Lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân

Duy Tính
Duy Tính
01/02/2023 04:05 GMT+7

Hồ sơ sức khỏe điện tử là công cụ rất cần thiết trong chăm sóc sức khỏe người dân và quản lý điều trị bệnh, cũng như triển khai các chiến lược bảo vệ những người thuộc nhóm nguy cơ để phòng ngừa các bệnh dịch nguy hiểm.

Lộ trình triển khai tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử (HSSK ĐT) cho người dân TP.HCM sẽ triển khai song hành với lộ trình triển khai khám sức khỏe (KSK) trên địa bàn TP.

Trong kế hoạch năm 2023, ngành y tế TP.HCM sẽ KSK và lập HSSK cho người dân trên 60 tuổi. Liên quan vấn đề này, Thanh Niên có cuộc trao đổi với TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM.

QUẢN LÝ BỆNH KHÔNG LÂY NHIỄM

Ông nhận định thế nào về gánh nặng bệnh không lây nhiễm hiện nay?

Các bệnh không lây nhiễm như bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư và bệnh đường hô hấp mạn tính là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nước ta hiện nay, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng và sự phát triển KT-XH của đất nước. Tuy nhiên, gánh nặng do nhóm bệnh này có thể giảm đáng kể nếu triển khai đồng bộ các giải pháp như tăng cường hệ thống y tế cơ sở, tập trung vào chăm sóc sức khỏe ban đầu để quản lý, chăm sóc người đã mắc, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tiềm ẩn, có các giải pháp can thiệp vào các yếu tố nguy cơ, hành vi nguy cơ nhằm phòng ngừa mắc bệnh. Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm tầm nhìn đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 376) cũng đã xác định việc này.

Lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân  - Ảnh 1.

Tiến tới thực hiện hồ sơ sức khỏe điện tử để theo dõi, quản lý sức khỏe người dân, quản lý tình hình bệnh tật tốt hơn

Duy Tính

Ở mỗi độ tuổi khác nhau, người dân sẽ có những nguy cơ mắc các bệnh lý khác nhau. Trong điều kiện thực tế của nguồn lực việc phân chia theo các nhóm tuổi để lựa chọn loại hình KSK phù hợp là điều cần thiết để chủ động phát hiện sớm những bệnh lý, can thiệp điều trị kịp thời với chi phí KSK hợp lý.

Vậy chiến lược tầm soát bệnh không lây nhiễm của TP.HCM như thế nào? Vì sao ưu tiên nhóm người từ 60 tuổi trước?

Chiến lược khám tầm soát tình trạng bệnh tật của TP.HCM có thể chia thành 2 nhóm: phát hiện các bệnh không lây nhiễm phổ biến cho người dân để quản lý điều trị tại các tuyến y tế cơ sở (chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước), và phát triển dịch vụ tầm soát chẩn đoán chuyên khoa sâu tại các trung tâm y tế chuyên sâu của TP (từ nguồn lực xã hội hóa), trong đó có đề án "hình thành trung tâm tầm soát và chẩn đoán sớm bằng công nghệ cao".

Trên cơ sở đó, giai đoạn 2023 - 2025, TP.HCM sẽ ưu tiên KSK định kỳ cho người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên), đây là nhóm người có nhiều bệnh, dễ bị tổn thương nhất. Việc phát hiện, quản lý điều trị sớm góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và tuổi thọ cho người dân. Trong giai đoạn đầu, người dân thuộc các nhóm tuổi còn lại tiếp tục duy trì KSK theo các chương trình hiện có (học sinh, sinh viên, người lao động…). Lộ trình KSK sẽ mở rộng dần ra để phấn đấu kể từ năm 2025 trở đi, mỗi người dân TP sẽ được KSK định kỳ hằng năm.

Đối với người dân, HSSK ĐT giúp họ được biết và tự quản lý thông tin sức khỏe của mình liên tục, suốt đời; giúp người dân có thể chủ động phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe của mình. Đối với thầy thuốc, HSSK ĐT có đầy đủ thông tin về bệnh tật, tiền sử bệnh, giúp thầy thuốc chẩn đoán chính xác và phát hiện sớm bệnh để can thiệp điều trị phù hợp.
TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM

Để thuận tiện cho người dân trên địa bàn, việc KSK cho nhóm người trên 60 tuổi có thể được tổ chức tại cơ sở khám chữa bệnh (KCB), tại trạm y tế, khu dân cư, và tại nhà; được thực hiện trong chương trình quản lý lồng ghép các bệnh không lây nhiễm tại các trạm y tế phường, xã, thông qua việc sử dụng "Gói can thiệp thiết yếu về bệnh không lây nhiễm trong chăm sóc sức khỏe ban đầu của Tổ chức Y tế thế giới" (WHO PEN).

