TNO

Liên Xô thử quả ‘bom vua’ hạt nhân như thế nào

05/04/2015 12:33 GMT+7

(Tin Nóng) Tháng 10.1961, Liên Xô đã cho thử nghiệm quả bom hạt nhân được mệnh danh “vua của các loại bom” ở gần cực bắc Trái đất, với sức nổ mạnh hơn 3.000 lần quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống Hiroshima, tạo ra vụ chấn động mạnh 5 độ Richter.

(Tin Nóng) Tháng 10.1961, Liên Xô đã cho thử nghiệm quả bom hạt nhân được mệnh danh “vua của các loại bom” ở gần cực bắc Trái đất, với sức nổ mạnh hơn 3.000 lần quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống Hiroshima, tạo ra vụ chấn động mạnh 5 độ Richter.


Quả cầu lửa khổng lồ đường kính 8 km tạo ra từ vụ nổ quả bom vua của Liên Xô - Ảnh: Youtube

Quả bom vua này (còn gọi là Tsar Bomba theo tiếng Nga) có sức nổ 50 megaton (gấp hơn 3.000 lần quả bom nguyên tử đầu tiên Mỹ thả xuống Hiroshima, Nhật Bản năm 1945), được gọi là con quái vật hạt nhân lúc đó, theo trang tin Medium (Mỹ) ngày 1.4.2015.

Bom vua này dài 8 m, đường kính 2 m, nặng 27 tấn, bằng trọng lượng một máy bay ném bom Tu-95.

Ngày 30.10.1961, thiếu tá không quân Andrei Durnovtsev chỉ huy một chiếc máy bay ném bom Tu-95 Bear thực hiện việc ném thử nghiệm quả bom vua này, cất cánh từ bán đảo Kola, phía bắc Liên Xô. Đi cùng là một máy bay ném bom Tu-16 Badger.

Hai máy bay này bay đến bãi thử vũ khí hạt nhân tại vịnh Mityushikha, quần đảo Novaya Zemlya ở gần Bắc Cực. Máy bay Tu-95 của thiếu tá Durnovtsev có nhiệm vụ thả quả bom hạt nhân mạnh nhất thế giới lúc đó, “Tsar Bomba” (vua các loại bom) mạnh 50 Megaton và thu thập dữ liệu từ vụ thử này.

Các nhà khoa học đã cho sơn lên thân 2 máy bay ném bom này lớp sơn màu trắng để phản quang, nhằm chống lại xung nhiệt kinh hoàng từ vụ nổ bom gây ra, và họ hy vọng như thế.

Do quả bom khủng này quá nặng, đến 27 tấn, người ta phải bỏ khoang ném bom của Tu-95 đi để treo quả bom vua này dưới bụng Tu-95, thì máy bay mới có thể cất cánh.

Lúc 11 giờ 32 sáng 30.10.1961, quả bom vua được thả khỏi máy bay Tu-95 ở độ cao 10,5 km và rơi từ từ xuống bằng dù để đội máy bay có thể thoát ra khu vực an toàn, vì họ chỉ có 188 giây. Ba phút sau, khi cách mặt đất 4 km, quả vua bom phát nổ, tạo ra một quả cầu lửa chói loà có đường kính gần 8 km và một đám mây hình nấm cao 72 km, vào tận tầng bình lưu.

Khi đó đội máy bay của Durnovtsev đã bay xa được khoảng 48 km. Quả cầu lửa bùng lên, đến độ cao của máy bay Tu-95 và Tu-16. Sức chấn động mạnh đến nỗi chiếc Tu-95 bị rơi xuống gần 1 km trước khi Durnovtsev điều khiển được máy bay. Lớp sơn trắng của 2 máy bay đều bị đốt cháy.

Vụ nổ này được ghi nhận tạo ra chấn động mạnh 5 độ Richter. Ánh sáng của vụ nổ có thể nhìn thấy từ xa 1.000 km, các sóng xung kích từ vụ nổ đã lan đi vòng quanh trái đất ba lần, và làm nứt cửa sổ của một số nhà cửa ở Na Uy và Phần Lan cách đó 900 km. Còn các tòa nhà tại thị trấn bị bỏ hoang Severny ở bãi thử nghiệm đều bị san bằng trong phạm vi 55 km.


Máy bay Tu-95 thả thử nghiệm quả “vua bom hạt nhân” tháng 10.1961 - Ảnh: tư liệu


Quả cầu lửa khổng lồ đường kính 8 km tạo ra từ vụ nổ quả bom vua - Ảnh: Youtube

Tuy uy lực như vậy, nhưng thực ra quả bom vua này chỉ bằng 50% quả bom dự kiến ban đầu, có sức nổ mạnh đến 100 Megaton. Lý do là các nhà khoa học Liên Xô lo ngại lượng bụi phóng xạ phát ra có thể rất lớn nên chỉ thử nghiệm ở mức 50 Megaton. Và theo Medium, quả bom vua này cũng là quả bom hạt nhân “sạch” nhất vì được thiết kế để khi nổ sẽ loại bỏ đến 97% bụi phóng xạ phát ra.

Do quả bom vua quá nặng nên không thể bố trí vào khoang ném bom của máy bay ném bom chiến lược Tu-95, và vì vậy khó được xếp vào loại vũ khí mà máy bay có thể mang đi được. Ngoài ra khoảng cách từ Liên Xô đến Mỹ là rất xa, Tu-95 đã phải tháo gỡ tất cả những trọng lượng thừa, như khoang bom, bình nhiên liệu phụ mới có thể mang được quả bom vua, nên Tu-95 không thể mang quả bom này bay đến Mỹ được dù có được tiếp nhiên liệu trên không.


Quả bom vua này của Liên Xô nặng 27 tấn, có sức mạnh 50 Megaton, gấp hơn 3.000 lần quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hiroshima - Ảnh: Wikipedia


Nơi thử nghiệm quả bom vua của Liên Xô

Tuy vậy CIA nghi ngờ Liên Xô có thể phát triển đầu đạn hạt nhân mạnh 100 Megaton, một loại “bom vua” gắn trên tên lửa đạn đạo liên lục địa có thể phóng tới Mỹ. Khi đó một đầu đạn cỡ 100 Megation này đủ sức san bằng một đô thị cỡ Los Angeles.

Năm 1963, Chủ tịch Liên Xô Nikita Khrushchev nói Liên Xô đã bố trí 1 quả bom hạt nhân mạnh 100 Megaton ở CHDC Đức. Tuy nhiên các sử gia cho rằng không có chứng cứ về việc này.

Còn phi công Durnovtsev sau phi vụ thả bom vua hạt nhân, ông được thăng chức trung tá và nhận huy chương Anh hùng Liên Xô.

Xem video vụ thử nghiệm quả bom hạt nhân Tsar Bomba của Liên Xô, tháng 10.1961:

Anh Sơn

>> Hải quân Mỹ từng triển khai 100 đầu đạn hạt nhân ở Vịnh Bắc bộ
>> Pháp khoe có 300 vũ khí hạt nhân
>> Phát hiện xưởng vũ khí hạt nhân dưới lòng đất của phát xít Đức ?
>> Nga sẽ dùng vũ khí hạt nhân đáp trả hành động chống lại Nga
>> Đột nhập lò phản ứng hạt nhân để quay clip
>> Tàu ngầm hạt nhân Nga bắn thành công tên lửa Bulava
>> Mỹ lo ngại năng lực vũ khí hạt nhân của Trung Quốc
>> Chiến tranh hạt nhân suýt bùng nổ năm 1983
>> 13 ngày bên bờ vực cuộc chiến hạt nhân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.