháng 11 là 1.850 tỉ đồng.

Về cơ cấu phát hành, các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp bất động sản, xây dựng vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Tính đến ngày 25.11, các ngân hàng thương mại phát hành chiếm 41%, các doanh nghiệp bất động sản và xây dựng chiếm lần lượt 28,59% và 7,73% tổng khối lượng phát hành, doanh nghiệp sản xuất chiếm 6,72% tổng khối lượng phát hành.

Về cơ cấu nhà đầu tư, các ngân hàng thương mại và công ty chứng khoán là các nhà đầu tư chính mua TPDN riêng lẻ, sở hữu lần lượt 45,3% và 23,91% tổng khối lượng phát hành. Trong khi đó, nhà đầu tư cá nhân chiếm 9,44% tổng khối lượng phát hành.

Thị trường sụt giảm niềm tin

Theo bà Phương, những tháng cuối năm, hoạt động mua lại trước hạn gia tăng, với tổng khối lượng trái phiếu mua lại lũy kế từ đầu năm là hơn 161.600 tỉ đồng, tăng 14,1% so với cả năm 2021.

Đông đảo đại biểu, khách mời tham dự hội thảo chủ đề liên quan đến thị trường tài chính, thị trường bất động sản

lê quân

Khối lượng TPDN đáo hạn tháng 12 là 42.200 tỉ đồng. Trong đó, doanh nghiệp bất động sản là gần 19.300 tỉ đồng (99,5% có tài sản đảm bảo), tổ chức tín dụng là hơn 9.800 tỉ đồng.

Doanh nghiệp sản xuất là 7.854 tỉ đồng; doanh nghiệp thương mại, dịch vụ là 2.100 tỉ đồng.

Trong năm 2023, khối lượng đáo hạn cả năm là 282.160 tỉ đồng. Riêng quý 1/2023, dự kiến đến hạn 35.900 tỉ đồng.

Cụ thể, trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản là 17.900 tỉ đồng (97,8% có tài sản đảm bảo), doanh nghiệp xây dựng là 9.000 tỉ đồng, doanh nghiệp dịch vụ là 5.300 tỉ đồng, công ty chứng khoán là 1.500 tỉ đồng.

Về cơ cấu nhà đầu tư nắm giữ, các nhà đầu tư là tổ chức nắm giữ 60,9% (trong đó các TCTD nắm giữ 38,5%), nhà đầu tư cá nhân nắm giữ 39,1% (tương đương 14.000 tỉ đồng).

Bà Phương cho biết, thị trường trái phiếu thời gian qua có nhiều khó khăn, chủ yếu xuất phát từ sự sụt giảm niềm tin của thị trường do sai phạm của một số doanh nghiệp vừa bị xử lý, cũng như việc một số phương tiện đưa tin không chính thống, tin thất thiệt về một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường và tâm lý nhà đầu tư; việc kiểm tra, giám sát tập trung vào giám sát mục đích phát hành trái phiếu cũng dẫn đến tâm lý quan ngại của cả doanh nghiệp phát hành và tổ chức cung cấp dịch vụ.

Thanh khoản của thị trường cũng gặp khó khăn trong thời gian qua khi lãi suất ngân hàng tăng, dòng tiền có xu hướng dịch chuyển sang hệ thống ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp khó khăn trong cân đối nguồn vốn kinh doanh và trả nợ trái phiếu đến hạn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.