HSSK ĐT là một công cụ không thể thiếu để quản lý thông tin kết quả khám và điều trị cho người dân.

ĐÃ LẬP ĐƯỢC HƠN 5.000 HỒ SƠ SỨC KHỎE ĐIỆN TỬ

Sau 2 năm TP.HCM lập HSSK ĐT thí điểm tại P.27 (Q.Bình Thạnh), đến nay đã thực hiện như thế nào?

HSSK ĐT là bản tin học hóa của HSSK được lập, hiển thị, cập nhật, lưu trữ và chia sẻ bằng phương tiện điện tử, với những lợi ích mang lại rất lớn.

Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm tầm nhìn đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 376) đã xác định công tác phòng, chống bệnh không lây nhiễm là để phát triển KT-XH ổn định và bền vững. Xây dựng hệ thống y tế có đủ năng lực đáp ứng nhiệm vụ phòng, chống bệnh không lây nhiễm, bảo đảm cung cấp dịch vụ chăm sóc lâu dài cho người bệnh mạn tính; mở rộng các dịch vụ quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm, thông qua thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Đẩy mạnh ứng dụng KH-CN trong quản lý điều trị dựa trên các bằng chứng khoa học phù hợp với điều kiện VN.

Theo đó, đối với người dân, HSSK ĐT giúp họ được biết và tự quản lý thông tin sức khỏe của mình liên tục, suốt đời. Từ đó, giúp người dân có thể chủ động phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe của mình. Đối với thầy thuốc, có đầy đủ thông tin về bệnh tật, tiền sử bệnh, các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh, từ đó giúp thầy thuốc có nhận định về sức khỏe của người bệnh toàn diện, chẩn đoán chính xác và phát hiện sớm bệnh để can thiệp điều trị phù hợp.

Đối với đơn vị quản lý, giúp cho ngành có được dữ liệu lớn về sức khỏe, giúp việc tổng hợp và phân tích dữ liệu thông tin chính xác xây dựng được mô hình bệnh tật theo nhóm tuổi, nghề nghiệp, theo địa bàn dân cư… Từ đó có các chỉ đạo kịp thời về phòng chống dịch bệnh và có được các dự báo, hoạch định chính sách về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân tốt hơn.

Như vậy, việc xây dựng hệ thống HSSK ĐT là rất hữu ích. Do đó, Sở Y tế đã phối hợp với Sở TT-TT triển khai thí điểm phần mềm thu thập dữ liệu sức khỏe cho người dân sinh sống trên địa bàn P.27, Q.Bình Thạnh. Quá trình thí điểm có bị gián đoạn do đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, kết quả bước đầu đã tạo lập được trên 5.000 HSSK ĐT cho người dân. Thông qua bài học kinh nghiệm và thực tiễn triển khai này, ngành y tế đã tham mưu UBND TP.HCM ban hành Kế hoạch triển khai tạo lập HSSK ĐT cho người dân trong năm 2022 với những giải pháp đề xuất và thông tin quản lý sức khỏe người dân tốt hơn, phù hợp trong tình hình hiện nay.

HSSK ĐT có những nội dung gì?

Nội dung trong HSSK ĐT đảm bảo quản lý đầy đủ các thông tin theo Quyết định 831 ngày 11.3.2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành mẫu hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu. Theo đó, bao gồm tin hành chính; tình trạng lúc sinh; yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe cá nhân; tiền sử bệnh tật, dị ứng; khuyết tật; tiền sử phẫu thuật; tiền sử gia đình; sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình; tiêm chủng; các thông tin về KCB ngoại trú, nội trú khi người dân đến khám tại các cơ sở y tế; thông tin về sức khỏe phù hợp với tình hình mới như thông tin về tiêm vắc xin Covid-19.

Vậy ai sẽ quản lý và ai được sử dụng dữ liệu HSSK ĐT này?

