Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn trở thành di sản quốc gia

Thanh Quân
Thanh Quân
19/02/2023 12:34 GMT+7

Tỉnh Bình Định vừa tổ chức lễ đón bằng công nhận di sản phi vật thể cấp quốc gia lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn.

Sáng 19.2, tại di tích Chùa Bà (thôn An Hòa, xã Phước Quang, H.Tuy Phước, Bình Định) diễn ra lễ công bố quyết định và đón bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn.

Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn trở thành di sản quốc gia - Ảnh 1.

Các lãnh đạo Bình Định đón bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn

THANH QUÂN

Theo hồ sơ di sản, từ những năm 1610, khi Cảng thị Nước Mặn bước vào thời kỳ phồn vinh, cùng với người Việt, người Minh Hương và cộng đồng các sắc tộc cư trú từ một số vùng, miền di cư đến Nước Mặn mua bán đông đúc thì Chùa Bà được xây dựng. Từ đó tên gọi "Chùa Bà" ra đời.

Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn trở thành di sản quốc gia - Ảnh 2.

Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn là một trong những lễ hội truyền thống có quy mô lớn và ra đời rất sớm ở Bình Định, từ cách đây khoảng 400 năm

THANH QUÂN

Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn là một trong những lễ hội truyền thống đặc sắc có quy mô lớn và ra đời sớm ở Bình Định. Hằng năm, lễ hội được tổ chức vào cuối tháng giêng, đầu tháng 2 (âm lịch); có thể ngày 29 hay ngày 30 tùy tháng thiếu hay đủ và có thể kéo dài thêm 2 hoặc 3 ngày của tháng 2 âm lịch.

Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn trở thành di sản quốc gia - Ảnh 3.

Đến nay, lễ hội đã có sự đổi mới về nội dung và hình thức cho phù hợp với tình hình mới

THANH QUÂN

Lễ hội diễn ra với nhiều nghi lễ, tín ngưỡng mang tính đặc trưng của vùng cảng thị xưa như: lễ tế các vị thần linh đã phù hộ cho người đi biển, buôn bán, che chở cho đời sống tinh thần, vật chất của người dân, bảo hộ cho việc sinh sản mẹ tròn con vuông; lễ rước các biểu trưng ngư, tiều, canh, mục với những hình tượng đặc sắc, nhằm tưởng nhớ, tôn vinh công lao khai sáng của cha ông đã biến vùng đầm lầy ven biển trở thành một đô thị thương cảng sầm uất. Ngoài ra, phần hội với nhiều trò chơi dân gian thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.

Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn trở thành di sản quốc gia - Ảnh 4.

Lễ hội diễn ra với nhiều nghi lễ, tín ngưỡng mang tính đặc trưng của vùng cảng thị xưa

THANH QUÂN

Ông Nguyễn Văn Ngọc, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cho biết, tên gọi Nước Mặn xuất hiện vào đầu thế kỷ XVII, là một địa chỉ nằm trên con đường tơ lụa trên biển với một số trung tâm thương mại quốc tế. Bản đồ vẽ vào năm 1608 con đường tơ lụa trên biển có hai địa danh được thương nhân nước ngoài thường đến buôn bán là Thị Nại - Nước Mặn và Hải Phố - Hội An nằm trên đường hàng hải đến với Vuconva (tức bắc Philippines). Trong các thương cảng ở Đàng Trong lúc bấy giờ thì Thị Nại - Nước Mặn thuyền buôn các nước phương Tây, Malaysia và một số nước khác đến buôn bán khá tấp nập.

Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn trở thành di sản quốc gia - Ảnh 5.

Toàn cảnh di tích Chùa Bà, nơi diễn ra lễ công bố quyết định và đón bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn

THANH QUÂN

"Lễ hội đã trở thành một hoạt động văn hóa tín ngưỡng quy mô lớn và ra đời sớm ở Bình Định. Vì lý do chiến tranh và nhiều vấn đề có liên quan, lễ hội được khôi phục trong vòng hơn 20 năm qua. Cho đến nay, lễ hội được tổ chức hàng năm nhưng đã có sự đổi mới cả về nội dung lẫn hình thức cho phù hợp với sự đổi mới kinh tế - văn hóa - xã hội", ông Ngọc cho hay.

Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn trở thành di sản quốc gia - Ảnh 6.

Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn luôn thu hút nhiều du khách gần, xa đến tham dự

THANH QUÂN

Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn trở thành di sản quốc gia - Ảnh 7.

Các lãnh đạo tỉnh Bình Định tham dự lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn

Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn trở thành di sản quốc gia - Ảnh 8.

Di tích Chùa Bà đóng góp rất lớn trong đời sống tinh thần người dân địa phương

THANH QUÂN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.