Lắt léo chữ nghĩa: 'Hủ tíu' hay 'hủ tiếu' ?

Vương Trung Hiếu
Vương Trung Hiếu
13/11/2022 07:30 GMT+7

Hiện nay đang có cuộc tranh luận “bất phân thắng bại” trên mạng xã hội Facebook, nhóm ủng hộ cách viết chính tả chuẩn là hủ tíu , nhóm còn lại cho rằng viết hủ tiếu mới chính xác. Đâu mới là “chân lý”?

Ở đây, chúng tôi xin phép dùng từ hủ tíu để bàn về đề tài này.

Giới nghiên cứu cho rằng hủ tíu là món ăn do những người Hoa di cư từ miền nam Trung Quốc đến miền nam Việt Nam, khởi đầu từ tỉnh Quảng Nam rồi lan dần khắp Nam bộ (theo Trì điển (池田), tr.18). Nếu phở ban đầu phổ biến ở miền Bắc thì hủ tíu lại “ăn nên làm ra” ở miền Nam trước hết, có lẽ từ những năm 1950 - 1960, đặc biệt là ở Sài Gòn.

Hủ tíu không phải là món ăn của riêng người Triều Châu như nhiều tài liệu tiếng Việt cho biết. Bách khoa thư Baidu cho rằng hủ tíu là món ăn của người Triều Sán, thậm chí là của người Tuyền Chương, một món gọi theo tiếng Mân Nam là quả điều (粿條, kué-tiâu), không chỉ phổ biến ở miền nam Trung Quốc mà còn rất được ưa thích ở Malaysia, Singapore và những nơi khác ở Đông Nam Á.

Quả điều (粿條), tức hủ tíu, là thuật ngữ được sử dụng ở khu vực Mân Nam, Phúc Kiến, Đài Loan; còn người Khách Gia ở Triều Sán, người Quảng Đông, người Phúc Kiến ở miền nam Phúc Kiến còn gọi món ăn này là bản điều (粄條), âm Quan Thoại là băn tiáo.

Ở Hồng Kông, một số người phiên âm từ quả điều (粿條) thành quý điêu (貴刁, gwai3 diu1) theo cách phát âm của phương ngữ Triều Châu và Tuyền Chương.

Ở Việt Nam, có 2 loại hủ tíu: khô và nước.

Khu vực nói tiếng Hải Nam (một nhánh của phương ngôn Mân Nam, bao gồm tiếng Lê, Lâm Cao, Đam Châu, Quân, Miễn, Hồi Huy, Mại và tiếng Đản Gia) có những món như hủ tíu nước (粄(條)湯: bản (điều) thang); hủ tíu khô thì có hủ tíu tẩm ướp (醃粄條: yêm bản điều) và hủ tíu xào (炒粄 (條): sao bản (điều).

Khu vực Triều Sán (gồm ba thành phố Triều Châu, Yết Dương, Sán Đầu), chủ yếu nói tiếng Triều Châu và Quan Thoại, có những món như hủ tiếu xào (炒粿條: sao quả điều) của người Triều Châu; hủ tíu khô (幹粿: cán quả); hủ tíu cá (魚丸(湯)粿: ngư hoàn (thang) quả), một loại hủ tíu nước mà người Quảng Đông gọi là Ngư đản thang hà phấn (魚蛋湯河粉). Đây là món Ngư đản phấn (魚蛋粉) ở Hồng Kông, người Triều Châu gọi là Bao/phao quả điều (泡粿條) hoặc Sao quả điều (炒粿條).

Bây giờ, trở lại phần chính tả, ta thấy rằng cả hai cách viết hủ tíuhủ tiếu đều phiên âm từ món quả điều (粿條, kué-tiâu), dựa vào cách phát âm của nhóm người Hoa di cư đến miền Nam Việt Nam: guê2 diou5 (Triều Châu); gwo2 tiu4 (Quảng Đông) hoặc go3/guo3/kwo3/ gwo3 (tùy theo vùng) tiau2/ tiau3 (tùy theo vùng) (Khách Gia), trong đó cách phiên hủ tíuhủ tiếu từ tiếng Triều Châu được nhiều nhà nghiên cứu đồng thuận nhất.

Trước năm 1975, ở miền nam, không phải chỉ có cách viết hủ tíu, mà còn cả hủ tiếu. Ví dụ: hủ tíu trong tập thơ Tiếng võng đưa của Bàng Bá Lân (1957) - tr.80; Văn hữu, số 3-4 (1960) - tr.157; còn hủ tiếu thì có trong Cầu mơ của Duyên Anh (1971) - tr.50; Con đường ngã ba: bước đi của tư tưởng của Bùi Giáng (NXB An Tiêm, 1972) - tr.360.

Như vậy, cả hai cách viết đều được chấp nhận. Theo chính tả hiện hành thì hủ tiếu là từ được ghi nhận trong từ điển và nhiều văn bản tiếng Việt.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.