Dữ liệu HSSK ĐT tại TP sẽ do ngành y tế TP.HCM quản lý; và theo kế hoạch của UBND TP về triển khai tạo lập HSSK ĐT cho người dân TP thì hệ thống quản lý HSSK ĐT dự kiến sẽ chuyển giao cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) trực tiếp quản lý vận hành hệ thống. Thông tin sức khỏe của người dân được quản lý và phân cấp theo từng nhóm đối tượng. Cụ thể, bệnh viện có thể xem được đầy đủ các thông tin về bệnh tật, tiền sử bệnh tật, các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Người dân xem được các thông tin sức khỏe cá nhân và cung cấp thông tin này cho bác sĩ khi đi khám bệnh, đồng thời có thể tự cập nhật các thông tin về hành chính và sức khỏe hiện hành sau đợt KCB tại các bệnh viện.

Ai là người cập nhật HSSK ĐT cho người dân?

Việc cập nhật, bổ sung dữ liệu về tình hình sức khỏe của người dân khi đến KCB là trách nhiệm của mỗi nhân viên y tế nhằm đảm bảo có được đầy đủ thông tin về sức khỏe hiện tại của người dân.

Để làm được việc này, ngành y tế TP đã xây dựng nhiều giải pháp, cách thức thực hiện. Cụ thể, xây dựng phiếu thông tin sức khỏe điện tử, xây dựng ứng dụng HSSK ĐT cho người dân, xây dựng hệ thống quản lý HSSK cho các cơ sở y tế, thực hiện kết nối Hệ thống thông tin bệnh viện (HIS) tại cơ sở y tế với Trục tích hợp của ngành y tế TP.HCM (ESB Y tế HCM) để cập nhật thông tin về tình trạng sức khỏe của người dân khi người dân đến KSK tổng quát, KCB vào HSSK ĐT.

Lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân  - Ảnh 4.

CÒN NHỮNG TRỞ NGẠI NÀO?

Việc lập HSSK ĐT như đã nói là rất có lợi, nhưng tiến triển chậm. Có những trở ngại gì trong việc lập HSSK ĐT?

Quản lý HSSK ĐT cá nhân là công việc rất mới, đòi hỏi sự đầu tư và chuẩn bị rất kỹ, từ phần mềm ứng dụng, thống nhất chuẩn dữ liệu đầu ra, mẫu thông tin HSSK, những quy định mang tính pháp lý đòi hỏi sự tuân thủ của mỗi cơ sở y tế. Công việc chuẩn bị không chỉ ở ngành y tế mà còn đòi hỏi mỗi địa phương phải chuẩn bị nguồn lực và phương án, xây dựng kế hoạch và lộ trình triển khai phù hợp với chức năng và nhiệm vụ của từng loại hình cơ sở y tế. Ngoài việc xây dựng phần mềm ứng dụng với đầy đủ tiện ích, còn nhiều vấn đề khác đòi hỏi phải được đánh giá và có sự chuẩn bị đầy đủ.

Thực tế vẫn còn không ít những khó khăn và thách thức khi triển khai xây dựng HSSK ĐT. Đó là nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin tại các đơn vị còn thiếu và yếu do chưa được đầu tư đồng bộ và đúng mức. Yếu tố con người cũng là một trở ngại, thách thức: nhân viên y tế không phải tất cả đều có nhận thức đúng về ý nghĩa của HSSK ĐT, không thích làm việc trên máy tính. Người dân còn lo lắng về quyền riêng tư, bảo mật thông tin cá nhân.

Về kỹ thuật, chưa có mã số để nhận dạng người bệnh, chưa thống nhất về thuật ngữ lâm sàng, không phải các cơ sở KCB đều sẵn sàng cho việc triển khai liên thông dữ liệu vào HSSK ĐT. Các biện pháp bảo mật cho dữ liệu sức khỏe cũng là một thách thức quan trọng.

Về tài chính, chuẩn bị nguồn kinh phí hợp lý vẫn là khó khăn chính cho các cơ sở y tế khi triển khai HSSK ĐT, thường gặp là kinh phí để trang bị máy tính, hệ thống truyền tải dữ liệu.

Ngành y tế có kiến nghị giải pháp gì để đẩy nhanh lập HSSK ĐT năm 2023?

Để lập được HSSK ĐT cho toàn dân, bên cạnh nỗ lực của ngành y tế, cần có sự tham gia, hỗ trợ của các cấp, các ngành liên quan trong tổ chức thực hiện, triển khai HSSK ĐT trên địa bàn TP.

Lộ trình triển khai tạo lập HSSK ĐT cho người dân TP sẽ triển khai song hành với lộ trình triển khai KSK cho người dân trên địa bàn TP, trên quan điểm ưu tiên cho nhóm người yếu thế.

Xin cảm ơn ông!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.