'Lấy phiếu tín nhiệm sẽ tác động công tác cán bộ, không phải xong rồi bỏ đó'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
24/10/2023 10:13 GMT+7

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh Trịnh Xuân An cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp lần này sẽ có tác động đến công tác cán bộ trong cả hệ thống chứ không phải "xong rồi bỏ đó mà không có chuyển dịch gì".

Chiều nay 24.10, tại kỳ họp 6 Quốc hội khóa XV, Quốc hội bắt đầu quy trình lấy phiếu tín nhiệm với những người giữ chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình để Quốc hội thông qua danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm. Việc lấy phiếu sẽ được tiến hành vào sáng mai 25.10, bằng hình thức bỏ phiếu kín, kết quả công bố vào chiều cùng ngày.

Danh sách 44 người được Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm năm 2023

Muốn lấy phiếu tín nhiệm thực chất, lá phiếu phải có chất lượng

Chia sẻ bên hành lang Quốc hội, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Tạ Văn Hạ nhấn mạnh yêu cầu việc lấy phiếu tín nhiệm phải thực chất mới có hiệu lực, hiệu quả. Để đạt mục tiêu này, trước hết lá phiếu phải có "chất lượng". 

'Lấy phiếu tín nhiệm sẽ tác động công tác cán bộ, không phải xong rồi bỏ đó' - Ảnh 1.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Tạ Văn Hạ

GIA HÂN

"Lá phiếu chất lượng là lá phiếu công tâm, chính xác và phải thể hiện được tính nghiêm túc, bản lĩnh của người ghi phiếu tín nhiệm. Muốn vậy anh phải có thông tin, có đầy đủ cơ sở để đánh giá thật khách quan, công tâm, có trách nhiệm đối với người được lấy phiếu thông qua từng lá phiếu", ông Hạ nhấn mạnh.

Cạnh đó, việc đánh giá không chỉ về chuyên môn mà còn cần phẩm chất. "Vậy thì phải có thông tin rất đầy đủ, rõ ràng để đại biểu Quốc hội có cơ sở đánh giá. Và các cơ quan khác liên quan cũng phải cung cấp những thông tin đó khi đại biểu cần", ông Hạ nói.

Ông Hạ cũng lưu ý, việc đánh giá với kết quả công tác của những người được lấy phiếu cũng cần kỹ lưỡng, thấu đáo và toàn diện. Vì có những lĩnh vực, vấn đề phức tạp, cần sự thay đổi nhất định nhưng mức độ thay đổi đó cần sự nỗ lực đồng bộ trong quản lý nhà nước, trong đầu tư, hay trong chỉ đạo từ T.Ư đến địa phương như lĩnh vực giáo dục, văn hóa… 

Do đó, đối với các bộ trưởng, phải so lần lấy phiếu trước với lần này để xem có thay đổi gì không. Còn với người mới phải xem từ khi ngồi vào ghế đó anh đã có đột phá gì…

"Đánh giá của đại biểu Quốc hội phải khách quan, công tâm, đa chiều. Nếu ta cứ dùng tiêu chí chung mà không tính đến các điều kiện đặc thù cho từng người, từng lĩnh vực thì khó đạt được sự công bằng, khách quan", Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục nhấn mạnh.

Lấy phiếu tín nhiệm không chỉ là đánh giá cá nhân bộ trưởng

Còn ông Trịnh Xuân An, Ủy ban chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh, cho rằng lần lấy phiếu tín nhiệm này diễn ra trong bối cảnh đặc biệt hơn so với những lần trước, đặc biệt khi vấn đề cán bộ né tránh trách nhiệm, sợ sai đang diễn ra phổ biến và yêu cầu về sự "dám nghĩ dám làm" của cán bộ đang rất mạnh mẽ.

'Lấy phiếu tín nhiệm sẽ tác động công tác cán bộ, không phải xong rồi bỏ đó' - Ảnh 2.

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh Trịnh Xuân An

GIA HÂN

Theo ông An, lần này Quốc hội chỉ lấy phiếu tín nhiệm với hơn 40 vị trí được Quốc hội bầu và phê chuẩn, nhưng đó đều là những vị trí cao nhất trong hệ thống bộ máy nhà nước. Vì vậy, việc lấy phiếu có ý nghĩa rất quan trọng.

Ông An kỳ vọng qua đợt lấy phiếu tín nhiệm này sẽ tạo được tính lan tỏa trong việc thúc đẩy tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức, đặc biệt nâng cao tinh thần dám nghĩ dám làm, xử lý những việc khó, những điều mà đất nước và nhân dân kỳ vọng.

Cho biết đã dành thời gian nghiên cứu nhiều báo cáo kết quả của những chức danh được lấy phiếu tín nhiệm, ông An nhận định các báo cáo đều nói rất thẳng thắn về những việc đã làm được và chưa làm được. Bên cạnh đó, việc kê khai tài sản cán bộ cũng sẽ được rà soát, đánh giá chặt chẽ, đặc biệt sau việc có lãnh đạo vừa bị kỷ luật vì sai phạm liên quan kê khai tài sản.

Với ý nghĩa đó, ông An cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp lần này sẽ có tác động đến công tác cán bộ trong cả hệ thống chứ không phải "lấy phiếu xong rồi bỏ đó mà không có chuyển dịch gì". 

"Lấy phiếu tín nhiệm với một bộ trưởng không chỉ là đánh giá cá nhân bộ trưởng đó, mà đằng sau là sự kỳ vọng, mong muốn của hệ thống với cả ngành, cả lĩnh vực đó", ông An nhấn mạnh.

Cạnh đó, kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ có người cao, người thấp, song ngay cả việc tín nhiệm thấp cũng là cơ hội để từng người đánh giá, nhìn nhận lại hoạt động của mình, còn người có tín nhiệm cao cũng có sức ép phải làm tốt hơn, phấn đấu nhiều hơn.

"Lấy phiếu tín nhiệm ngoài thực hiện theo quy định và quy trình, thủ tục, còn là cơ hội để nhìn nhận lại công tác cán bộ và tạo nên một xung lực mới, không chỉ với các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm, mà lan tỏa trong cả đội ngũ cán bộ, từ đó góp phần nâng cao trách nhiệm và tinh thần của cả hệ thống", ông Trịnh Xuân An nhấn mạnh.

Tại kỳ họp 6 Quốc hội khóa XV, Quốc hội sẽ lấy phiếu với 44 trong tổng số 49 người đang giữ các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn. 

Trong 44 người được lấy phiếu tín nhiệm, có 2 người lấy phiếu tín nhiệm lần thứ 4; 12 người lấy phiếu tín nhiệm lần thứ 2; 30 người lấy phiếu tín nhiệm lần đầu. 

Có 5 người không lấy phiếu tín nhiệm lần này, gồm: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh. Cả 5 nhân sự này được Quốc hội bầu, phê chuẩn bổ nhiệm trong năm 2023, là năm lấy phiếu tín nhiệm nên không thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm lần này.

Đây là lần thứ 4 Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm. Lần đầu tiên là năm 2013, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm 47 người. Năm 2014, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm lần thứ 2 với 50 người. Năm 2018, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm 48 người.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.